Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản
Ngày cập nhật 12/09/2018

Sáng ngày 10/9, tại thành phố Huế, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan Hội đồng Chính quyền địa phương Nhật Bản và quan hệ quốc tế (CLAIR-Singapre) tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm Hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản” năm 2018. Tới dự buổi khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; ông Takeshi MIYAJI, Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản; ông Yuichiro UCHIDA, Bí thư thứ nhất - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Các đại biểu tham gia Hội thảo là các nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ các địa phương; các chuyên gia đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, đại diện Sở các vấn đề Tổng hợp thành phố và Chính quyền đô thị thuộc chính quyền thành phố Kagoshima và Sở xúc tiến đầu tư công nghiệp, kinh tế và du lịch thuộc chính quyền thành phố Sapporo (Nhật Bản).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội thảo là một trong các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản nhằm trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về các vấn đề pháp luật và kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương của Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó, tập trung vào trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả quản lý chính quyền đô thị và tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị và hệ thống chính quyền đô thị; các vấn đề chung, thách thức và giải pháp. Những kinh nghiệm được trao đổi tại Hội thảo là những thông tin tham khảo quý báu trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 cũng như tổ chức hành chính địa phương của Việt Nam trong thời gian tới.  

Trong thời gian 2 ngày (ngày 10, 11/9/2018), các đại biểu sẽ nghe và thảo luận xoay quanh các chuyên đề, gồm: Khái quát về hành chính địa phương của Nhật Bản; nâng cao hiệu quả quản lý, cơ cấu tổ chức và điều hành nền tự trị các đô thị của Sở xúc tiến đầu tư công nghiệp, kinh tế và du lịch thuộc chính quyền thành phố Sapporo - Nhật Bản. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đáp ứng yêu cầu đổi mới chính quyền đô thị và nâng cao năng lực quản lý ngành kết hợp quản lý lãnh thổ của chính quyền đô thị - Giải pháp cơ bản tăng cường hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị của Bộ Nội vụ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị - Thực trạng và giải pháp của đại diện Viện nghiên cứu khoa học Tổ chức Nhà nước, hệ thống chính quyền đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và giải pháp của trường Đại học Nội vụ và chính quyền đô thị ở Việt Nam - Một số vấn đề chung, thách thức và giải pháp của đại diện Học viện hành chính quốc gia.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Takeshi MIYAJI cho biết, nền hành chính địa phương của Nhật Bản có sự khác biệt so với Việt Nam bao gồm: Chế độ tự trị địa phương và chế độ thuế, tài chính địa phương. Chế độ tự trị địa phương của Nhật Bản được bảo đảm bằng Hiến pháp; Nhà nước trung ương và địa phương có tư cách pháp nhân độc lập với nhau và cơ cấu của nền tự trị địa phương, mối quan hệ giữa nhà nước với địa phương được quy định trong Luật Tự trị địa phương. Chính quyền địa phương của Nhật Bản gồm 2 cấp là Đô-Đạo-Phủ-Tỉnh và Thành phố-Huyện-Xã, so với các công việc của quốc gia thì khối lượng công việc mà chính quyền địa phương đảm nhận nhiều hơn; quan hệ giữa nhà nước với chính quyền địa phương là quan hệ ngang hàng và hợp tác trên cơ sở Luật Tự trị địa phương để bảo đảm nền hành chính năng suất, dân chủ và phát triển lành mạnh của chính quyền địa phương...

Thảo luận về những vấn đề nêu trên, các đại biểu trong nước cho rằng, thời gian qua, cùng với quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhà nước và cải cách chế độ công chức, công vụ, việc xây dựng và phát triển hệ thống hành chính địa phương ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, đã thực hiện phân quyền, phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương...

Tuy nhiên, trong điều kiện CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống hành chính địa phương ở nước ta vẫn còn những hạn chế như: Tính thực quyền của Hội đồng nhân dân với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện của nhân dân vẫn còn hạn chế; chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định. Mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn chưa được định hình rõ nét, phù hợp; chưa phân biệt rõ sự khác nhau chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương chưa phân định cụ thể, rõ ràng.

Vì vậy, để hệ thống chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng và phục vụ người dân thì cần phải tiếp tục tổ chức các đơn vị hành chính hợp lý; đẩy mạnh việc phân quyền, phân cấp quản lý hành chính giữa các cấp chính quyền địa phương và cần phải xây dựng một số mô hình tổ chức đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ thẩm quyền của người đứng đầu và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; xây dựng đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, có phẩm chất đạo đức công vụ, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn)... Có như vậy, mới đảm bảo thực hiện thống nhất các chính sách do Nhà nước ban hành và bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 
 
 
(Nguồn www.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày