Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Hiện đại hóa nền nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử
Ngày cập nhật 22/03/2017

Cải cách hành chính là tiền đề hay là mục tiêu hướng tới của chính phủ điện tử; xây dựng chính quyền điện tử cần phải “đào tạo” công dân điện tử; nâng cao mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong cải cách hành chính... Đây là những vấn đề được người dân quan tâm và kỳ vọng vào sự quyết tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong cải cách hành chính tại buổi đối thoại trực tuyến “Cải cách hành chính - xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 15/3.

Hiện đại hóa nền hành chính

Trả  lời câu hỏi của độc giả về xây dựng chính quyền điện tử, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho hay, để xây dựng chính quyền điện tử cần phải triển khai điện tử hóa 04 thành phần quan trọng là Cơ quan điện tử, Công chức điện tử, Công dân điện tử và Doanh nghiệp điện tử. CCHC và ứng dụng CNTT là hai mặt của một vấn đề nhưng đều hướng tới mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và độ tin cậy của thông tin quản lý điều hành.

Có thế nói, thời gian qua việc đầu tư hạ tầng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin cho xây dựng chính quyền điện tử - hay được gọi là Cơ quan điện tử và đào tạo cán bộ công chức viên chức - Công chức điện tử đã được tỉnh quan tâm. Một điều khẳng định là, đến thời điểm này, hạ tầng “Cơ quan điện tử” đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử; “Công chức điện tử” là điều kiện bắt buộc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước. Về “Công dân điện tử”, đây thực sự là một vấn đề lớn, đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận ngay khi có chủ trương “Xây dựng chính quyền điện tử”.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho hay, việc khai trương Cổng dịch vụ công tỉnh theo mô hình Trung tâm Hành chính công tập trung trực tuyến vào cuối năm 2016 và thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện cũng là một trong nhiệm vụ và giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự kiến các Trung tâm này sẽ triển khai hoạt động từ tháng 6/2017, tại đây sẽ tiếp nhận, hướng dẫn, trả kết quả và giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương. Mô hình Trung tâm Hành chính công được coi là bước đột phá về CCHC và hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; thể hiện quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh, hướng tới sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 700 dịch vụ công trực tuyến với hơn 3.500 tài khoản người dùng đăng ký và hơn 3.000 thủ tục đăng ký trực tuyến. Một số cơ quan triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 như Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Sở KH&ĐT, Sở Y tế, Sở TT&TT... Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả.

Thước đo là sự hài lòng của người dân

Liên quan đến việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến và đánh giá mức độ hài lòng trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát tại các đơn vị, địa phương, mức độ hài lòng của người dân đã đạt trên 92%, con số này đã giúp UBND tỉnh kịp thời nắm được chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, năng lực, đạo đức của công chức làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước. Thời gian tới, các Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã cũng hoạt động theo phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động”. Khi đến giao dịch tại các đầu mối này, công dân và tổ chức sẽ được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp; công dân sẽ được thụ hưởng thái độ phục vụ, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp và các TTHC được thực hiện theo nguyên tắc đơn giản, thuận lợi, nhanh gọn, đúng hẹn.

Về xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo theo chủ trương của Chính phủ, hiện Tỉnh đang tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, quyết liệt hành động, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó, đang rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức; tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức. Đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác; thường xuyên nắm bắt thông tin, chủ động, kịp thời đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh và những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh tập trung quyết liệt, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; ban hành cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giao dịch hành chính, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, phối hợp khắc phục những bất cập và tồn tại. Đồng thời, đầu tư thích đáng và quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, làm cơ sở để xây dựng một nền hành chính công tiên tiến, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đặt nền tảng vững chắc trong thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính và kiến tạo.

www.thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày