Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy khởi nghiệp
Ngày cập nhật 13/07/2017
Ngày 10/7, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tổ chức Hội nghị lần thứ VIII. Tại hội nghị lần này, bên cạnh đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và bàn các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung thảo luận về Đề án phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng.
 

 

 

 

Quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ

Theo báo cáo của Ban thường vụ Tỉnh ủy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Mặc dù còn gặp khó khăn chung của nền kinh tế cả nước và bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, kinh tế tư nhân của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn duy trì tốc độ tăng tưởng khá. Hiện nay, cơ cấu ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ và quy mô vốn đầu tư của kinh tế tư nhân có nhiều thay đổi; xuất hiện nhiều ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội. Đặc biệt, một số DN đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và có uy tín thương hiệu trên thị trường.   

Hiện nay toàn tỉnh có trên 5.900 DN tư nhân (chiếm 98,5% trên tổng số DN đang hoạt động), tăng gấp 1,5 lần so với năm 2011; có 76.449 cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động, trong đó có 30.354 hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chiếm 39,7% và tăng 1,5 lần so năm 2011. Riêng năm 2016, kinh tế tư nhân đóng góp 54,2% GRDP của tỉnh (trong đó DN kinh tế tư nhân đạt 21,91% và hộ cá thể đạt 32,25%), nộp ngân sách chiếm trên 20,7% tổng thu ngân sách tỉnh, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy và Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã tổ chức thành công các cuộc hội thảo, các sự kiện quảng bá gắn với việc tuyên truyền các tấm gương điển hình về DN khởi nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, hình thành các “Vườn ươm khởi nghiệp” ở một số cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong khu vực kinh tế tư nhân đạt được một số kết quả quan trọng. Số tổ chức Đảng và đảng viên tăng đáng kể, mối quan hệ giữa tổ chức đoàn thể trong DN với cấp ủy, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc ngày càng tốt, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo cho DN hoạt động ổn định và phát triển.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển và khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hội nghị Tỉnh ủy đã thống nhất mục tiêu là thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý, công nghệ tiên tiến, tổ chức quản lý hiệu quả, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh và cả nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 7.900 DN tư nhân đang hoạt động và 50 nghìn hộ đăng ký kinh doanh hoạt động; DN tư nhân thành lập mới bình quân trong thời kỳ 2016 - 2020 đạt 15% - 16%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 16 - 17%; đến năm 2025 đạt 13 nghìn DN và 70 nghìn hộ kinh doanh. Tỷ trọng đóng góp GRDP trong khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 55 - 60% vào năm 2020 và 60 - 65% vào năm 2025; đến 2020 hỗ trợ phát triển ít nhất 30 dự án khởi nghiệp và 15 DN khởi nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển của kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, thảo luận về nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, Hội nghị Tỉnh ủy đã thống nhất là bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cần phải đặc biệt quan tâm về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ các chính sách, điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Trong đó, cần nghiên cứu, ban hành chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN; khuyến khích và hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến, nhất là ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp gắn với mô hình kiên kết theo chuỗi giá trị; thu hút và lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo yếu tổ môi trường đầu tư. Hướng dẫn, hỗ trợ cho kinh tế tư nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân và đào tạo nghề đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao cho khu vực kinh tế tư nhân; có chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển khởi nghiệp ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ …

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, trước hết phải làm là thực hiện quyết liệt trong cải cách hành chính, công khai và giải quyết  tốt các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng...Cùng với đó, xây dựng môi trường đầu tư an toàn, thân thiện, duy trì đối thoại định kỳ giữa các cấp, ngành với DN; thành lập đường dây nóng để hỗ trợ và tiếp nhận các phản ánh của DN, nhà đầu tư; hỗ trợ tốt hơn cho DN và hộ cá thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tính dụng cho DN vừa và nhỏ của tỉnh và từ các ngân hàng thương mại để giải quyết  tốt bài toán về “vốn đầu tư” cho doanh nghiệp.

(Nguồn thuathienhue.gov.vn)
 
 
 
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày