Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Festival Huế - nơi hội tụ và tôn vinh những giá trị di sản
Ngày cập nhật 27/04/2018
Đ/c Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban BTC Festival Huế 2018

Với chủ đề: “Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ X sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 27/4/2018 đến ngày 2/5/2018. Ngoài một số chương trình, lễ hội và các hoạt động được xem là truyền thống như các kỳ trước thì Festival năm nay sẽ có nhiều cải tiến, đổi mới để tạo ra sự khác lạ. Để rõ hơn về quá trình chuẩn bị cũng như nắm bắt các thông tin về Festival Huế 2018, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2018.

PV: Thưa ông, đây là lần thứ 10 Festival Huế được tổ chức, xin ông cho biết Festival Huế năm nay sẽ có những cải tiến, đổi mới gì để tạo ra sự khác lạ so với những kỳ Festival trước ?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Festival Huế lần thứ X với chủ đề: “Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 27/4/2018 đến ngày 2/5/2018. Nhằm tạo ra cái mới lạ để tránh sự nhàm chán của nhiều người dân địa phương và du khách khi mà Festival Huế đã trải qua 9 kỳ tổ chức, Ban tổ chức (BTC) Festival Huế năm nay luôn tìm cách cải tiến, đổi mới để tạo ra tính hấp dẫn cho Festival. Từ khi có chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tổ chức Festival Huế 2018, BTC đã luôn nỗ lực tìm tòi chất liệu mới hấp dẫn, lắng nghe ý kiến và tìm giải pháp thích hợp để Festival luôn giữ vững chất lượng. Trong các kỳ Festival gần đây, thay vì kéo dài thời gian và có nhiều đoàn nghệ sỹ tham gia thì BTC đã chủ động rút gọn thời gian và chú trọng vào chất lượng nghệ thuật hơn số lượng đoàn nghệ sỹ. Về thời gian tổ chức Festival thì trong 02 kỳ đầu tiên, Festival được tổ chức trong 12 ngày, chia làm 4 tour, mỗi tour 3 ngày. Đến Festival 2004, thời gian được rút lại còn 03 tour kéo dài trong 9 ngày, khai mạc vào thứ 7, bế mạc vào chủ nhật để có 2 kỳ nghỉ cuối tuần tạo thuận lợi cho du khách tham dự. Từ năm 2016 và đến năm nay, Festival Huế được điều chỉnh tổ chức gọn trong dịp lễ 30 tháng 4 - mồng 1 tháng 5 và kéo dài 06 ngày. Tuy thời lượng được rút ngắn, nhưng thống kê về số lượng khách du lịch và khán giả vẫn tăng. Song song với việc rút gọn thời gian, BTC cũng chủ trương nâng tầm chất lượng các chương trình nghệ thuật, tinh gọn số đoàn, không dàn trải, chạy theo số lượng để mỗi chương trình đều mang lại sự thích thú và gây ấn tượng cho người dân và du khách.

Bên cạnh đó, về mặt nội dung, hầu hết các chương trình tại Festival Huế 2018 đều được chọn lọc và dàn dựng mới, tiêu biểu và được xem là điểm nhấn trong Festival Huế lần này là Chương trình “Văn hiến kinh kỳ”. Đây là chương trình tôn vinh những giá trị của 5 di sản văn hóa thế giới. “Văn hiến kinh kỳ” là một show diễn sân khấu hóa được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác... Chương trình này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện và được kỳ vọng sau Festival sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du khách tham quan Đại Nội về đêm.

 

Chương trình nghệ thuật "Văn hiến kinh kỳ" được xem là điểm nhấn của Festival Huế 2018

Khác với các kỳ Festival trước, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” năm nay quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật, đồng thời, mở rộng không gian biểu diễn trên nhiều tuyến đường, vào tất cả các buổi chiều trong thời gian Festival, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng trên khắp địa bàn thành phố. “Sắc màu văn hóa” tiếp tục là sự kiện văn hoá điểm nhấn, tạo nên không khí tưng bừng của sự đa dạng sắc màu, phô diễn tính phong phú của âm nhạc, vũ điệu các vùng văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Lễ hội đường phố năm nay có sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, phạm vi không còn giới hạn vào các nước thuộc diễn đàn FEALAC mà mở rộng ra tất cả các nước. Nếu như năm 2016, lễ hội đường phố chỉ diễn ra 2 ngày, thì năm nay lễ hội đường phố sẽ diễn ra vào tất cả các buổi chiều từ 28/4 đến 01/5 bắt đầu vào lúc 16h00 -17h30. Để tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng tham gia vào lễ hội sôi động này, BTC sẽ sắp xếp thêm lộ trình mới qua các tuyến đường trung tâm ở cả 2 khu vực Nam và Bắc sông Hương.

PV: Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày khai mạc, vậy đến nay, các bước chuẩn bị cho sự kiện lớn này của tỉnh đã triển khai đến đâu?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Khác với mọi năm, Festival Huế 2018 được lên kế hoạch các chương trình và lễ hội từ rất sớm nên Ban tổ chức Festival đã chọn lọc, bổ sung được những chương trình nghệ thuật chất lượng, phù hợp với chủ đề, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư lớn và quy mô đối với các chương trình chính của lễ hội. Đến thời điểm này, các khu vực diễn ra các sự kiện lớn đã được đầu tư rất quy mô và bài bản từ sân khấu đến khán đài, hệ thống âm thanh, ánh sáng, hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.

Sân khấu chương trình "Âm vọng sông Hương" đã được lắp đặt tại khu vực công viên đường Trịnh Công Sơn

Những ngày này, Ban tổ chức lễ hội đang triển khai gấp rút những công việc cuối cùng như phối hợp với các lực lượng có liên quan của tỉnh kiểm tra lên phương án phòng chống cháy nổ; tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường trên các trục đường và nơi diễn ra hoạt động của lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các địa phương phối hợp công an tỉnh triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong những ngày trước, trong và sau lễ hội… Mới đây, Trung tâm Báo chí - Festival Huế 2018 cũng vừa được khai trương đưa vào hoạt động (tại số 1 Phan Bội Châu) nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí…

Ngoài ra, các công trình, địa điểm phục vụ cho lễ khai mạc và chuỗi các sự kiện cũng đã được Ban tổ chức tiến hành kiểm tra, rà soát lại những khâu cuối cùng nhằm đảm chất lượng tốt nhất phục vụ cho lễ hội; nhiều nghệ sỹ và đoàn nghệ thuật cũng đã có thời gian chuẩn bị, tập luyện từ nhiều ngày nay cũng như chạy thử chương trình để sẵn sàng cho các buổi biểu diễn trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018. Có thể nói rằng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng chờ đón ngày khai hội.

Sân khấu phục vụ lễ khai mạc đã được lắp đặt tại Quảng trường Ngọ Môn

PV: Festival Huế 2018 tổ chức đúng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, vậy BTC đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ du khách tăng đột biến đến Huế trong thời gian này?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Festival Huế lần thứ X năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 02/5/2018. Trong suốt kỳ Festival Huế năm 2018 sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, các lễ hội đầy màu sắc và hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng. Đây là hoạt động văn hóa - du lịch nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018, dự kiến lượng khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tăng hơn mọi năm.

Do đó từ rất sớm, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Du lịch có kế hoạch đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu du lịch; chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ...

Ngay từ đầu năm, các khách sạn đã chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, thay mới một số trang thiết bị phòng ngủ, nhà hàng, bếp, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khang trang trong khu vực khách sạn. Đồng thời, chú trọng việc tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên, quán triệt ý thức phục vụ nhằm giữ uy tín, thương hiệu của mình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 575 cơ sở lưu trú, với 10.501 phòng, 17.264 giường; trong đó có 199 khách sạn, 7.367 phòng, 12.787 giường; khách sạn từ 1-5 sao hiện có 155 cơ sở, 6344 phòng, 11.048 giường. Trong đó có nhiều khách sạn, khu du lịch có chất lượng cao như: Khách sạn Indochine palace; Imperial, La residance; Saigon Morin; khu nghỉ dưỡng Laguna, Ana mandara…

Khi lượng khách đến Huế tăng cao vào mùa cao điểm du lịch, đặc biệt là Festival Huế 2018 sắp tới, ngay từ đầu tháng 4, Sở Du lịch đã có văn bản quán triệt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn không tùy tiện tăng giá, ép khách, găm phòng gây sốt giá trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018 làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành du lịch tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo tình hình khách đặt phòng, đăng ký kê khai giá lưu trú dịp Festival và niêm yết giá kê khai gửi về Sở Du lịch.

Bên cạnh đó, trước và trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018, lực lượng chức năng của ngành du lịch và các ngành chức năng liên quan sẽ tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra rà soát giá cả các dịch vụ du lịch; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ; phòng chống tệ nạn xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng phục vụ; yêu cầu các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch phải niêm yết công khai, rõ ràng giá bán phòng và giá dịch vụ ăn uống ở thời điểm ngày thường cũng như ngày diễn ra sự kiện Festival tại quầy lễ tân của đơn vị.

Nhiều khách sạn ở Huế đã nâng cấp để phục vụ tốt hơn cho Festival Huế 2018

PV: Một trong những vấn đề đang rất được người dân quan tâm đó là làm thế nào để đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018 khi mà tại TP Huế đang thi công dở dang Dự án cải thiện môi trường nước thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung: Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế là dự án hạ tầng trọng điểm của Tỉnh và Thành phố do Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với kinh phí hơn 5.025 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2008 đến 2018 trên phạm vi 10 phường ở khu vực phía Nam sông Hương thành phố Huế. Với khối lượng thi công hơn 200km đường ống, trải dài trên 92 tuyến đường trong thành phố và phải hoàn thành trong năm 2018, nên Ban QLDA đã tổ chức triển khai đồng loạt trên 100 điểm thi công tại khu vực phía Nam thành phố. Quá trình thi công đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sự đi lại của người dân địa phương và du khách khi đến tham quan Huế trong thời gian qua.

Do đó, để đảm bảo cảnh quan vệ sinh môi trường cho Festival Huế 2018 sắp tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban QLDA trong thời gian này phải tập trung thực hiện một số giải pháp như: Yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó phải tăng cường thi công vào ban đêm. Triển khai thi công dứt điểm từng đoạn, tuyến đường. Đối với các vị trí đang thi công phải có người hướng dẫn giao thông và thu dọn vật liệu vương vãi. Ngoài ra, phải thường xuyên tưới nước mặt đường để chống bụi, đặc biệt lưu ý các thời gian 7h, 11h30, 13h30 và 17h. Yêu cầu Ban QLDA phải có các biện pháp xử phạt hành chính đối với các đơn vị thi công không đảm bảo an toàn, vệ sinh... Mặt khác, đối với các đơn vị thi công thường xuyên vi phạm phải tiến hành đình chỉ thi công hoặc thay thế đơn vị khác. Yêu cầu các nhà thầu tập trung, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến ở khu vực trung tâm thành phố và các trục đường phục vụ du lịch. Đến ngày 25/04/2018, nếu các tuyến đường phục vụ Festival vẫn chưa hoàn thành, yêu cầu các nhà thầu dừng thi công, lấp lại toàn bộ hố móng, thu dọn toàn bộ vật tư, thiết bị ra khỏi công trường và tiến hành vệ sinh, sau ngày 03/5/2018 các Nhà thầu mới được phép triển khai thi công.

Tập trung hoàn trả mặt bằng các tuyến đường khu vực trung tâm để chuẩn bị cho Festival Huế 2018

 

PV: Xin cảm ơn ông, hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo và công phu Festival huế 2018 hứa hẹn sẽ là một mùa lễ hội với nhiều chương trình hoạt động đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn mang dấu ấn rất riêng của vùng đất Cố đô./.

(Nguồn thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày