Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Thừa Thiên Huế: Tiếp tục cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư
Ngày cập nhật 25/12/2017

Thời gian qua, triển khai cải cách hành chính một cách đồng bộ đã giúp các chính sách, định hướng phát triển của tỉnh được thực hiện có tính hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Tăng cường thu hút đầu tư

Theo đó, trong năm 2017, có hơn 500 doanh nghiệp đăng ký mới, cấp mới 720 Thẻ điện tử doanh nghiệp là một con số khả quan đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác cải cách hành chính. Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, các sở, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện, đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm của từng đơn vị.

Thừa Thiên Huế đang tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp với việc kết hợp một lần 04 thủ tục gồm: đăng ký kinh doanh, thuế, tài khoản ngân hàng, dấu  đảm bảo thời hạn trả hồ sơ trong vòng 03 ngày theo Luật Doanh nghiệp. Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; làm giảm bớt tình trạng gây phiền hà, đi lại nhiều nơi, nhiều lần cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian nhận và trả kết quả giải quyết, giảm chi phí đối với doanh nghiệp. Theo bà Lê Thị Hồng Mai - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thì đơn vị đã tích cực hỗ trợ thủ tục 24/24 giờ cho các nhà đầu tư, nhất là về đăng ký doanh nghiệp qua mạng trực tuyến; hoàn thiện quy trình thủ tục giám sát, quản lý dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần công khai, minh bạch, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Sở Xây Dựng, thời gian qua sở cũng đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, giao trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với thời gian trả lời, thời gian trả kết quả cụ thể, rõ ràng. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Sở đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, góp phần giải quyết các TTHC theo hướng công khai, đơn giản. Riêng trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, theo Luật Xây dựng, thời gian cấp giấy phép xây dựng tối đa không quá 30 ngày song Sở Xây dựng đã đề xuất thời hạn trong 7 ngày (trừ trường hợp hồ sơ cần lấy ý kiến của các cơ quan liên quan là 15 ngày). Đây cũng là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Sở để rút ngắn tối đa thời gian cấp phép xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết TTHC.

Cải thiện các TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh… là vấn đề được các sở, ngành của tỉnh quyết liệt thực hiện. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành tư vấn chính sách, hỗ trợ pháp lý, nắm bắt các vướng mắc trong cải cách TTHC nhằm kịp thời đề xuất tháo gỡ; đồng thời, cung cấp công khai thông tin liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch kinh tế - xã hội, các chính sách ưu đãi của tỉnh, quy trình TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị… Qua đó, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là sẽ chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, hỗ trợ và tạo điều kiện khai thông nguồn lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh tiếp tục rà soát, loại bỏ các quy định không cần thiết để rút ngắn thời gian giải quyết đối với các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết TTHC, thực hiện hình thức liên thông trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cấp tỉnh, cấp huyện. Thường xuyên đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với tổ chức, doanh nghiệp về TTHC nhằm nắm bắt yêu cầu, mong muốn của tổ chức, doanh nghiệp để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công...

Với những nỗ lực của chính quyền cùng sự đồng hành, hỗ trợ và góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ngày một tốt hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời hướng đến xây dựng hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế là một địa phương có môi trường kinh doanh hấp dẫn, lành mạnh, minh bạch và công bằng đối với mọi thành phần doanh nghiệp.

Nâng cao cán bộ công chức

Nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo trong thời gian qua, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là các yếu tố chủ quan nên việc tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp chưa được đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa cao, có lúc, có nơi làm nửa vời, bộ máy tổ chức của một số cơ quan, đơn vị không những làm gọn, tinh giản mà còn có xu hướng phát sinh tổ chức, đầu mối, biên chế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, về khách quan phải nói đến là do chúng ta chưa đánh giá hết nhu cầu bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý ngày càng tăng trong thực tế điều hành, quản lý; đội ngũ cán bộ, công chức không đảm bảo các điều kiện vẫn được tiếp nhận, đề bạt bổ nhiệm.

Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều về tăng lương cơ bản, về xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp nhưng với quy mô tổ chức, bộ máy hiện nay thì khả năng đảm bảo hoạt động bộ máy là một gánh nặng của nền kinh tế. Bên cạnh gánh nặng của bộ máy thì những bất cập về chất lượng, về đội ngũ, sự mất cân đối lực lượng trực tiếp, gián tiếp, tình trạng vừa thừa vừa thiếu đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ là thực trạng bộ máy hiện  nay.

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 – 2016 cùng với thời điểm Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là những văn kiện quan trọng, định hướng tổ chức lại bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế theo hướng không tiếp nhận hoặc tiếp nhận số lượng ít hơn khi có cán bộ nghỉ hưu, điều này làm chúng ta bị động trong khâu sắp xếp, tinh giản; phải đợi đến thời điểm nghỉ hưu của cán bộ mới có phương án điều chỉnh giảm biên chế; bên cạnh đó do cán bộ chuyên môn nghỉ hưu nhưng không thể tuyển dụng người có nghiệp vụ chuyên môn phù hợp thay thế đã dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ có chuyên môn nhưng vẫn thừa cán bộ làm việc do đó Chính phủ cần có giải pháp, lộ trình cụ thể về tinh giản, điều kiện tinh giản trên cơ sở vị trí việc làm một cách khoa học để số cán bộ không đủ điều kiện về tiêu chuẩn có cơ hội chuyển đi khỏi cơ quan nhà nước, khuyến khích việc xin nghỉ, chuyển việc làm cho đội ngũ cán bộ có nhu cầu khi chưa đến tuổi nghỉ hưu; Việc tăng cường xử lý cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được phân công sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế; Mô tả vị trí việc làm phải được đặt ra trong bối cảnh xây dựng nền hành chính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, trong việc giải quyết công việc cho công dân, tổ chức. Đây là xu thế tất yếu để có những tiêu chí chức danh phù hợp, khắc phục tình trạng hiện nay nhu cầu tăng biên chế sau khi rà soát vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao chất lượng đánh giá tổ chức, cán bộ theo điểm số hóa, đánh giá đa chiều cũng là một nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Trong đánh giá cán bộ, tổ chức phải tính đến đánh giá của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp với những hình thức phù hợp. Chúng ta đã triển khai đánh giá hàng năm về năng lực tổ chức, điều hành, mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan cấp Bộ, tỉnh theo các chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), chỉ số Cải cách hành chính (PAR), chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), bước đầu đã tạo chuyển biến, nâng cao năng lực đánh giá khách quan của xã hội đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ UBND cấp tỉnh; mô hình này cần được nhân rộng để đánh giá cấp sở, ngành, cấp huyện làm nền tảng đánh giá toàn diện hoạt động, tổ chức của tổ chức đơn vị trong thời gian tới theo hướng lượng hóa điểm số khi đánh giá.

 
Theo stttt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày