Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo tồn di sản Huế
Ngày cập nhật 27/10/2017
Là địa phương có nhiều di sản vật thể, phi vật thể có giá trị, được công nhận, vinh danh ở cấp quốc gia và quốc tế, nhờ vậy Thừa Thiên Huế được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Cùng với việc tăng cường hợp tác phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế... , trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã chủ động, tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia bạn bè, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản nhằm phát huy những giá trị và thế mạnh của vùng đất Cố đô.
 

 

Thông qua công tác bảo tồn di sản, Thừa Thiên Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Thông qua đây đã giúp Huế hội nhập sâu, rộng hơn, có nhiều cơ hội hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đây cũng là kênh thông tin trực tiếp giúp bạn bè thế giới biết và đến với Huế ngày càng nhiều hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội địa phương.
     Với lợi thế là Cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na uy, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia, và mới đây nhất là Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Đại nội Huế

Với các tổ chức quốc tế, Thừa Thiên Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa kỳ... để thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế để hướng đến việc phục hồi điện Cần Chánh (hợp tác với Đại học Waseda) đã thực hiện hơn 20 năm qua (1994-2016), dự án hợp tác với nhóm chuyên gia Đức để phục hồi tranh tường cung An Định, Tối Linh Từ ở khu Phủ Nội Vụ, khu vực cổng và bình phong khu vực lăng mộ vua Tự Đức, công trình Tả Vu;  dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và UNESCO để thực hiện chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã Nhạc cung đình Huế (2005-2008); Dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ...
    Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, ngoài kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm bảo tồn, những năm qua, từ mối quan hệ hợp tác đối ngoại, Huế nhận được nhiều sự trợ giúp về vật chất của bạn bè quốc tế, trong giai đoạn 1996 – 2017 thì tổng kinh phí đầu tư trùng tu di tích Cố đô Huế khoảng 1.460 tỷ đồng, trong đó nguồn tài trợ của Quốc tế là hơn 90 tỷ đồng. Cũng thông qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ của TTBT Di tích Huế đã được đào tạo, trau dồi kiến  thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành.

Lễ khởi công dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu 
tại điện Phụng Tiên do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ

Trong thời gian qua, dưới dự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được hồi phục.
      TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết thêm: “Hầu hết các di tích Huế đều được bảo quản, điều quan trọng là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học và bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao”.
      Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản là giải pháp tốt để làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế. Bởi những lẽ đó, Cố đô Huế đã và đang rất quan tâm đến công tác bảo tồn di sản, trong đó hướng đến mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế về bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu góp phần nâng cao vị thế địa phương, quốc gia và gắn kết cộng đồng.

(Nguồn thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày