Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Luật Thanh niên năm 2020
Ngày cập nhật 24/02/2021

Luật Thanh niên 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 9 thông qua vào ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT

Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Thanh niên năm 2005 cho thấy việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật.

Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU  

Thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 2005 Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Thanh niên với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển thanh niên.

Hiến pháp năm 2013 quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên Việt Nam: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”([1]). Việc quy định như vậy cho thấy Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.

Qua gần 15 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhiều quy định chung chung, chưa tạo điều kiện mạnh mẽ cho thanh niên phát triển; chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa cụ thể, rõ ràng... Đặc biệt, Luật chỉ tập trung vào quy định kêu gọi và khuyến khích trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội, mà không  đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của thanh niên đối với bản thân mình, đối với quốc gia, dân tộc....

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên năm 2005. Vi vậy, xuất phát từ thực trạng của pháp luật về thanh niên và yêu cầu, bối cảnh chung hiện nay, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 không chỉ dừng ở các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên, mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân mình qua sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, trách nhiệm của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần xác định rõ vị trí và vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (là tổ chức nòng cốt) và các tổ chức thanh niên khác trong sự nghiệp phát triển thanh niên. Cụ thể như sau:

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng pháp luật.

2. Thể hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành; quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, lập thân, lập nghiệp, đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc.

3. Kế thừa các quy định của Luật Thanh niên 2005 còn phù hợp với điều kiện hiện nay; Bổ sung, sửa đổi các quy định khác cho phù hợp với bối cảnh, đặc điểm yêu cầu và xu hướng phát triển thanh niên hiện nay.

4. Bảo đảm phù hợp với xu thế quản lý và hoạt động của thanh niên trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa; Tham khảo thêm kinh nghiệm cũng như xu hướng trong xây dựng các chính sách về thanh niên ở các nước trên thế giới.

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THANH NIÊN

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh:

Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên.

b) Đối tượng áp dụng:

Luật này áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

2. Bố cục của Luật Thanh niên:

Luật Thanh niên gồm 7 chương, 41 điều (tăng 01 chương và 05 điều so với Luật Thanh niên năm 2005), cụ thể:

- Chương I: Quy định chung gồm 11 điều quy định: Thanh niên; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; hợp tác quốc tế về thanh niên; tháng Thanh niên; đối thoại với thanh niên và áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Chương II: Trách nhiệm của thanh niên gồm 04 điều quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân thanh niên.

- Chương III: Chính sách Nhà nước đối với thanh niên gồm 11 điều quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó, có 06 điều quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: Chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 điều quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: Chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Chương IV: Trách nhiệm của tổ chức thanh niên, gồm 04 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và về chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.

- Chương V: Ggồm 04 điều quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên.

- Chương VI: Quản lý nhà nước về thanh niên, gồm 5 điều quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Những điểm mới của Luật Thanh niên năm 2020

Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, các điều khoản thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Trong khi đó, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Thanh niên với tư cách là một công dân có các quyền và nghĩa vụ như một công dân.

Do đó, nhằm khắc phục nhược điểm của Luật Thanh niên năm 2005. Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, mà chỉ dành 01 điều chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4);

Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, Chương II của Luật quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu và thực hiện trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”([2]);Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”([3]).

Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 5).

Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về thanh niên của một số quốc gia trên thế giới, cũng như một số luật của Việt Nam([4]) cho thấy các luật đều có quy định mang tính nguyên tắc trong tổ chức, thực hiện pháp luật nói chung. Vì vậy, Luật Thanh niên năm 2020 quy định 01 điều mang tính nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó, quy định các nguyên tắc nhằm bảo đảm sự bình đẳng của thanh niên về quyền, nghĩa vụ; không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức gia đình trong việc tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; bảo đảm sự tham gia của thanh niên, tôn trọng thanh niên, lắng nghe thanh niên trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên với mục tiêu phát triển thanh niên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 6).

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên nên không đảm bảo được nguồn lực để thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia([5]); Luật Thanh niên Bungari[6]; Luật Thanh niên Latvia[7] cho thấy Luật Thanh niên của các nước này đều quy định về nguồn lực quốc gia dành cho việc thực hiện chính sách thanh niên. Vì vậy, Luật Thanh niên 2020 đã quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian tới.

  Thứ tư, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên (Điều 9, Điều 10).

Từ năm 2003, Đảng, Nhà nước đã lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên - nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Thanh niên đã dành 01 điều quy định tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Việc tổ chức Tháng Thanh niên nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của thanh niên, trách nhiệm của toàn xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây cũng là tháng để thanh niên cả nước hăng hái thi đua, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, xung kích, tình nguyện, thực hiện các chương trình, phần việc thanh niên, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào hoạt động của thanh niên trong năm. Đồng thời, đây cũng là dịp Đảng, Nhà nước tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" quy định: Chính quyền các cấp định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Trong những năm qua, Lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Luật Thanh niên dành 01 điều quy định về đối thoại với thanh niên (Điều 10) là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua những hoạt động đối thoại với thanh niên.

Thứ năm, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Chương III).

Luật Thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên nhưng lại gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên; do vậy nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được triển khai có hiệu quả. Để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một Chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành. Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên; trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học (Điều 16); chính sách về lao động, việc làm (Điều 17); chính sách về khởi nghiệp (Điều 18); chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe (Điều 19); chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao (Điều 20); chính sách về bảo vệ Tổ quốc (Điều 21).

Đồng thời, đối với một số đối tượng thanh niên có tính “đặc thù”  Luật Thanh niên năm 2020 quy định một số chính sách đối với thanh niên xung phong (Điều 22); chính sách đối với thanh niên tình nguyện (Điều 23); chính sách đối với thanh niên có tài năng (Điều 24); chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số (Điều 25); chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm yếu thế phát triển và phát huy nhóm thanh niên tích cực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên (Điều 26).

Thứ sáu, về trách nhiệm của tổ chức thanh niên (Chương IV).

Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 Chương quy định về tổ chức thanh niên, trong đó quy định vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên (Điều 27), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Điều 28), Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam (Điều 29); đồng thời và quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên đối với thanh niên, đặc biệt là đã có 01 Điều quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên (Điều 30) để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các tổ chức thanh niên hoạt động. Những quy định này đã cụ thể hóa tinh thần Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá" để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên.

Thứ bảy, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên (Chương V).

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; trong khi đó những tổ chức này có vị trí, vai trò và sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 Chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (Điều 31); trách nhiệm của tổ chức xã hội (Điều 32); trách nhiệm của tổ chức kinh tế (Điều 33); trách nhiệm của cơ sở giáo dục (Điều 34); trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên (Điều 35). Các quy định này tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đông thời tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Bên cạch đó, các quy định của Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục của gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng; được giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.

Thứ tám, về quản lý nhà nước về thanh niên (Chương VI). 

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Đây là hạn chế để triển khai thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể: Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên (Điều 37);; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn. Quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực. Quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.

IV. TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT

Để việc triển khai thi hành Luật được kịp thời và thống nhất, đảm bảo hiệu quả, Bộ Nội vụ tham mưu tổ chức thực hiện các hoạt động sau:

1. Xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Thanh niên:

Luật Thanh niên giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết các Điều 10 về đối thoại thanh niên; Điều 22 về chính sách đối với thanh niên xung phong; Điều 23 về chính sách đối với thanh niên tình nguyện và Điều 26 về cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ sẽ

2. Trình Chính phủ xem xét, ban hành các Nghị định sau:

(i) Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện;

(ii) Dự thảo Nghị định quy định về đối thoại thanh niên; cơ chế chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

3. Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh niên./.

 


([1]) Khoản 2, Điều 37.

([2]) Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc ngày 22/9/1962.

([3]) Bài nói chuyện ­với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955.

([4]) Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; Điều 6 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.

([5]) Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia quy định 01 Chương về kinh phí và nguồn nhân lực cho các chương trình và dự án vì lợi ích công đối với thanh niên;

([6]) Luật Thanh niên Bungari quy định các nguyên tắc quản lý, cung cấp tài chính cho các hoạt động nhằm thực hiện chính sách thanh niên nhà nước;

([7]) Luật Thanh niên Latvia quy định việc cung cấp tài chính từ ngân sách nhà nước được cung cấp cho các sáng kiến của thanh niên, các tổ chức thanh niên.

Nguồn: https://pbgdpl.moj.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày