Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Ngoại giao Việt Nam năm 2017: Tìm kiếm sự ổn định trong biến động.
Ngày cập nhật 08/02/2017

 

TS. Trần Việt Thái -  Học viện Ngoại giaoNăm 2016 đã đi qua với rất nhiều biến động phức tạp, khó lường, báo hiệu nhiều khó khăn, thách thức mới đang chờ đón Ngoại giao Việt Nam trong năm 2017.

Việc ông Donald Trump thắng cử tại Mỹ, nước Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và việc ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền ở Philippines là những sự kiện mang tính bước ngoặt cho thấy chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2017 sẽ chứng kiến nhiều mối quan hệ quốc tế được sắp xếp lại với những tác động và triển vọng chưa thể lường hết được.

Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, Ngoại giao Việt Nam càng phải tỉnh táo để hướng tới một môi trường hòa bình, ổn định trong vô vàn những biến thiên của thời cuộc. Ngoại giao Việt Nam 2017 cần xử lý tốt ba nhiệm vụ trọng tâm là cân bằng quan hệ nước lớn,  thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng, và xử lý hài hòa quan hệ với láng giềng, khu vực.

ngoai giao viet nam 2017 tim kiem su on dinh trong bien dong
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập là dấu mốc quan trọng của Hiệp hội ASEAN.

Cân bằng nước lớn là then chốt

Các nước lớn luôn đóng vai trò chi phối cục diện quốc tế. Xử lý thành công quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là tam giác Mỹ - Nga - Trung, sẽ góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của đất nước.

Ngày 20/1/2017, ông D. Trump chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới với sự chi phối của Đảng Cộng hòa ở cả hai Viện của Quốc hội Mỹ. Về cơ bản, ông Trump đã lựa chọn được các vị trí chủ chốt trong nội các. Tuy chưa thể đánh giá hết về chiều hướng chính sách của Mỹ dưới thời D. Trump, nhưng bước đầu chúng ta cũng đã có thể khẳng định được 4 điểm. Một là, dưới thời của ông D. Trump, Mỹ sẽ hướng nội nhiều hơn. Về đối ngoại, Mỹ sẽ yêu cầu đồng minh phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Hai là, ở châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản vẫn sẽ là đối tác quan trọng nhất của Mỹ. Mặc dù TPP có thể sẽ bị chững lại, các lợi ích khác của Mỹ ở khu vực vẫn còn rất lớn. Ba là, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực, nhất là hải quân và không quân. Ảnh hưởng của giới quân sự đối với chính sách đối ngoại Mỹ đang gia tăng. Bốn là, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm thành công với ông D. Trump, hy vọng quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục duy trì được đà phát triển đã hình thành trong những năm qua.

Với Trung Quốc, năm 2017 sẽ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, về đối nội, Trung Quốc sẽ tập trung vào chuẩn bị cho sự kiện này. Cục diện chiến lược “4 toàn diện” đã cơ bản định hình. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Công cuộc cải cách toàn diện, đặc biệt là các biện pháp cải cách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định xã hội và cải cách quân đội được dự báo sẽ tiếp tục được ưu tiên cao trong năm 2017. Về đối ngoại, Trung Quốc có nhu cầu kiểm soát quan hệ với Mỹ, duy trì quan hệ ổn định với láng giềng… nhưng đã từ bỏ “giấu mình chờ thời” và sẵn sàng khẳng định mình trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc đầu năm 2017, góp phần đưa quan hệ Việt – Trung đi vào ổn định và tiếp tục phát triển sâu sắc hơn.

Quan hệ giữa các nước lớn vẫn trong khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh. Nhưng mặt cạnh tranh đang gia tăng và khó dự báo hơn. Trước đây, Mỹ coi Nga là đối tượng chính, coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối tượng. Nhưng tới đây điều này có thể sẽ thay đổi. Quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2017 đang đứng trước nguy cơ căng thẳng trở lại, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Thời gian qua, ông D. Trump thời gian qua đã có nhiều tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhất là về kinh tế - thương mại. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ được cải thiện do ông D. Trump và một số nhân vật chủ chốt trong bộ máy mới, có thiện cảm với Nga. Thay đổi này sẽ tác động mạnh tới các mối quan hệ nước lớn còn lại và buộc chúng ta phải xử lý hết sức tỉnh táo.

APEC 2017 - trọng tâm đối ngoại đa phương

Trọng tâm đối ngoại Việt Nam trong năm 2017 chính là tổ chức thành công năm APEC 2017. Chủ đề của năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đưa ra đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nền kinh tế thành viên, cũng như giới chuyên gia ở khu vực. Lý do là các nền kinh tế thành viên APEC đều có quan tâm chung là mong muốn tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, phát triển, cho hội nhập và liên kết ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nước. Chủ đề của năm APEC 2017 cũng phản ánh được mẫu số chung về hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Tổ chức thành công năm APEC 2017 không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam, mà còn là đóng góp của Việt Nam, kỳ vọng của Việt Nam về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong bối cảnh mới ở khu vực và trên thế giới. Với rất nhiều hoạt động và sẽ có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới vào Việt Nam nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC, đây sẽ là các cơ hội kết nối kinh tế, xúc tiến thương mại đầu tư, quảng bá du lịch và các tiềm năng hợp tác ở địa phương, cơ hội đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, …

Để tận dụng tốt các cơ hội to lớn này, cần có sự chuẩn bị kỹ từ chính phủ, doanh nghiệp, địa phương… Chủ động xây dựng tốt từ khâu nội dung, kịch bản, công tác điều hành, lễ tân, an ninh, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm…, trong đó sự chủ động vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp là những nhân tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi của năm APEC 2017.

Cùng với Năm APEC Việt Nam, trong năm 2017 chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng này sẽ góp phần khai thác được thế mạnh của đất nước, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần nâng cao vị thế nước nhà trên trường quốc tế và khu vực.

Láng giềng, khu vực là chìa khóa

Với các nước láng giềng khu vực, năm 2017 sẽ có nhiều thay đổi như Campuchia có bầu cử xã, phường; Malaysia có bầu cử và thay đổi chính quyền… Thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, nguyên trạng về pháp lý và trên thực địa đã bị phá vỡ; sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu rộng. Sau phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 12/7/2016, tình hình Biển Đông dần trở lại yên tĩnh, nhưng tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường.

2017 cũng là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng của ASEAN, mà còn là thời điểm quan trọng để thúc đẩy xây dựng cộng đồng, đoàn kết nội bộ, tăng cường kết nối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới. Philippines đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2017 nhưng dư luận vẫn còn không ít băn khoăn về tình hình chính trị nội bộ và cách dẫn dắt ASEAN của Philippines trong năm 2017.

Do vậy, xử lý quan hệ với láng giềng, khu vực, một mặt cần bám sát chủ trương, đường lối mà Đảng đã đề ra tại Đại hội XII, mặt khác cần kiên trì, kiên quyết, đi đôi với sự linh hoạt, nhanh nhạy trong nắm bắt tình hình để phối hợp xử lý hài hòa ba cụm vấn đề, gồm (i) ổn định quan hệ với Lào và Campuchia, (ii) quản lý tốt vấn đề Biển Đông và (iii) xử lý khéo léo các vấn đề liên quan tới ASEAN…

Tất nhiên, Ngoại giao Việt Nam không chỉ có xử lý quan hệ với các nước lớn, tổ chức năm APEC hay quan hệ với láng giềng, khu vực, Việt Nam hiện còn có quan hệ rộng mở với rất nhiều nước, nhiều tổ chức, khu vực trên thế giới. Trong khi tập trung ưu tiên cho các trọng tâm, không thể bỏ qua các nhiệm vụ thường xuyên khác như công tác lãnh sự bảo hộ công dân, công tác văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, nghiên cứu dự báo… cũng như quan hệ với các nước, các bạn bè đối tác khắp năm châu.

Theo Tin nhanh Thế giới và Việt Nam

Các tin khác
Xem tin theo ngày