Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thông thoáng, minh bạch môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngày cập nhật 04/04/2017
Trung tâm thương mại Vicom và khách sạn vinpeal do Tập đoàn Vingroup đầu tư
Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là một trong những mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đưa nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

 

PCI tăng 6 bậc so năm 2015

Năm 2016, năm khởi đầu thực hiện ”Năm doanh nghiệp”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách hành chỉnh; rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất; hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục đầu tư; thực hiện các chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, về thuế. Đặc biệt là thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như đào tạo nghề, tư vấn, thông tin, thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm và sàn giao dịch việc làm để kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động. Tính đến 31/12/2016, toàn tỉnh có hơn 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư 30.204,712 tỷ đồng. Năm 2016, có 666 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.119,679 tỷ đồng. Hiện có 36 dự án của nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại các Khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký là 31.192,6 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định cho biết, trong những gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Chính vì thế, trong 2 năm trở lại đây, nhiều dự án đầu tư lớn đã được đầu tư tại tỉnh như dự án Trung tâm thương mại Vicom và khách sạn vinpeal của Tập đoàn Vingroup có tổng mức đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng phần thương mại và hoàn thành dự án vào đầu năm 2018. Một số dự án lớn sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cũng đang triển khai đúng tiến độ như dự án Công viên biển và bảo tàng Huế (Hue Amusement & Beach Park) của Tập đoàn PSH Tây Ban Nha. Đặc biệt, năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 23/ 63 tỉnh, thành (tăng 6 bậc so với năm 2015) trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Phối cảnh dự án Hue Amusement & Beach Park của Tập đoàn PSH Tây Ban Nha

Chủ đạo là đồng hành và hỗ trợ

Năm 2017 với chủ đề “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính”, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu căn bản, đó là: Thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng minh bạch; tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.

Bên cạnh tập trung xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư. Tỉnh sẽ triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động theo phương châm đáp ứng yêu cầu về số lượng đảm bảo chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai có hiệu quả việc hướng dẫn hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin điện tử; tiếp tục rà soát và triển khai nâng cấp phần mềm điện tử để đáp ứng kịp thời nhu cầu công việc của các đơn vị; tạo lập và sử dụng hồ sơ điện tử, thẻ điện tử trong giao dịch thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, hồ sơ phải nộp của doanh nghiệp, giảm thời gian và chi phí đi lại của doanh nghiệp.

Năm 2017, phấn đấu số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trên 15%; có khoảng 3 - 5 doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ, nhà đầu tư; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng, chiếm trên 46% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh và đóng góp khoảng 3.350 tỷ đồng, chiếm trên 54% tổng thu ngân sách của tỉnh. Một con số đáng mừng là tính đến tháng 3/2017, toàn tỉnh có 12 dự án đầu tư cấp mới với tổng vốn đăng ký 1.246,3 tỷ đồng; có 147 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, với số vốn đăng ký 1.652,10 tỷ đồng, tăng 32,4% về lượng và gấp 2,8 lần về vốn so với cùng kỳ.  

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, với quan điểm sự thành công của các doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban, ngành. Vì vậy, với sự quyết tâm cùng nhiều giải pháp căn cơ cũng như đột phá, hy vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp; đặc biệt với gần 150 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quí I/2017 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của người dân để có nhiều doanh nghiệp thành lập mới cũng như nhiều dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

(Nguồn thuathienhue.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày