Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hiệp định Nông nghiệp (WTO)
Ngày cập nhật 07/09/2018

Hàng nông sản vốn là nhóm mặt hàng nhạy cảm trong thương mại quốc tế. Vì vậy, không dễ đạt được thoả thuận về mở cửa thị trường và cắt giảm các hình thức trợ cấp cho loại hàng này. Sau nhiều vòng đàm phán khó khăn, các nước đã thống nhất một cơ chế thương mại riêng cho hàng nông sản, thể hiện tại Hiệp định nông nghiệp.

Trong WTO, hàng hoá được chia làm hai (02) nhóm chính: nông sản và phi nông sản. Nông sản được xác định trong Hiệp định Nông nghiệp là tất cả các sản phẩm liệt kê từ Chương I đến XXIV (trừ cá và sản phẩm cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong Hệ thống thuế mã HS (Hệ thống hài hoà hoá mã số thuế). Với cách hiểu này, nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hoá có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như:

- Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi…;

- Các sản phẩm phái sinh như bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt…;

- Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô

Tất cả các sản phẩm còn lại trong Hệ thống thuế mã HS gọi là sản phẩm phi nông nghiệp (còn được gọi là sản phẩm công nghiệp).

Trong thực tiễn thương mại thế giới, nông sản thường được chia thành 2 nhóm, gồm (i) nhóm nông sản nhiệt đới và (ii) nhóm còn lại. Cho đến nay, chưa có định nghĩa thống nhất thế nào là nông sản nhiệt đới nhưng những loại nguyên liệu đồ uống (như chè, cà phê, ca cao), bông và nhóm có sợi khác (như đay, lanh), những loại quả (như chuối, xoài, ổi và một số nông sản khác) được xếp vào nhóm nông sản nhiệt đới. Trên thực tế, nhóm nông sản nhiệt đới được sản xuất chủ yếu bởi các nước đang phát triển.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu, cần xác định rõ sản phẩm của mình có thuộc nhóm nông sản theo quy định của WTO hay không. Việc xác định này là rất quan trọng bởi nhóm nông sản sẽ được/phải áp dụng những quy chế pháp lý đặc thù, không giống với quy chế áp dụng chung cho các loại hàng hoá phi nông nghiệp.

Từ góc độ của doanh nghiệp, mức độ mở cửa thị trường nông sản có tác động hai mặt. Đối với việc xuất khẩu nông sản, đàm phán mở cửa càng thành công thì doanh nghiệp càng dễ tiếp cận thị trường nông sản nước ngoài (do mức thuế giảm, ít các biện pháp phi thuế…) và sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu ở thị trường xuất khẩu cũng vì thế tăng lên. Theo hướng ngược lại, đối với thị trường trong nước, mở cửa đồng nghĩa với việc nông sản nước ngoài sẽ vào dễ dàng hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn và do đó có thể làm ảnh hưởng đến thị phần hàng nông sản nội địa trên chính sân nhà.

 “Mở cửa thị trường” nông sản được hiểu là việc giảm bớt các “rào cản” về vật chất và thủ tục để nông sản nước ngoài có thể tiếp cận thị trường nước nhập khẩu một cách thuận lợi. Trong WTO, “mở cửa” đồng nghĩa với việc giảm thuế nhập khẩu (và không được tăng trở lại), giảm và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu (như hạn ngạch, quy định giá nhập khẩu tối thiểu, các loại thuế-phí liên quan đến việc nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, các biện pháp mang tính hạn chế khác…).

Thực hiện những yêu cầu mở cửa thị trường nông sản là nghĩa vụ của Chính phủ các nước thành viên WTO, không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông sản lại là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc các Chính phủ thực hiện những nghĩa vụ này (được lợi vì thị trường mở cửa hoặc bị ảnh hưởng do không còn được bảo hộ như trước).

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần biết về các nguyên tắc chung về mở cửa thị trường nông sản này để có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đồng thời cũng có căn cứ để khiếu nại, khiếu kiện bảo vệ lợi ích của mình khi cần thiết (ví dụ khi nước nhập khẩu vi phạm nghĩa vụ mở cửa thị trường nông sản khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng).

Thuế quan hoá là việc chuyển các biện pháp hạn chế nhập khẩu phi thuế quan (ví dụ hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu…) thành thuế quan. Đây là nguyên tắc quan trọng trong WTO bởi thuế quan là biện pháp minh bạch, ổn định và dễ dự đoánhơn nhiều so với các biện pháp phi thuế quan.

Theo quy định của WTO, hầu hết các biện pháp phi thuế quan đối với hàng phi nông nghiệp bị buộc phải chấm dứt. Tuy nhiên, đối với hàng nông sản, các biện pháp phi thuế mà các nước thành viên WTO trước đó đang áp dụng vẫn được thừa nhận giá trị nhưng bị buộc phải quy đổi thành một giá trị cụ thể (tiền) và chuyển hoá thành thuế suất bổ sung vào mức thuế quan đang áp dụng; sau đó mỗi nước thành viên phải đàm phán và cam kết thuế ở một mức nhất định và đảm bảo rằng trong tương lai không được tăng thuế cao hơn mức cam kết đó. Trường hợp muốn tăng thuế cao hơn mức cam kết thì nước đó phải đàm phán lại và thông thường phải “đền bù” cho các nước liên quan do việc tăng thuế này.

Đối với doanh nghiệp, thuế quan hoá mặc dù có thể làm tăng thuế nhập khẩu nhưng sẽ thuận lợi và minh bạch hơn rất nhiều về thủ tục so với trước. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được những khoản phí bổ sung hoặc chi phí không chính thức (vốn rất phổ biến khi các biện pháp phi thuế được áp dụng).

Hiện tại, chỉ còn rất ít các biện pháp phi thuế được phép áp dụng ở các nước thành viên WTO với những điều kiện cụ thể; do đó nếu bị áp dụng biện pháp phi thuế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định để có thể khiếu nại, khiếu kiện tại nước nhập khẩu hoặc thông qua Chính phủ khiếu kiện tại WTO để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Trong WTO, các nước thành viên được phép sử dụng các biện pháp tự vệ (tăng thuế, áp dụng lại chế độ hạn ngạch, duy trì cơ chế giấy phép nhập khẩu…) để đối phó lại với tình trạng nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Các điều kiện và cách thức để tiến hành tự vệ được quy định trong Hiệp định về Tự vệ (Xem thêm phần về Biện pháp tự vệ).

Tuy nhiên, đối với một số loại nông sản sau khi đã thuế hoá các biện pháp phi thuế, hành động tự vệ sẽ chỉ phải tuân thủ một số điều kiện trong Hiệp định nông nghiệp (gọi là biện pháp tự vệ đặc biệt – Special safeguard measures - SSG) mà về cơ bản là dễ dàng hơn điều kiện tại Hiệp định về Tự vệ. Những loại nông sản là đối tượng của các biện pháp tự vệ đặc biệt này là những loại được đánh dấu bằng chữ “SSG” trong Biểu cam kết của từng nước và là kết quả của sự đàm phán, thoả thuận của các thành viên WTO.

Như vậy, biện pháp tự vệ áp dụng cho đa phần nông sản vẫn thực hiện theo Hiệp định về Tự vệ nhưng có một số sản phẩm (nông sản có đánh dấu SSG) thực hiện theo quy định về tự vệ đặc biệt tại Hiệp định Nông nghiệp (với các điều kiện và yêu cầu thấp hơn).

Các doanh nghiệp khi xuất hàng nông sản cần chú ý quy định và thực tiễn về SSG của từng thị trường. Nếu hàng của doanh nghiệp thuộc nhóm có thể áp dụng SSG thì cần rất thận trọng khi tăng lượng xuất khẩu bởi khả năng bị áp dụng biện pháp tự vệ, tức là bị áp thuế bổ sung ngoài thuế quan đã ấn định trước, sẽ cao hơn nhiều so với các hàng hoá khác (vì điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ đối với các trường hợp hàng hóa SSG dễ dàng hơn nhiều).

Mỗi nước đều có những nhu cầu đặc thù liên quan đến việc bảo hộ nông sản, nhóm mặt hàng được xem là nhạy cảm. Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp khác nhau đối với thương mại hàng nông sản không được phép tuỳ tiện.

Cụ thể, theo Hiệp định Nông nghiệp thì ngoài các vấn đề thương mại, các quốc gia chỉ có thể đưa ra các biện pháp bảo hộ nông sản dựa trên các lý do nhất định, bao gồm:

(i) Những vấn đề không liên quan đến thương mại (ví dụ như vấn đề an ninh lương thực quốc gia);

(ii) Bảo vệ môi trường;

(iii) Các hình thức đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển;

(iv) Những tác động có thể xảy ra khi thực hiện chương trình cải cách mở cửa thị trường nông sản theo quy định tại Hiệp định (đối với các nước chậm phát triển và nước thuần tuý nhập khẩu lương thực).

Trên thực tế, các căn cứ này là rất rộng và như vậy nước nhập khẩu nông sản có tương đối nhiều cơ hội để ban hành những quy định không đi theo các nguyên tắc mở cửa thị trường nói chung. Hệ quả là chính sách về nông sản của các nước có thể có các ngoại lệ nhất định (thường là bất lợi cho hàng nhập khẩu) mà doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cần dự tính trước để xử lý kịp thời nếu gặp phải.

Ngược lại, đứng từ góc độ sản xuất trong nước, doanh nghiệp nông sản cần quan tâm đến nội dung này để có thể yêu cầu Chính phủ có biện pháp bảo hộ hợp lý trước hàng nông sản nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam mà vẫn tuân thủ WTO.

Các biện pháp trợ cấp thường là nguyên nhân dẫn tới sự bóp méo thương mại, khiến cạnh tranh không bình đẳng và không lành mạnh (đặc biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa). Vì vậy, WTO đã có một Hiệp định riêng về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng. Tuy nhiên, Hiệp định này chỉ áp dụng cho hàng phi nông nghiệp.

Đối với nông sản, do đàm phán mở cửa thị trường trong lĩnh vực này khá hạn chế, các hình thức trợ cấp được phép còn rất đa dạng (về phạm vi) và lớn (về mức độ) so với trợ cấp đối với hàng phi nông nghiệp. Hiệp định Nông nghiệp có quy định chi tiết về các loại trợ cấp và điều kiện trợ cấp trong nông nghiệp.

Các quy định về trợ cấp nông nghiệp khá phức tạp, với những điều kiện chi tiết mà mỗi nước cần tính toán để tận dụng hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp của mình mà không vi phạm WTO. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp hỗ trợ được phép để chủ động đề xuất với Chính phủ nếu có điều kiện và yêu cầu Chính phủ can thiệp nếu phát hiện đối thủ nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh do được trợ cấp trái phép.

 

Các nước đang phát triển thành viên WTO (bao gồm các nước đang phát triển và chậm phát triển) hầu hết là những nước phụ thuộc khá nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là nhóm chủ thể dễ bị tổn thương khi các nguyên tắc mở cửa thị trường trong nông nghiệp được thực thi. Vì vậy, Hiệp định Nông nghiệp đã ghi nhận những quy định về biện pháp đối xử đặc biệt, mang tính ưu tiên cho các nhóm các nước thành viên này.

Cụ thể, Hiệp định Nông nghiệp cho phép các thành viên là nước đang phát triển được hưởng những “ưu tiên” sau đối với hàng nông sản:

- Mức độ buộc phải giảm thuế nhập khẩu và giảm các biện pháp trợ cấp ít hơn (chỉ bằng khoảng 2/3 mức độ giảm áp dụng cho nước thành viên phát triển - thậm chí nhóm nước kém phát triển nhất còn được miễn nghĩa vụ giảm thuế và giảm trợ cấp này);

- Thời hạn (lộ trình) thực hiện các nghĩa vụ giảm thuế và trợ cấp dài hơn.

Là nước đang phát triển, Việt Nam cũng được hưởng các ưu tiên này. Điều này đồng nghĩa với thị trường nông sản trong nước sẽ được mở cửa theo cam kết trong WTO nhưng là mở dần dần. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có thời gian để điều chỉnh dần khả năng cạnh tranh của mình.

Nguồn: http://www.trungtamwto.vn

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày