Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Hội nghị Đối thoại công- tư về Phụ nữ và Kinh tế
Ngày cập nhật 29/09/2017
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (PPDWE) APEC 2017 diễn ra tại thành phố Huế, sáng ngày 28/9, Hội nghị Đối thoại công- tư về Phụ nữ và Kinh tế đã được khai mạc. Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Đào Ngọc Dung; Phó Tổng Giám đốc điều hành cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc - bà Lakshmi Puri. Về phía lãnh đạo của địa phương đăng cai tổ chức có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời mong muốn Hội nghị Đối thoại sẽ tập trung về một số vấn đề. Đó là: Tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mà chúng ta gọi là mục tiêu Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020. Phó Chủ tịch nước khẳng định, cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ và được lắng nghe cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên Khai mạc

Với tư cách là Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB& XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Ở khu vực APEC phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp. Theo thống  kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 - 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 - 50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Bộ trưởng Bộ LĐ- TB& XH Đào Ngọc Dung đề nghị tại Hội nghị này, các đại biểu tích cực, thẳng thắn trao đổi, tham gia vào các nội dung thảo luận, nêu lên những thách thức, kiến nghị giải pháp và đề đạt nguyện vọng. Các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị này sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới.
Hội nghị “Đối thoại công – tư về phụ nữ và kinh tế” bao gồm 4 phiên họp, đề cập các vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ trong tham gia kinh tế, tài chính và xã hội; sự thay đổi của nữ doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu; thúc đẩy doanh nghiệp nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng phụ nữ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Trước đó, trong hai ngày 26 và 27/9, Diễn đàn đã hoàn thành sự kiện chính thức đầu tiên là Hội nghị Đối tác chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế. Tại Hội nghị thứ nhất này, Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc thảo luận thực hiện các khuyến nghị đánh giá độc lập về việc nâng cao các cơ hội kinh tế của phụ nữ trong APEC. Hội nghị đã thống nhất đưa ra 11 khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lồng ghép nội dung bình đẳng giới và phụ nữ trong nền kinh tế APEC, báo cáo lên Ủy ban chỉ đạo về hợp tác kinh tế và kỹ thuật của các quan chức cao cấp APEC diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng. Dịp này, hai sự kiện bên lề cũng đã được tổ chức gồm: Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải và Trao Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC.

Tại Hội nghị

 
 
(Nguồn thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày