Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Báo cáo triển vọng kinh tế Châu Á của Diễn đàn Châu Á Bác Ngao
Ngày cập nhật 14/05/2020

Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA) vừa công bố Báo cáo thường niên về kết quả liên kết kinh tế và triển vọng kinh tế Châu Á năm 2020 nhận định kinh tế Châu Á đang đối mặt với các áp lực ngắn hạn từ dịch bệnh, chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương, trong khi về dài hạn sự suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ gây áp lực lên lợi nhuận. Nếu đại dịch suy giảm trong nửa sau của năm, Châu Á có thể sẽ tăng trưởng dương. Trường hợp dịch bệnh quay trở lại hoặc các chính sách kích thích không hiệu quả, vẫn có khả năng Châu Á tăng trưởng âm. Sự kéo dài của đại dịch, sự tiếp diễn của xung đột thương mại, sự tích tụ của rủi ro tài chính nhất là vấn đề nợ, tỷ lệ lãi suất âm ở các nước phát triển, xung đột địa chính trị, bất ổn định xã hội và giá dầu mỏ sẽ là những yếu tố quyết định triển vọng phát triển kinh tế của Châu Á trong những năm tới. Kinh tế Châu Á vẫn chiếm tỷ phần 49,5% kinh tế thế giới trong năm 2019, dự đoán có thể tăng lên 50,2% trong năm 2020. Dù có thể suy giảm mạnh trong năm nay, tăng trưởng kinh tế của Châu Á có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Liên kết thương mại liên khu vực vẫn tiếp tục được triển khai, năng lực sản xuất của Châu Á không bị tác động nặng nề bởi xung đột thương mại, sự phân bổ các lợi thế cạnh tranh vẫn được duy trì tương đối ổn định, các nhà đầu tư Châu Á có thiên hướng tập trung đầu tư trong khu vực Châu Á.

Theo Phó Chủ tịch BFA Zhou Xiaochuan, Châu Á có đóng góp quan trọng vào cuộc chiến chống đại dịch, phục hồi tăng trưởng và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu trong và sau đại dịch. Kinh tế Châu Á có sự dẻo dai hơn nhờ thị trường to lớn, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng nhanh chóng, tình hình tài khóa và cán cân thanh toán được cải thiện, duy trì đầu tư vào nguồn vốn con người và kinh tế số phát triển bùng nổ. Điểm căn cốt trong chính sách kinh tế là bảo đảm an ninh xã hội cơ bản và giảm gánh nặng nợ nần; cộng đồng quốc tế cần cảnh giác với rủi ro của các chính sách “hướng nội” ở một số nước, chuỗi cung toàn cầu bất ổn định và xung đột thương mại gia tăng.

Tổng thư ký BFA Li Baodong cho rằng dịch bệnh gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng; Châu Á đang đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ gây ra bởi sự đứt gãy, xáo trộn dòng thương mại, đầu tư và cung – cầu toàn cầu. Tăng cường các nỗ lực chung và quan hệ đối tác toàn cầu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vào thời điểm hiện nay để đối phó với các thách thức do đại dịch gây ra; tăng cường hợp tác khu vực là vô cùng quan trọng giúp Châu Á đi đầu trong phục hồi kinh tế toàn cầu. Cựu Phó Thủ tướng Singapore Wong Kan Sen nhận định đại dịch là sự cảnh tỉnh về việc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết nỗ lực cùng nhau chống kẻ thù chung này, xây dựng một thế giới an toàn hơn, duy trì chuỗi cung toàn cầu mở và ổn định, bảo đảm thương mại hàng hóa và dịch vụ tự do./.

Nguồn: ngkt.mofa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày