Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện từ khi lập quốc, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.
.jpg)
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị
Nhận thức tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực nhân quyền, sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Ban Bí thư đã tiếp tục ban hành Kết luận số 46-TB/TW ngày 06/02/2018 tiếp tục xác định cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”. Trên nhận thức đó, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028, trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”.
.jpg)
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án Truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cung cấp thông tin, tình hình và hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời, khách quan về các nỗ lực và thành tựu của các cấp chính quyền trong bảo đảm quyền con người ở địa phương, góp phần đấu tranh phản bác một cách thuyết phục các quan điểm sai trái, lợi dụng các vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.

Đây là hội nghị tập huấn trực tiếp đầu tiên triển khai Đề án Truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ tới các lực lượng làm công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố. Sau hội nghị này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị địa phương liên quan triển khai thêm 02 hội nghị nữa để phủ khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước theo đúng kế hoạch đề ra.