Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Ngoại giao thời bình là phải “chịu chơi”!
Ngày cập nhật 08/08/2014

“Ngoại giao không phải lên xe, xuống ngựa, tiệc tùng, quần áo. Đó chỉ là bề ngoài, cái bên trong là cái cơ cực...”, đó là chia sẻ của ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao mà ông là một trong các tác giả.
 

Đàm phán có lúc phải láu cá

Trong đàm phán với các đối tác nước ngoài nói chung phải rất chân thành, cởi mở thẳng thắn, trong đàm phán ngoại giao nói riêng có điều gì khác biệt? Xin ông chia sẻ kinh nghiệm đàm phán ngoại giao của bản thân?

Đàm phán như thế nào tùy thuộc mấy yếu tố. Thứ nhất, anh có muốn đàm phán đi đến kết quả hay không? Thứ hai, đối với từng đối tác, anh phải có thái độ ứng xử phù hợp chứ không nên có đơn thuốc cứng nhắc. Thậm chí phải biết thái độ của họ, văn hóa của họ như thế nào? Có những người mềm dẻo, có người cứng rắn... Thứ ba, nội dung đàm phán, câu chuyện đang cò cưa thuộc loại nào? Nếu là vấn đề nguyên tắc thì không thể lùi, nhưng nếu khía cạnh có thể “du di” thì lại có thái độ khác. Tóm lại, dựa vào ý muốn, dựa vào đối tác và dựa vào vấn đề để chọn cách ứng xử thỏa đáng chứ không giữ nguyên tắc cứng nhắc thì hỏng việc. Đàm phán không phải lúc nào cũng cởi mở, chân thành. Có khi còn phải láu cá, cứng rắn. Chính Bác Hồ đã dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến là bảo vệ lợi ích dân tộc, vạn biến là uyển chuyển bằng mọi cách để bảo vệ lợi ích dân tộc. Đó là cách ứng xử cần thiết của bất kỳ nhà ngoại giao nào.

Có phải những người tham gia đàm phán thường phải lo lắng, áp lực? Kỷ niệm đáng nhớ của ông về những lo lắng khi đàm phán?

Tham gia đàm phán, áp lực với các nhà ngoại giao lớn vô cùng. Mỗi điểm đồng ý hay không đồng ý đều là lợi ích quốc gia. Đằng sau mình là một quốc gia với hơn 80 triệu dân và hàng nghìn năm lịch sử. Có những lúc tưởng như không trụ nổi. Tôi nhớ lần đi ký BTA (Hiệp định Thương mại Song phương) với Mỹ tháng 7/2000 khi tôi làm Bộ trưởng Thương mại. Lúc đó nhận được chỉ đạo về đường lối chung chung, đàm phán đã vất vả rồi, nhưng đàm phán xong báo cáo về nhà là tình hình như thế, họ yêu cầu ngay sáng mai phải trả lời để chiều mai ký. Tôi đã phải thức trắng đêm chỉ chờ trả lời đồng ý hay không. Tôi đã phải gọi điện thoại cho anh Nguyễn Mạnh Cầm - lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao - hỏi hộ xem, nhưng nhận được trả lời là mọi người đi vắng hết. May mà đến sáng nhận được câu trả lời đồng ý, cảm thấy cả hòn đá nặng như vừa được nhấc khỏi người. Nói thế để mọi người hiểu ngoại giao không phải lên xe xuống ngựa, tiệc tùng quần áo. Đó chỉ là bề ngoài, cái bên trong là cái cơ cực. Mình ra mặt trận mà sau lưng không nhất trí sẽ rất khó khăn. Còn đằng sau có tấm lưng vững chắc thì khó đến đâu mình cũng xử lý được. Tôi có thông điệp cho các bạn trẻ đang học và làm ngoại giao: Muốn làm ngoại giao tốt thì phải làm đối nội tốt. Không hiểu rõ trong nước thì không thể làm ngoại giao tốt. Đó chính là một chỗ dựa cho mình.

Trong bài viết về đàm phán đa phương như cuộc mặc cả nơi những người đàm phán mặc cả từng dấu phẩy, xin ông chia sẻ những “dấu phẩy” đáng tiếc nhất của mình?

Bây giờ nhớ mình đã khổ vì “dấu phẩy” nào thì khó lắm (cười). Tôi chỉ nhớ những dấu phẩy cuộc đời. Tự nhiên đi làm ngoại giao, một dấu phẩy bước ngoặt sang một lĩnh vực mà mình không thích. Bởi vì tôi thích kiến trúc, nhưng cuộc đời ngẫu nhiên đưa đẩy, “hất” sang ngoại giao. Dấu phẩy thứ hai là tự nhiên đi làm thương mại. Về nhà tôi bị vợ “mắng”: “Ông còn không biết đi chợ, giờ ông đi chợ với cả nước thì ông chết à”? Đó chính là những “dấu phẩy” cuộc đời, để lại ấn tượng rất nặng.

Hãy học viết đi

Làm thế nào mà nhóm tác giả có thể ra được một cuốn sách về ngoại giao đầy đặn như thế này, nhóm có phải nhờ đến Nhà xuất bản trong việc biên tập?

Làm ngoại giao phải biết 10 chuyện: Biết nhìn, biết nghe, biết viết, biết nói, biết ăn, biết mặc, biết đi, biết đứng... Trong 10 chuyện đó thì “biết viết” là cái quan trọng. Cuộc đời làm ngoại giao sẽ phải liên quan tới rất nhiều giấy tờ. Trong việc rèn luyện kỹ năng có việc mài sắc ngòi bút viết của mình. Các văn bản thường có những từ ngữ khô cứng như “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao, lên tầm cao mới”... Chúng tôi không phải là nhà văn. Nhưng với cuốn sách này, chúng tôi viết theo kiểu trong cuộc sống nghĩ thế nào viết thế. Nhà xuất bản cũng không phải biên tập gì mà chỉ giúp sắp xếp lại các chương, mục cho đẹp đẽ.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ là muốn làm nhà ngoại giao tốt đối với lớp ngoại giao trẻ bây giờ cũng phải viết tốt. Viết không tốt, thậm chí viết dở, viết sai thì ý nghĩ có sâu sắc cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Hồi tôi làm ở Bộ (NG), anh em thường trách tôi hay chữa từng dấu phẩy, dấu chấm, lộn lên, lộn xuống, không viết “vinh quang” mà viết là “quang vinh”... Đấy là do chúng tôi học từ các tiền bối. Tôi nhớ trong lãnh đạo cao cấp của ta có Tổng Bí thư Trường Chinh được toàn Đảng gọi là “anh Thận”, chính là do tính anh rất cẩn thận, phải nói là siêu cẩn thận. Chúng tôi viết tờ trình nào anh cũng chữa và chỉ bảo từng chữ một. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì vừa là nhà chính trị, nhưng cũng vừa là nhà văn hóa. Ông yêu cầu các văn bản phải cực kỳ chặt chẽ, nhưng cũng cực kỳ văn hóa và mới mẻ. Ông không chấp nhận bất kỳ khuôn sáo nào. Qua đó để thấy yêu cầu kỹ năng viết của ngoại giao là cực kỳ quan trọng. Thông điệp của cuốn sách cũng là lời nhắc nhở: Hãy học viết đi!

Ngoại giao thời bình: Phải chịu chơi!

Ông có kinh nghiệm gì để chia sẻ với lớp trẻ ngày nay về câu chuyện ngoại giao hòa bình, ngoại giao văn hóa, ngoại giao sân golf? Ông có lời khuyên nào cho các nhà ngoại giao hiện nay khi họ đang phải làm công tác ngoại giao uyển chuyển “đi trên dây”?

Ngoại giao là luôn luôn đi trên dây. Riêng ngoại giao Việt Nam thì thường xuyên đi trên dây. Tôi xin bổ sung một từ nữa là: Xiếc ngoại giao, ngoại giao là “làm xiếc”. Trong thời bình, yếu tố tác động chính vào ngoại giao là tinh thần hòa hiếu. Không thể thành công nếu áp dụng không khí ngoại giao thời chiến (căng thẳng, đấu đá) vào thời bình. Vậy thế nào là hòa hiếu? Tức là ta cũng phải “chơi” chứ không phải đứng một mình như trong thời chiến tranh. Các nhà ngoại giao cũng phải biết karaoke, biết chơi golf... Nhân đây tôi xin kể chuyện vì sao tôi đánh golf. ASEAN có một nguyên tắc đồng thuận, mà dàn xếp đồng thuận khó lắm, thường phải dùng hình thức không chính thức để dàn xếp. Có lần, một thỏa thuận nhỏ không được nhất trí trong cuộc họp, nhưng hôm sau trong bữa cơm thân mật buổi tối, các đồng nghiệp ASEAN nói vấn đề hôm qua đã thống nhất rồi nhé. Tôi hỏi: Thống nhất lúc nào? Sao tôi không biết? Họ nói tỉnh khô: Thỏa thuận ở sân golf sáng nay. Tôi cự lại: Ở sân golf có Việt Nam đâu? Họ trả lời: Đó không phải là lỗi của chúng tôi mà lỗi của anh không chịu đánh golf. Tôi thắc mắc không hiểu golf là gì nhưng lần sau tôi cũng định đi theo. Họ bảo phải dậy từ 5h sáng, tôi bảo: Các anh cứ đi đi, 7h tôi sẽ đi xem. Khi tôi tới sân, Giám đốc sân tiếp và cho hay họ đang ở lỗ số 9. Tôi không biết lỗ số 9 là gì, nhưng nghĩ họ đi xa rồi tôi đành ngậm ngùi trở về khách sạn. Về phòng tôi bỗng thấy nhân viên khách sạn mang đến một bộ gậy golf, nói là ông Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Brunei gửi biếu. Tôi gọi điện cảm ơn và hôm sau gặp, tôi bảo là tôi thuận tay trái thì làm gì được? Nghe thấy thế, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore qua Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội đã gửi biếu tôi một bộ gậy Callaways mới toanh dành cho người thuận tay trái. Từ đó tôi bắt đầu tập chơi golf. Tôi thậm chí còn được coi là người mang golf vào ngoại giao VN và luôn giành giải “người cao tuổi nhất” (cười).

Như vậy, hòa hiếu thứ nhất chính là anh phải chịu chơi, chịu chơi nhưng phải giữ mình, chứ mất mình thì nguy hiểm lắm. Thứ hai là thời nào cũng vậy, lợi ích quốc gia rất khác nhau, tất nhiên dễ nẩy sinh mâu thuẫn trong ngoại giao, phải làm sao ứng xử với mâu thuẫn bằng giải pháp mềm chứ không bằng giải pháp cứng, dùng thừng chứ đừng dùng gậy. Tinh thần chung của ngoại giao thời bình là như vậy.

Nguồn:  tgvn.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày