Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước
Ngày cập nhật 19/06/2018

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Sức lan tỏa của các phong trào thi đua

Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và sự nghiệp xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế, các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh. Nhiều phong trào thi đua được phát huy và nhân rộng với quy mô, hình thức tổ chức thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân...

Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của các cấp, ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Điển hình như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,  phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã có sự tham gia và hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cộng đồng xã hội. Thông qua các phong trào này, người dân đã hiến hàng chục ha đất để xây dựng nông thôn mới, điển hình như ông Hồ Văn La, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông hiến gần 2ha đất để xây dựng sân vận động và nhà văn hóa xã; ông Quỳnh Rêh, thôn A Đen 4, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, hiến 10 nghìn m2 đất để xây dựng trường học; Công ty cổ phần xi măng Đồng Lâm hỗ trợ trên 1,4 nghìn tấn xi măng cho các địa phương bê tông hóa đường nông thôn mới...

Lĩnh vực giáo dục với phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Nét đẹp văn hóa học đường”, lĩnh vực y tế với phong trào “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”; lực lượng vũ trang với phong trào: "Giành 3 đỉnh cao quyết thắng", "Xứng danh anh Bộ đội Cụ Hồ", "Vì an ninh Tổ quốc", "Bảo vệ đường biên, cột mốc". Các tổ chức đoàn thể với các phong trào như: “Tuổi trẻ thi đua sáng tạo - khởi nghiệp” của Đoàn thanh niên; “Hũ gạo tình thương”, “Tiết kiệm khởi nghiệp” của Hội phụ nữ các cấp; Hội nông dân với phong trào “Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của công nhân, viên chức, lao động; TP. Huế với phong trào “Huế không tiếng còi xe”, phong trào “Vì thành phố xanh - sạch - đẹp”...Phong trào thi đua chung tay cải cách hành chính với mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đơn giản và thân thiên hơn đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, thúc đẩy mạnh mẽ cho đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Có thể khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước ở Thừa Thiên Huế đã và đang đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Cùng với đó, công tác thi đua, khen thưởng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể đã đi vào nề nếp, có sự chuyển biến về chất, được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, qua đó vừa thúc đẩy và làm động lực tốt cho các phong trào thi đua phát triển và đạt hiệu quả.

Phong trào thi đua yêu trong khối doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển 

Thi đua là động lực cho phát triển

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục là động lực cho đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh việc triển khai, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thì việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước cần phải đổi mới và đa dạng hơn. Đặc biệt, phong trào thi đua phải cụ thể, sát đúng với thực tế của địa phương, đơn vị; các hình thức, phương thức phải cụ thể, có tiêu chí, thành phần rõ ràng để mọi người cùng tham gia.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị để đưa phong trào thi đua đi vào nề nếp gắn với cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình, hỗ trợ điển hình phù hợp với từng địa phương, đơn vị để động viên khích lệ mọi người tham gia. Chú trọng đưa các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể vào phong trào thi đua; tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; nội dung thi đua không dàn trải, tập trung triển khai tại các mô hình điểm, rồi nhân rộng ra trong toàn địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng để đưa phong trào thi đua được phát động và triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Thực hiện nghiêm túc việc xét duyệt thi đua, khen thưởng đúng quy định; bình xét thi đua đúng người, đúng thành tích, những cá nhân được khen thưởng phải tiêu biểu, nổi bật để phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua; đồng thời, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.

 
(Nguồn www.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày