Tìm kiếm tin tức
Cổng Dịch vụ công quốc gia
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang
 
Kỳ vọng vào trật tự pháp lý công bằng về biển
Ngày cập nhật 30/08/2019

Năm 2019, đánh dấu 25 năm n​gày Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn UNCLOS

Là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, đồng thời nhận thức rõ tác động tiêu cực của các tranh chấp biển đảo đến bảo tồn và sử dụng biển bền vững. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

 Hiệu lực, hiệu quả

Đó là những điểm rõ nét đầu tiên khi dư luận đánh giá về UNCLOS. Vấn đề Biển Đông là tranh chấp biển mang tính chất phức tạp và thách thức nhất trong khu vực Đông Á.

Cho dù là các quốc gia trong khu vực hay là những quốc gia nằm ngoài khu vực đều có lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế lớn trong khu vực này. Do đó, vấn đề Biển Đông đã được các bên rất quan tâm.

Đối với các nước ven bờ Biển Đông, vùng biển này là nguồn tài nguyên, tuyến đường vận chuyển trên biển quan trọng, ảnh hưởng đến các ngành như ngư nghiệp, du lịch... của các quốc gia này. Họ có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài nguyên Biển Đông, do đó, có thể thấy hợp tác quốc tế là lựa chọn chính sách rõ ràng duy nhất.

UNCLOS có thể giúp thực hiện mục tiêu đó. Điều 123 của UNCLOS quy định, khi nước ven biển kín hoặc biển nửa kín hành xử và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của họ do UNCLOS quy định, cần phải hợp tác với nhau. Biển Đông đương nhiên phù hợp với tiêu chuẩn của biển nửa kín. Để đạt được mục tiêu này, những quốc gia xung quanh Biển Đông nên cố gắng trực tiếp tổ chức khu vực phù hợp để phối hợp với việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn sinh vật biển.

UNCLOS đã cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện để thiết lập hệ thống quản lý khai thác biển và đại dương hiệu quả. UNCLOS không quy định chi tiết đánh bắt sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ven bờ trong thời gian nào và phương thức gì, cũng không quy định chi tiết điều khoản thỏa thuận thuê khoáng sản ở dưới đáy biển. Điều được UNCLOS quy định là cung cấp khuôn khổ và quy trình chung cho quyết sách tập thể trong những vấn đề đó. Giáo sư Rainer Lagoni, chuyên gia về luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng UNCLOS là một văn bản pháp lý quan trọng chủ yếu trong lĩnh vực pháp lý về biển, cung cấp khuôn khổ để xây dựng trật tự công cộng về biển. Khi giải thích và ứng dụng UNCLOS, các nước ven bờ Biển Đông phải xem xét đến chức năng của công ước này. Ngoài ra, UNCLOS còn thống nhất hàng loạt công ước quốc tế về biển, đã kiến tạo một trật tự công cộng quốc tế.

Trong cuốn sách “Quản lý biển: Sự phát triển bền vững của biển” (Ocean Governance: Sustainable Development of the Seas), UNCLOS đã được ca ngợi rất nhiều: Khi xem xét đến cơ chế quốc tế có khả năng hiện thực hóa khái niệm phát triển bền vững tài nguyên biển hay không, rõ ràng nên xem xét UNCLOS 1982. Công ước này đã thể hiện nội hàm pháp lý “trật tự kinh tế quốc tế mới” và thiết lập “di sản chung của nhân loại”. UNCLOS đã thể hiện sự tham gia đông đảo, công bằng và cân bằng, sự đối đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, chuyển giao nguồn vốn và khoa học kỹ thuật cho các nước đang phát triển và các nhân tố như hợp tác quản lý cùng hưởng tài nguyên thiên nhiên, mà những nhân tố này cũng mang ý nghĩa vốn có của khái niệm phát triển bền vững.

Việt Nam kỳ vọng...

Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS 1982. Năm 2019 đánh dấu 25 năm ngày UNCLOS chính thức có hiệu lực, đồng thời đánh dấu 25 năm Việt Nam phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn UNCLOS tới Tổng thư ký LHQ. Trước đó, Việt Nam đã tham gia quá trình đàm phán UNCLOS và là một trong 107 quốc gia ký ngày 10/12/1982 khi Công ước bắt đầu được mở ký. Việc Việt Nam tích cực tham gia và thực hiện UNCLOS thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý công bằng về biển.

Điểm 2, Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn UNCLOS nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2. Là thành viên UNCLOS, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp theo các quy định của UNCLOS. Cụ thể, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.

Để thực hiện quyền này của UNCLOS, Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia trình Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của LHQ để bảo đảm quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý; đồng thời có cơ sở khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Đầu tháng 5/2009, Việt Nam nộp báo cáo chung với Malaysia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam và báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc. Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS...

Thời gian qua, đặc biệt sau khi UNCLOS có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển với các quốc gia láng giềng. Việt Nam đã phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa thuận tiến hành hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1992.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn cam kết thực hiện UNCLOS, bảo tồn và phát triển bền vững biển, đại dương. Tại các cuộc họp của LHQ, đại diện Việt Nam luôn kêu gọi các tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thúc đẩy sử dụng biển và đại dương một cách bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, tránh các hoạt động đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hóa các cấu trúc đang chiếm đóng, đi ngược lại với mục tiêu của UNCLOS, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên biển, cũng như quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS và tiến trình xây dựng các quy tắc ứng xử. Việt Nam cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của UNCLOS, hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương vì tương lai chung của nhân loại.

                                                                                                                                             Nguồn: bienphong.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.308.274
Truy cập hiện tại 2.221