Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Việt Nam - 10 năm là thành viên WTO
Ngày cập nhật 29/07/2016

Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (2007 – 2016) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được chuỗi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến hiệu quả thấp, kinh tế phát triển thiếu bền vững, nhiều vấn đề xã hội, môi trường chưa được giải quyết hiệu quả.

Những cơ hội lớn

Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu phát triển kinh tế của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007 – 2016) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được chuỗi tăng trưởng kinh tế. Trong 10 năm, nền kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29% (Chính phủ, 2015a). Tốc độ này được đánh giá là ở mức cao và là thành tựu hết sức quan trọng, nếu xét trong điều kiện rất khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự biến động giá cả thế giới và khủng hoảng kinh tế toàn cầu…

So sánh quốc tế về tốc độ tăng trưởng kinh tế

Đơn vị tính: %

Năm

Khu vực, nước

2007

2008

2010

2011

2013

2015

2016 (KH)

Thế giới

5,1

2,5

3,3

3,5

3,5

3,5

3,8

Khu vực Euro

2,7

1,3

1,7

1,5

1,5

1,2

1,7

Châu Á - Thái Bình Dương

8,3

6,6

7,1

6,4

6,8

5,5

5,2

Việt Nam

6,48

6,18

6,8

6,24

5,42

6,53

6,7

Nguồn: Tổng cục Thống kê, IMF và Kế hoạch 2016

Nhờ mức tăng trưởng kinh tế được duy trì, thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu như năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD thì đến năm 2015 con số này đã là 2.228 USD, dự kiến năm 2016 là 2.445 USD, cao gấp gần 8,5 lần so với năm 1995. Sau 10 năm gia nhập WTO, GDP bình quân đầu người đạt ở mức khả quan, trung bình là 1.600 USD, nhờ đó mức sống của người dân đã được cải thiện. Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Tỷ lệ giữa kim ngạch xuất khẩu so với GDP của Việt Nam trong 10 năm qua tuy có suy giảm trong năm 2009 nhưng vẫn đạt ở mức khá cao. Mức này của Việt Nam năm 2016 là 80,5%, thuộc loại cao so với tỷ lệ chung của thế giới, đứng thứ hạng khá cao so với các nước trong khu vực ASEAN.

Sản xuất nông nghiệp 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo sản xuất ổn định. Năm 2015, sản lượng lúa cả năm đạt mức cao, ước thực hiện 44,75 triệu tấn, năm 2016 dự kiến đạt 44,5 triệu tấn (Chính phủ, 2015a). Sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 50,1 triệu tấn, năm 2016 dự kiến đạt 50 triệu tấn, tăng gần 10 triệu tấn so với năm 2007. Mức lương thực bình quân đầu người năm 2015 đạt 546,4 kg và xuất khẩu các sản phẩm từ khu vực nông nghiệp đạt mức cao trên 20,6 tỷ USD. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, mức lương thực bình quân đầu người đang có xu hướng chững lại. Đây là vấn đề đáng quan tâm về lương thực và an ninh lương thực của Việt Nam trong tương lai khi mà ngày càng có nhiều diện tích đất trồng lúa bị chuyển đổi mục đích sử dụng ở các địa phương, nhiều diện tích lúa bị hạn hán kéo dài hoặc bị nước biển xâm nhập. 

Khu vực sản xuất công nghiệp thường có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhưng từ giai đoạn năm 2007-2011 chịu ảnh hưởng lớn của việc tăng giá đầu vào, lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công… khiến cho tăng trưởng chậm lại và hiệu quả đầu tư kinh doanh thấp. Giai đoạn 2011-2015 sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; chỉ số phát triển công nghiệp 2015 tăng khoảng 10%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh. Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp khai khoáng giảm từ 37,1% năm 2011 xuống khoảng 33,1% năm 2015; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 50,1% năm 2011 lên 51,5% năm 2015 (Đặng Đình Đào, 2015).

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, trong 10 năm qua, mặc dù hai năm 2008, 2009 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn đạt mức bình quân 10 năm là 6,75%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,27%. Doanh thu du lịch đạt mức cao 240 nghìn tỷ đồng năm 2015, dự kiến đạt 260 nghìn tỷ đồng năm 2016. Du lịch quốc tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,0 triệu so với 4,2 triệu năm 2007, khách nội địa dự kiến đạt 42 triệu năm 2016. Các sản phẩm dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng với chất lượng được cải thiện hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, trong lĩnh vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng logistics, chất lượng dịch vụ còn thấp, vẫn là những khó khăn tồn tại lớn hiện nay (Đặng Đình Đào, 2012).

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có tốc độ tăng trưởng được duy trì và là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP đạt tương ứng là 46,5%, 41,5%, 42,7%, 41,1%, 33,3%, 31,1%, 30,5%, 31,0%, 30,5% cho các năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, đạt 31,0% theo kế hoạch năm 2016. Năm 2007, tổng vốn đầu tư chỉ đạt 532,1 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2016 dự kiến đạt 1.588 nghìn tỷ đồng, bằng 31,0% GDP. Vốn FDI trong 10 năm 2007-2016 thực hiện được khoảng 112,23 tỷ USD. FDI thực hiện bình quân mỗi năm từ khi gia nhập WTO đạt 11,22 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2015).

Xuất nhập khẩu 10 năm qua đã có được những kết quả vượt trội nhờ mở rộng thị trường. Nổi bật, năm 2015, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu đạt 162,4 tỷ USD, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2007, tăng 8,1% so với năm 2014, trong đó khu vực FDI (không kể dầu thô) đạt 111,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Năm 2015 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Giai đoạn 2011-2015 mức nhập siêu được cải thiện hơn và năm 2012 Việt Nam đã có thặng dư thương mại trên 700 triệu USD, năm 2014 là 2,337 tỷ USD và năm 2015 Việt Nam trở lại nhập siêu 3,17 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.Nhập siêu giảm là một trong những tác nhân quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Về các mặt xã hội và bảo vệ môi trường, 10 năm qua các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và các hoạt động văn hóa xã hội khác đều đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân (Chính phủ, 2015a). Việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Những thách thức lớn

Theo đánh giá, trong giai đoạn 2007-2016, Việt Nam luôn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,29%/năm nhưng chúng ta cũng đã trả giá không nhỏ, bởi vì để đạt được mức tăng trưởng đó, tổng đầu tư cho phát triển luôn ở mức cao (30,0% - 46,5%), cao hơn nhiều so với các nước khác. Điều này chứng tỏ hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và suy giảm cả tăng trưởng về lượng.

Năng suất lao động Việt Nam hiện tại còn thấp, đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế. Năm 2011, năng suất lao động bình quân của Việt Nam theo giá thực tế nếu tính bằng USD mới đạt khoảng 2.400 USD/người, còn thấp hơn rất nhiều so với mức năng suất lao động năm 2005 của nhiều nước trong khu vực. Cụ thể con số tương ứng lần lượt là Indonesia 2.650 USD, Philipines 2.689 USD, Thái Lan 2.721 USD, Singapore 48.162 USD, Brunei 51.500 USD, Nhật Bản 70.237 USD, Trung Quốc 2.869USD, Malaysia 12.571USD, Hàn Quốc 33.237USD… Năm 2012 năng suất lao động xã hội (GDP/LĐ) theo giá hiện hành đạt 63,11 triệu đồng; năm 2013: 68,65 triệu, năm 2014: 74,66 triệu và năm 2015 đạt khoảng 83,81 triệu đồng, vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực hiện nay.

Trong công nghiệp, ngành khai thác, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chậm sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn rất thấp làm cho tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thấp.

Nông nghiệp tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng tỷ lệ hàng nông sản qua chế biến còn thấp; công nghệ chế biến và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, hệ thống kho dự trữ vừa thiếu lại vừa yếu làm cho tỷ lệ tổn thất và giá thành sản xuất nông nghiệp còn ở mức cao, đặc biệt rất nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, lên đến 80%, hạn chế sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập…

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời gian qua còn chậm, tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP năm 2015 của Việt Nam là 17,5%; 38,2% và 44,4% (Đặng Đình Đào, 2015). Nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực thì cơ cấu kinh tế nước ta chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng nông, lâm và ngư nghiệp còn cao, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng khiêm tốn.

Nhiều năm qua, ngoại thương Việt Nam luôn bị thâm hụt với mức tuyệt đối cao. Sau 10 năm gia nhập WTO, mức thâm hụt thương mại Việt Nam tuy được cải thiện nhưng tỷ trọng của thâm hụt thương mại trên GDP và trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn cao. Điều này chứng tỏ, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong khi Việt Nam lại chưa tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập WTO mang lại.

5 vấn đề cần tập trung

Như vậy, 10 năm hội nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển và chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến hiệu quả thấp, kinh tế phát triển thiếu bền vững, nhiều vấn đề xã hội, môi trường chưa được giải quyết hiệu quả. Vì vậy, cần phải có những cải cách đột phá, đặc biệt là tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách hành chính triệt để, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước quyết liệt và hiệu quả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, làm minh bạch, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Thứ hai, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó, vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các loại dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ hội nhập.

Thứ ba, cần nhanh chóng đầu tư phát triển hệ thống logistics của Việt Nam, bao gồm: Cơ sở hạ tầng logistics, thể chế pháp luật về phát triển dịch vụ logistics, phát triển các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics… nhằm đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thứ tư, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ (1-2% GDP) để Việt Nam thực sự sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị cao cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ năm, cùng với việc đổi mới thế chế, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần có các biện pháp để chuyển dần từ gia công sang sản xuất, tự xuất khẩu, giảm và tiến tới hạn chế mức thấp nhất xuất khẩu sản phẩm thô, khoáng sản; tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

TS. Trần Đình Tuấn

Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Thái Nguyên

Nguồn: Diễn đàn ngoại giao Kinh tế trực tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày