Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2016: Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
Ngày cập nhật 17/05/2016

 Ngày 25 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. So với những quy định của Quy chế về tạm giữ, tạm giam (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998) thì Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã có nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, rõ ràng, đáp ứng thực tế. Sau đây là một số điểm mới căn bản:

       Một là, khái niệm người bị tạm giữ, tạm giam trong luật mới mang tính bao quát, thực tế hơn. Quy định cũ: “Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có Lệnh tạm giữ”, trong khi thực tế Người bị tạm giữ còn bị bắt trong các trường hợp khác như: Truy nã, đầu thú, tự thú…Đối với người bị tạm giam, thực tế cũng có nhiều dạng nhưng quy định cũ chưa bao gồm hết được. Luật mới đã cụ thể hoá khái niệm, cũng như cách gọi tên phù hợp thực tế hiện nay.

      Hai là, Luật quy định cụ thể và rất cơ bản về những quyền mà người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng và nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9). So với quy định cũ, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định rải rác và chưa đầy đủ ở nhiều văn bản luật khác nhau. Nay, được cụ thể hoá cho phù hợp.

      Ba là, Luật quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 16) và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam (Điều 17). So với văn bản luật cũ, chưa quy định về vấn đề này. Đây được xem như một bước tiến lớn trong Luật, tạo điều kiện cho cơ sở giam giữ thực thi pháp luật, quản lý hồ sơ đầy đủ hơn. Đồng thời cũng thuận lợi cho cơ quan quản lý giam giữ, Viện kiếm sát…thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát hồ sơ sổ sách.

      Bốn là, Luật quy định về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp thân nhân trong quá trình bị tam giữ, tạm giam có ý nghĩa quan trọng. Tại Điều 22 Luật quy định “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng…”. Theo quy định cũ, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gặp thân nhân nếu được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý. Quy định này dẫn đến trong nhiều trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.

      Năm là, Luật đã quy định cụ thể (có Chương riêng: Chương V) về chế độ quản đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, các đối tượng trên được Luật quy định chi tiết về việc giam, giữ, chế độ ăn ở, quản lý, sinh hoạt, chăm sóc y tế, gặp gỡ thân nhân…Nhìn chung, họ là chủ thể đặc biệt nên Luật có những quy định nhằm đáp ứng tốt hơn việc giam giữ đối với họ. Điều này, góp phần đảm bảo quyền con người phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

      Sáu là, Luật quy định thêm về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam. Hai cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Luật cũng quy định thêm về vai trò của Viện kiểm sát trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Chương VIII). Theo đó, có 02 điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Đặc biệt, luật quy định rất rõ về thời hạn giải quyết, trả lời, thông báo…của cơ quan quản lý, thi hành giam giữ cho Viện kiểm sát được biết. Điển hình như: Yêu cầu cung cấp hồ sơ, thông báo tình hình giam giữ, vi phạm pháp luật (là 15 ngày); Yêu cầu tự kiểm tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát (là 30 ngày); Kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngàykể từ ngày nhận được kháng nghị; Kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Điều này, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, thi hành giam giữ biết được thời gian cụ thể để chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện các quy định của pháp luật kịp thời, đúng theo quy định.

      Bảy là, việc khiếu nại, tố cáo được quy định rất chặt chẽ, có trình tự, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam. Luật mới quy định đến 18 điều liên quan tới Khiếu nại, tố cáo. Điều này, thể hiện sự quan tâm đến quyền con người, đặc biệt là đối tượng đang bị giam giữ. Ngoài ra, so với quy định cũ thì luật mới quy định rất cụ thể về thời hiệu khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết, thời hạn giải quyết, hồ sơ, trình tự thủ tục…

      Tám là, Quy định về việc kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Cụ thể, quy định cũ không quy định người bị tạm giữ bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm nội quy nhưng luật mới có quy định về trường hợp này. Hoặc quy định cũ quy định người bị phạt giam ở buồng kỹ luật có thể bị cùm một chân. Nhưng luật mới, quy định có cân nhắc hơn, chỉ cùm một chân khi người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân…Ngoài ra, đối tượng cùm chân không áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ, khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên.

      Việc ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là văn bản pháp lý có hiệu lực cao điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tạm giữ, tạm giam; bảo đảm quyền con người trong tạm giữ, tạm giam; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam hiện hành.

      Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016./.

Tập tin đính kèm:
VKSND TP Cần Thơ
Các tin khác
Xem tin theo ngày