Tìm kiếm tin tức
Cổng Dịch vụ công quốc gia
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam
Ngày cập nhật 15/09/2016

Phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam theo hướng chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, hướng tới 2035, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi hậu IDA và các vấn đề đặt ra với ngành ngoại giao.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 9 năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với tầm nhìn 15 năm, đặt ra 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu cùng 169 mục tiêu cụ thể xoay quanh 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đặt trên nền tảng các quan hệ đối tác toàn cầu. Cùng với các quốc gia khác là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và cam kết thực hiện thành công Chương trình nghị sự này.

Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới hoàn thiện Báo cáo Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Báo cáo cũng đã đề cập đến khát vọng của Việt Nam cho năm 2035, đó là phấn đấu xây dựng Một xã hội văn minh, thịnh vượng, hiện đại và dân chủ; Một nhà nước pháp quyền; Một môi trường bền vững; và Một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đây được coi là các định hướng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững của đất nước cả trong trung hạn và dài hạn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam mở rộng hơn nữa, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác với các quốc gia trên thế giới, với các tổ chức quốc tế vì một tương lai bền vững hơn, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Báo cáo Việt Nam 2035; cũng là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình nghị sự 2030. Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9 năm 2012. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là cơ quan điều phối nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phối hợp với các tổ chức quốc tế song phương và đa phương lồng ghép các nội dung của các tiến trình quốc tế mà Việt Nam đã cam kết vào tiến trình phát triển của quốc gia; gắn kết một cách thống nhất các chương trình hành động thực hiện các tiến trình đó vì một mục tiêu chung phát triển đất nước lên một tầm cao mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với mục tiêu Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vị trí và vai trò của ngành ngoại giao là hết sức quan trọng cả ở khía cạnh bề rộng và chiều sâu. Ngoại giao sẽ không dừng lại ở quan hệ đối ngoại mà còn phải mở rộng sang nhiều lĩnh vực như ngoại giao kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, công nghệ... Đây được coi là một yêu cầu quan trọng đối với ngành ngoại giao, nhất là khi các quan hệ chiến lược, quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và các quốc gia ngày càng phát triển.

Chúng ta đã xây dựng, thực hiện và hướng tới hoàn thiện mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng tối đa các lợi thế để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và “tăng trưởng xanh”, “phát triển bền vững” trở thành mục tiêu xuyên suốt và dài hạn của tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhiều chỉ đạo và hành động quyết liệt ở cả khía cạnh chủ trương, chính sách và cả thực tiễn triển khai. Để nỗ lực và quyết tâm này lan tỏa đồng bộ tới các ngành, các cấp, các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, chúng ta cần nhất quán tư tưởng đổi mới gắn liền với tư duy “phát triển xanh”, tư duy “phát triển bền vững”. Đồng thời phát triển tư duy này một cách mạnh mẽ để “xanh” và “bền vững” phải thực sự đi vào cuộc sống, vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tư duy “xanh”, “bền vững” phải trở thành thường trực trong mọi suy nghĩ của tất cả chúng ta.

Thành tựu quan trọng nhất và lớn nhất sau 30 năm đổi mới là đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Đây cũng là kết quả của sự đồng thuận, sự nỗ lực và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Trên bình diện quốc tế, thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là một minh chứng quan trọng cho việc Việt Nam luôn tôn trọng, ủng hộ và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết quốc tế.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ nhưng nền kinh tế đã, đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, tập trung vào ba nhóm chính sau:

- Một là, thách thức về sự tụt hậu. Thế giới cũng như khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ như vũ bão, với mỗi bước đi của họ đòi hỏi chúng ta phải bước nhanh gấp nhiều lần mới có thể rút ngắn được khoảng cách với các nước trên thế giới và trong khu vực. Chúng ta phải có tư duy sáng tạo theo cấp số nhân mới giúp chúng ta làm được điều này.

Thách thức về tụt hậu là một thách thức kép. Một mặt đòi hỏi chúng ta phải bước nhanh, bền vững đã là một thách thức lớn, mặt khác yêu cầu về nguồn lực là rất lớn lại là một thách thức không nhỏ song hành, trong khi nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn ODA giảm dần để chuyển sang giai đoạn hậu IDA do chúng ta đã là nước có thu nhập trung bình, nợ công cao, bội chi ngân sách lớn...

- Hai là, thách thức bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và thu nhập thấp, gia nhập vào nhóm các quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Khi tăng trưởng kinh tế không còn dựa nhiều vào vốn đầu tư, chắc chắn rằng không còn cách nào khác chúng ta phải cải thiện được sự đóng góp của vốn nhân lực mà cụ thể là tăng năng suất lao động và nâng cao sự đóng góp của yếu tố công nghệ trong tăng trưởng. Vượt qua bẫy thu nhập trung bình không đơn giản, có thể mất hàng thập kỷ, nhưng nếu chúng ta không có quyết tâm ngay từ bây giờ thì chúng ta sẽ rất khó vượt qua được bẫy cũng như rất khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

- Ba là, thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến nước ta ngày càng rõ rệt. Trong mọi kịch bản thì nước ta vẫn là một trong các nước chịu nhiều rủi ro nhất, bằng chứng là sự xâm mặn gây thiệt hại nặng nề ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ, nắng nóng, rét hại, hạn hán... ngày càng gay gắt. Nhất là, những vấn đề môi trường gần đây đã trở thành bài học đắt giá trong việc lựa chọn những mô hình, dự án phục vụ tăng trưởng, phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Để vượt qua những thách thức lớn ở trên, đòi hỏi chúng ta phải kiên định với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Từ đó, tạo ra được nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội cũng như bảo tồn và tái tạo môi trường sinh thái và kết quả cuối cùng là phát triển bền vững. Muốn làm được điều này, chúng ta cần đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo ra những đột phá mới trong từng ngành, từng lĩnh vực, thậm chí trong từng doanh nghiệp. Thực hiện tốt ba đột phá chiến lược sẽ xây dựng được nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng từng bước sang chiều sâu.

Ngành ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình này, góp phần đáng kể vào việc đẩy nhanh tốc độ thực hiện tiến trình đổi mới, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chúng ta đang sống trong một thế giới của sự đổi thay nhanh chóng, nhiều sân chơi mới, cuộc chơi mới với những quy định, luật lệ phức tạp được tạo ra, hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi chúng ta luôn phải sẵn sàng chơi trong các sân chơi này, không những thế còn phải chiến thắng. Trong bối cảnh đó, ở khía cạnh kinh tế, ngành ngoại giao cần chú trọng giải quyết 2 vấn đề trọng tâm sau:

- Thứ nhất, phải nâng quan hệ ngoại giao kinh tế lên một tầm cao mới mà ở đó quốc gia chúng ta ở một vị thế đối tác kinh tế ngang hàng với các quốc gia đi trước chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành một đất nước không phải đi “xin” hỗ trợ hoặc viện trợ, mà ngược lại phải trở thành một “đối tác hợp tác thông minh” mà ở đó tạo ra những lợi ích không chỉ cho quốc gia mà còn cho cả đối tác của mình.

- Thứ hai, ngành ngoại giao cần trở thành một nhân tố xúc tác quan trọng để để nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực và cả các doanh nghiệp của chúng ta có thể hiểu rõ và tham gia một cách nhanh chóng, hiệu quả vào các sân chơi mới của hội nhập quốc tế. Ngoại giao sẽ là một kênh kết nối tích cực giúp chúng ta hòa đồng nhanh vào cộng đồng các nền kinh tế phát triển trước chúng ta, giúp chúng ta sớm cùng nhịp bước với các nền kinh tế này.

Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn: Diễn đàn Ngoại giao kinh tế trực tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.218.253
Truy cập hiện tại 7.689