Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ 2023: KHẮC PHỤC HẠN CHẾ ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ngày cập nhật 21/02/2024

Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Luật quy định rõ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt... Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 mới được công bố gồm 6 chương, 34 điều. Luật này được đánh giá đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994. Đồng thời, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

So với Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về công trình lưỡng dụng

Theo Điều 7 của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định:

Một, công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự, gồm công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi, bổ sung mục đích sử dụng.

Hai, cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư, dự án công trình dân sự có tính lưỡng dụng có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về tính lưỡng dụng của công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ba, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lưỡng dựng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ thiết kế, hoàn công và phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng để đăng ký danh mục, phân loại, phân nhóm, quản lý hồ sơ theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Bốn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng, bãi bỏ sử dụng lưỡng dụng đối với công trình quốc phòng.

Năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định có thời hạn việc chuyển công trình lưỡng dụng từ sử dụng cho mục đích dân sự sang sử dụng cho mục đích quân sự trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Sáu, việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được quy định như sau:

Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan và được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14 của Luật này;

Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này;

Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

Việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Bảy, việc thay đổi chủ sở hữu hoặc đưa công trình dân sự có tính lưỡng dụng ra khỏi danh mục công trình lưỡng dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và được phép của cấp có thẩm quyền.

Tám, nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng công trình lưỡng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình dân sự sang công trình lưỡng dụng.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023

Thứ hai, quy định rõ thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng

Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự đực quy định rõ ràng tại Điều 12 của Luật này.

Theo Điều 12: Chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự:

Một, việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự phải không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước; phù hợp với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hai, các trường hợp công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển mục đích sử dụng, bao gồm:

Chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;

Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh;

Còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ba, thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định như sau:

Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự sang mục đích khác đối với trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, đồng thời xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất có công trình quốc phòng, khu quân sự được chuyển sang mục đích khác;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Bốn, trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất để thiết lập khu quân sự ở vị trí mới phù hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; Cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư thực hiện dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình quốc phòng, thiết lập khu quân sự ở vị trí mới, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Năm, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có gắn với thu hồi đất quốc phòng thì việc bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Sáu, Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023

Thứ ba, quy định tiêu chuẩn người làm công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Theo Điều 20 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 quy định lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như sau:

Một, lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bao gồm: Lực lượng của Bộ Quốc phòng làm nòng cốt; Lực lượng của Bộ Công an phối hợp tham gia bảo vệ; Lực lượng bảo vệ của Ban, Bộ, ngành, địa phương được giao quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình quốc phòng.

Hai, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bao gồm: Lực lượng chuyên trách bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt và các công trình quốc phòng Nhóm I loại A không niêm cất, lấp phủ; Lực lượng bảo vệ của đơn vị đóng quân trực tiếp quản lý, sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; Lực lượng thuộc cơ quan quân sự địa phương và Dân quân tự vệ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được giao quản lý, sử dụng trên địa bàn.

Ba, người đứng đầu Ban, Bộ, ngành trung ương có trách nhiệm tổ chức lực lượng thuộc phạm vi quản lý để bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của cơ quan mình; trường hợp không tổ chức được lực lượng bảo vệ thì bàn giao công trình cho Bộ Quốc phòng để bố trí lực lượng thuộc cơ quan quân sự địa phương trực tiếp bảo vệ; khi cần sử dụng, Bộ Quốc phòng giao lại cho Ban, Bộ, ngành trung ương bảo vệ theo quy định của Luật này.

Bốn, tiêu chuẩn người làm công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định như sau: Là công dân Việt Nam làm việc trong cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Có đủ tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đủ sức khoẻ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; Được huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao./

 

Nguồn: https://quochoi.vn/

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày