Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Khởi công dự án “Bảo tồn, phục hồi điện Phụng Tiên - Đại Nội Huế”
Ngày cập nhật 04/10/2017

Sáng ngày 29/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Đức (GEKE) tổ chức Lễ khởi công dự án “Bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế’.

Tới dự lễ có ông Christian Berger, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam - Nhà tài trợ; bà Andrea Teufel, đại diện tổ chức GEKE - Trưởng dự án; ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế.

Điện Phụng Tiên là một trong 5 miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn. Điện Phụng Tiên được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Là nơi thờ các Vua và Hậu của triều Nguyễn, nơi mà nữ giới được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói hàng ngày.  Điện Phụng Tiên gồm có 5 công trình chính là: Chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện và nhiều công trình phối thuộc mang phong cách cổ điển khác như hệ thống cổng, cửa, bình phong, bể cạn - non bộ. Trải qua hơn 180 năm, điện Phụng Tiên đã được gìn giữ, tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử, từ năm 1947, Điện Phụng Tiên đã bị hủy hoại hoàn toàn chỉ còn lại nền móng và một số ít công trình nhỏ như cổng, bình phong, bể cạn - non bộ…

Hiện trạng cổng, bình phong, non bộ điện Phụng Tiên 

Dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ thông qua Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam có tổng kinh phí thực hiện hơn  3,6 tỷ đồng (tương đương 143,328.91 Euro). Trong đó, nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao CHLB Đức hơn 2,8 tỷ đồng (tương đương 112,554.75 Euro), còn lại là nguồn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2018.

Mục tiêu của dự án là tôn tạo cảnh quan sân vườn, công trình kiến trúc và đẩy lùi không gian hoang phế trong Quần thể Di tích Huế, hướng đến việc bảo tồn và phục hồi tổng thể công trình điện Phụng Tiên trong thời gian tới. Ngoài ra, thực hiện đào tạo kỹ thuật chuyên sâu (lý thuyết và thực hành) và cấp chứng chỉ đào tạo nghề về bảo tồn và phục hồi công trình di tích cho 06 thợ thủ công có tay nghề không chính quy. Qua đó, bổ sung nguồn nhân lực cho Trung tâm Bảo tổn di tích Cố đô Huế trong lĩnh vực bảo tồn, phục hồi di sản Huế cũng như định hướng đào tạo cho các thợ thủ công lành nghề ở các Công ty tu bổ ở Việt Nam.

Tại lễ khởi công, ông Christian Berger, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, đây là dự án thứ 5 được Chương trình bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Đức hỗ trợ tại Quần thể di tích Cố đô Huế. Thông qua các dự án nhằm thực hiện hai mục tiêu là góp phần giữ gìn di sản văn hóa quý báu của Huế, bồi dưỡng kiến thức bảo tồn và đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho đội ngũ thợ thực hiện việc trùng tu và tu bổ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung nhấn mạnh, dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế không chỉ góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa cung đình triều Nguyễn mà còn là sự ghi nhận thành quả tích cực của quá trình hợp tác lâu dài và hữu nghị trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa giữa Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các đại biểu tham dự lễ khởi công

 
 
(Nguồn www.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày