Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Cơ hội lớn cho du lịch miền Trung - Tây nguyên phát triển
Ngày cập nhật 18/02/2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Xác định được tầm nhìn và mục tiêu đi xa hơn cũng như những giải pháp "đột phá" về cơ chế và chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây nguyên diễn ra ngày 16/2 đã mở ra cơ hội lớn cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong phát triển du lịch, trở thành những điểm đến có thương hiệu quốc tế; đưa du lịch của khu vực trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Tăng cường liên kết phát triển

Miền Trung - Tây Nguyên là nơi hội đủ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam (biển, đảo; văn hóa-lịch sử; sinh thái, tài nguyên núi rừng, hang động…),  là nơi tập trung 14 di sản thế giới. Bên cạnh đó, nơi đây còn có hơn 3.000 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận trong đó 700 di tích cấp quốc gia, gần 40 di tích quốc gia đặc biệt.  Khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn là nơi sinh sống của 47/54 dân tộc anh em, tạo ra kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc; là nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Tây và Kim Cổ.

Theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên phát triển chủ yếu theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch nên sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Lượt khách du lịch đến tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 18,75% cả nước) chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, (khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước); tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù…

Để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại Hội nghị, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh. Đặc biệt là sẽ đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…

Thể hiện sự quyết tâm và khát vọng vươn lên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: "Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung" từ đó, tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch Điểm (từng địa phương) sang Vùng. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Miền Trung và Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Để du lịch Miền Trung và Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây nguyên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch...Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển Vùng nhằm xác định lại không gian và hệ thống hạ tầng của Vùng, nhất là khu du lịch để tránh chồng chéo, khắc phục dàn trải đầu tư kém hiệu quả; đặc biệt cần định hướng nội dung quy hoạch “xây dựng thành phố biển” để có điều kiện thực hiện đầu tư PPP cho hệ thống tuyến đường ven biển Khu vực. Thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn đã được các tỉnh, thành phố trong khu vực trao quyết định đầu tư dự án phát triển du lịch 

Phải có tư duy mới trong phát triển du lịch

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể nói hết, tô điểm hết được các tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên”, nhưng tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng”.

Theo Thủ tướng, nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái. Do vậy, với miền Trung - Tây nguyên thì tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy "Cụm ngành" làm trung tâm chứ không phải lấy "Tài nguyên du lịch" làm trung tâm (Cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo...); đồng thời, phát triển du lịch phải đặt vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần.

Chúng ta phải hiểu, "Một cụm ngành" bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó, trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra còn có các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như đào tạo nhân lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và an ninh an toàn. "Du lịch biển không chỉ đến tắm biển rồi về mà còn tạo ra các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm biển như ván, lướt sóng, đua thuyền, mô tô nước...; Du lịch văn hóa-lịch sử không chỉ đến xem các cung điện, đình, đài mà còn khám phá lịch sử, hòa mình, trở thành một phần của lịch sử, của dòng chảy xã hội...; Du lịch hang động không chỉ đưa du khách đến xem thạch nhũ rồi về, mà cần có các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ khám phá cho du khách...". Có như vậy mới lan tỏa được giá trị du lịch, Thủ tướng yêu cầu.

Đặc biệt, cần tránh phong trào trong đầu tư du lịch, “thấy tỉnh bạn làm chợ đêm thì tỉnh mình cũng làm chợ đêm, thấy người ta tổ chức lễ hội, mình cũng làm lễ hội mặc dù không có hiệu quả”. Điều quan trọng là phải làm cho sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, homestay để đưa thế giới đến gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa ra thế giới và tạo thu nhập cho người dân tốt hơn. Một vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu tâm, đó là tình trạng chặt chém du khách, vấn nạn taxi dù, chèo kéo, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, một vài trường hợp lừa đảo, ép khách du lịch đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam, đất nước Việt Nam anh hùng trong mắt bạn bè, nhà đầu tư.

Để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành du lịch 5 câu hỏi: (1) làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; (2) làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn; (3) làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu; (4) làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam; (5) làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị này, các địa phương cần rà soát, phân tích lại xem tài nguyên du lịch của chúng ta hiện có đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả chưa, có được trao đúng "thợ kim hoàn" có năng lực và tiềm lực chưa. Đi liền với đó, cần thống kê, phân loại, xếp hạng và tổ chức các hoạt động khai thác, phân bổ, sử dụng các tài nguyên du lịch. Cần kiên quyết thu hồi các tài nguyên du lịch đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, làm hư hại, xuống cấp tài nguyên.

Theo thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày