Tìm kiếm tin tức
Cổng Dịch vụ công quốc gia
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tài chính cho phát triển - các vấn đề đặt ra với ngành Ngoại giao
Ngày cập nhật 15/09/2016

Trong thời gian qua, ngành tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao nỗ lực cao trong công tác huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2011-2015.

Về nguồn vốn huy động qua ngân sách, tỷ lệ động viên vào ngân sách bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 23,6% so với GDP, quy mô thu gấp hai lần so với giai đoạn trước, cơ cấu thu có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là kết quả quan trọng, đánh dấu nỗ lực trong việc huy động nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển.

Về nguồn vốn huy động qua thị trường tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và tích cực hơn so với giai đoạn trước đó, quy mô huy động vốn qua thị trường ước đạt khoảng 54,3 tỷ USD (1.211 nghìn tỷ đồng), gấp bốn lần so với giai đoạn 2006-2010, đóng góp ngày càng lớn cho đầu tư phát triển.

Về nguồn huy động từ nước ngoài, tổng giá trị ký kết vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong năm năm 2011-2015 đạt 26,5 tỷ USD, gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân khoảng 5,3 tỷ USD/năm, tương đương 2,8% GDP, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 47% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi cải thiện đáng kể với tổng trị giá 22,3 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006-2010. Những kết quả trong huy động nguồn lực đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng bình quân 5,9% của giai đoạn 2011-2015.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng, kinh tế trong nước chịu tác động ảnh hưởng từ quá trình hội nhập quốc tế, cùng với những yếu kém, bất cập trong cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế, việc đảm bảo các nguồn lực cao đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã phần nào tác động đến các cán cân vĩ mô, làm gia tăng rủi ro và đưa một số cân đối đến gần với mức cảnh báo, trong đó đáng chú ý là các chỉ số nợ công và cân đối ngân sách nhà nước. Tỷ lệ nợ công trên GDP giai đoạn 2011-2015 đã liên tục tăng và đã lên tới 62,2% GDP vào cuối năm 2015, trong đó dư nợ Chính phủ ước 50,3% GDP. Bội chi ngân sách ở mức cao (bình quân 5,6% GDP), nếu tính theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả trái phiếu chính phủ và không bao gồm trả nợ gốc thì ở mức 5,5% GDP.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục khó khăn, việc đảm bảo huy động đủ nguồn lực tài chính cho các mục tiêu phát triển dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một là, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục diễn ra chậm và không ổn định, những yếu tố bất ổn về địa chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục tác động bất lợi đến tăng trưởng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tới các dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư trên thị trường tài chính, chảy vào khu vực các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hai là, tác động từ quá trình hội nhập chứa đựng cả cơ hội và khó khăn thách thức. Việc tham gia vào các thỏa thuận hội nhập mở ra các cơ hội xuất khẩu mới tới các đối tác quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước khi phải đối mặt với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Việc thực hiện các cam kết hội nhập dự báo sẽ có tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua việc cắt giảm thuế quan, và tác động gián tiếp thông qua việc ảnh hưởng tới khu vực doanh nghiệp và qua đó tới các nguồn thu nội địa.

Ba là, việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình sẽ làm thay đổi các điều kiện huy động nguồn vốn hỗ trợ quốc tế, đáng chú ý là việc Ngân hàng Thế giới dự kiến Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA vào tháng 7/2017, gắn với việc rút ngắn thời hạn trả nợ các khoản vay hiện nay và khả năng Ngân hàng Phát triển châu Á dự kiến ngừng các khoản vay theo điều kiện ADF từ  năm 2019. Ngoài ra, phải tính đến việc các nhà tài trợ song phương có khả năng giảm dần điều kiện cho vay ưu đãi như hiện nay sẽ dẫn tới việc phải tiếp cận vốn vay kém ưu đãi, gần với điều kiện thị trường với thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn.

Bốn là, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, một số cân đối vĩ mô còn chưa thực sự bền vững, là những rào cản cho việc huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đề ra các mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 6,5-7%/năm, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân năm năm bằng khoảng 32-34% GDP, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 20-21% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP. Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ các mục tiêu tài chính quan trọng đến năm 2020, bao gồm: (i) Đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP; (ii) Tổng mức dự trữ quốc gia khoảng 1,5% GDP; (iii) Vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược Tài chính đến năm 2020, huy động được các nguồn lực tài chính cho phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đảm bảo các cân đối vĩ mô ổn định, vai trò và sự phối hợp của ngành ngoại giao với các Bộ, ngành kinh tế, trong đó có Bộ Tài chính, là rất quan trọng. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh của ngành ngoại giao đóng góp vào các nỗ lực tăng trưởng kinh tế và huy động nguồn lực, ngành ngoại giao cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường quan hệ song phương với các đối tác quan trọng, đặc biệt là các đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, qua đó vận động cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn hỗ trợ phát triển trong giai đoạn thu nhập trung bình; chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế đa phương, các khuôn khổ hợp tác mới, giải quyết các thách thức toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt, như ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo đa chiều, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, khai thác và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam vượt qua những thách thức này.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong các mô hình hội nhập đa phương mới như TPP, RCEP, một mặt phát huy các mối quan hệ đối tác để vận động trong quá trình đàm phán nhằm đạt được những mục tiêu hội nhập bền vững và hiệu quả, mặt khác chủ động phối hợp trong công tác triển khai thực hiện cam kết hội nhập, chú trọng nội luật hóa và tuyên truyền phổ biến các cam kết hội nhập một cách rộng rãi tới doanh nghiệp và người dân, khai thác các lợi thế tích cực đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập đến kinh tế trong nước.

Thứ ba, chủ động nắm bắt chia sẻ thông tin đối ngoại, giúp cho các Bộ, ngành hiểu rõ hơn về các đối tác, qua đó chủ động hơn trong các quan hệ hợp tác, đàm phán hội nhập; đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho cộng đồng quốc tế về các chủ trương chính sách trong nước, đặc biệt là những định hướng chính sách kinh tế vĩ mô, giúp cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng các nhà đầu tư tiếp cận được các thông tin chính thống, đáng tin cậy, cải thiện hình ảnh đất nước, tăng cường thu hút đầu tư.

Những thách thức, khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn năm năm tới là rất lớn. Song với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trần Xuân Hà

Thứ trưởng Bộ Tài chính

Nguồn: Diễn đàn Ngoại giao kinh tế trực tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.340.304
Truy cập hiện tại 11.378