Tìm kiếm tin tức
Cổng Dịch vụ công quốc gia
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
Tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế của địa phương
Ngày cập nhật 27/08/2014

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hết sức quan tâm đến việc phát huy vai trò, sức mạnh của các tỉnh, thành phố trong hoạt động đối ngoại toàn diện. Vì vậy, “việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của các địa phương nói chung, tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương nói riêng, không chỉ là nhu cầu nội tại nhằm huy động, khai thác triệt để nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, mà còn góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của đất nước về hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Trong bối cảnh tình hình và quan hệ quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, tạo ra nhiều cơ hội mới đồng thời đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các địa phương phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các quan hệ hợp tác quốc tế. Đây cũng chính là những vấn đề mà Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn các đại biểu thảo luận.

Kinh nghiệm thu hút nguồn lực

Một vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra là cách thức cũng như kinh nghiệm nhằm thu hút nguồn lực: đầu tư, thương mại để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Tomiyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Văn phòng thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ, ADB nhận thấy nhu cầu của các tỉnh muốn thu hút thêm các nguồn lực bên ngoài, như vốn, công nghệ và nguyên vật liệu để phát triển. Đến nay, ADB đã dành cho Việt Nam các khoản vay lên tới 8,3 tỷ USD và ít nhất 25% được thực thông qua chính quyền cấp tỉnh và huyện. Tuy nhiên, ông Tomiyuki Kimura cho biết, năng lực thực hiện các dự án do ADB tài trợ của các địa phương rất khác nhau, có địa phương còn chưa lần nào thực hiện các dự án của tổ chức này.

Thông qua kinh nghiệm của mình, Giám đốc thường trú ADB cho rằng, việc chuyên nghiệp hóa ban quản lý dự án và đào tạo nguồn nhân lực là những nhân tố quan trọng trong việc triển khai thành công dự án cấp tỉnh. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần nâng cao năng lực cho các cán bộ sở, ban ngành liên quan như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính… trong việc quản lý và thực hiện các dự án.

Trong khi đó, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về xu hướng đầu tư trực tiếp FDI của Nhật Bản vào Việt Nam và các địa phương cần phải làm gì để thu hút nhiều FDI hơn nữa về tỉnh nhà. Theo ông Atsusuke Kawada, đến nay, có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang tiến hành các hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Hơn 90% các điểm đầu tư của những công ty này nằm ở các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng... Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư thêm nhà máy thứ hai hay nhà máy thứ ba tại các tỉnh khác như Quảng Ninh, Thái Bình, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An. Phạm vi đầu tư ngày càng được mở rộng, nhất là đối với các ngành công nghiệp cần nhiều lao động.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp chưa phát triển, cùng với việc thiếu công nhân lành nghề và các dịch vụ và điều kiện cần thiết cho chuyên gia người Nhật đang là những rào cản để doanh nghiệp Nhật Bản “về” với địa phương. Khắc phục những nhược điểm trên, “các địa phương đều có thể trở thành một điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Atsusuke Kawada khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh trong hợp tác với các địa phương Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Thành phố với 688 dự án có tổng vốn đăng ký là 3,22 tỷ USD. Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Nhật Bản, Thành phố đã chủ động thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với bốn địa phương của Nhật Bản gồm tỉnh Osaka, tỉnh Hyogo, thành phố Yokohama và thành phố Osaka. Để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác và thu hút đầu tư từ Nhật Bản, ông Lĩnh cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt về thủ tục và việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, “để bắt kịp làn sóng đầu tư Nhật Bản đang chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng cần có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, vị Giám đốc Sở Ngoại vụ nói.

Chia sẻ và kiến nghị

Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện Sở Ngoại vụ các địa phương và đại biểu quốc tế đã nêu bật những thuận lợi và khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế của địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm của tỉnh Quảng Trị trong hợp tác với các địa phương nước bạn dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Giám đốc Sở Ngoại vụ Hoàng Đăng Mai cho biết, EWEC ra đời năm 1998, có tổng chiều dài 1.450 km đi qua 13 tỉnh, thành phố của bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị chạy dọc theo Quốc lộ 9, kết nối với Quốc lộ 1A ở thành phố Đông Hà và vào đến cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, do các địa phương trên EWEC có sự phát triển kinh tế không đồng đều, cũng như chính sách xuất nhập khẩu, tiềm lực của doanh nghiệp còn yếu… nên gây khó khăn cho quá trình hợp tác của Quảng Trị đối với các tỉnh bạn. Vì vậy, ông Mai cho rằng, sự phối hợp xây dựng chiến lược, kế hoạch và biện pháp thúc đẩy hợp tác EWEC sẽ là điều kiện cho phát triển cùng có lợi giữa các địa phương. Cùng với đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan trung ương có liên quan đối với Quảng Trị, để tỉnh có thêm điều kiện vật chất, nâng cao năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Nêu ví dụ cụ thể về thuận lợi và khó khăn trong triển khai hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne (CH Pháp), Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, qua 18 năm, hợp tác giữa hai tỉnh diễn ra hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, nông nghiệp phát triển nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường. Thông qua đó, hai bên đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng để các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương làm chủ các dự án mà hai bên cùng hợp tác với giá trị hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những “rào cản” cho sự phát triển hợp tác. Đó là chưa có văn bản hướng dẫn hoặc các quy định có tính chất pháp lý của nhà nước để các địa phương làm căn cứ thực hiện các dự án hợp tác. Vì đây là các dự án mang tính chất hợp tác hữu nghị, khác với các dự án ODA, NGO, “do đó phải có các quy định rõ ràng về trách nhiệm, về nghĩa vụ khi thực hiện dự án như: Về thuế, về thanh quyết toán, về chế độ định mức chi tiêu của các dự án, của các hoạt động hợp tác”, ông Dũng nói.

Trong tham luận “Tổng quan về hợp tác phi tập trung giữa các địa phương Pháp và Việt Nam”, ông Rémi Lambert, Đại biện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, hợp tác phi tập trung Việt -Pháp là hoạt động đặc thù và đem lại giá trị gia tăng lớn trong các hoạt động của Pháp tại Việt Nam. Hợp tác thông qua hình thức này rất đa dạng với hơn 240 dự án đã được triển khai trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, y tế, văn hóa, Pháp ngữ, nước sạch và vệ sinh, phát triển nông thôn, di sản, môi trường, giáo dục/nghiên cứu, đào tạo nghề, trao đổi kinh tế…

Ông Rémi Lambert khẳng định, các dự án đều có vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc thiết lập các quan hệ đối tác giữa các địa phương có điều kiện tương đồng như giữa Vùng Ile-de-France và Hà Nội, Vùng Grand Lyon và TP. Hồ Chí Minh, giữa Brest và Hải Phòng. Thông qua hình thức hợp tác này, các địa phương hai nước được chia sẻ kỹ năng, trình độ nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm góp phần tăng cường năng lực và kỹ thuật của đối tác đồng thời giúp duy trì quan hệ văn hóa và hữu nghị gắn kết giữa hai nước.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe tham luận của ông Randolph Flay, Giám đốc Văn phòng phát triển chương trình (PDO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về hợp tác kinh tế, kỹ thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tham luận của bà Marie Lan Leroy, Phụ trách hợp tác kinh tế tại Dự án hợp tác phát triển đô thị giữa Hà Nội với vùng Ile-de-France (Pháp) về mô hình hợp tác tiêu biểu giữa vùng Ile-de-France với thành phố Hà Nội.

Ngay sau phần tham luận, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi cụ thể với các diễn giả, đồng thời thảo luận các giải pháp để tìm hiểu sâu hơn vào những nội dung cần quan tâm.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn sự tham gia của các đại biểu và đánh giá cao những ý kiến của các diễn giả đã cụ thể hóa định hướng hội nhập quốc tế ở cấp địa phương. Thứ trưởng kỳ vọng, nội dung thông tin hai chiều tại Tọa đàm sẽ giúp cho các địa phương và ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế xác định rõ hơn cơ chế phối hợp, trọng tâm và lĩnh vực hợp tác, từ đó tạo ra nguồn lực cần thiết cho hợp tác quốc tế cấp địa phương./

Nguồn: Diễn đàn Ngoại giao kinh tế trực tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.525.773
Truy cập hiện tại 6.377