Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Lễ ký chính thức Thông tư liên tịch về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Ngày cập nhật 15/11/2016

Ngày 19 tháng 10 năm 2016, tại trụ sở Bộ Tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đã ký Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc- Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo các đơn vị có liên quan của ba cơ quan.

Để hài hòa các quy định của pháp luật Việt Nam với quy định của điều ước quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện Công ước Tống đạt, một số quy định của pháp luật Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến: các kênh tống đạt, các mẫu yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt và đặc biệt là bổ sung cơ chế thu chi phí thực hiện tống đạt. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC  ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp”

Thông tư liên tịch mới gồm 5 chương, 27 điều về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự. So với Thông tư liên tịch số 15, Thông tư liên tịch mới có một số nội sửa đổi, bổ sung, thay thế cơ bản như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) của Việt Nam, theo quy định tại Điều 10 Thông tư thì Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu UTTP của Việt Nam là Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật và các cơ quan trực tiếp liên quan có phát sinh yêu cầu UTTP.

Thứ hai, về thẩm quyền thực hiện UTTP của nước ngoài, theo quy định tại Điều 17 Thông tư thì Cơ quan có thẩm quyền thực hiện UTTP về dân sự của nước ngoài là (i) Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (ii) Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trường hợp yêu cầu UTTP liên quan đến thi hành án dân sự và (iii) thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, về thu, nộp chi phí thực tế UTTP về dân sự, để giải quyết vấn đề về chi phí thực tế đối với việc UTTP về dân sự, các quy định của Thông tư đã tiếp cận các quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các quy định của Công ước tống đạt. Trên cơ sở đó, Điều 7 Thông tư đã quy định cụ thể việc thu nộp chi phí thực tế thực hiện UTTP của Việt Nam, Điều 8 quy định trình tự chuyển và thanh toán tạm ứng chi phí thực tế thực thiện uỷ thác tư pháp của Việt Nam và Điều 9 Thông tư quy định về thu nộp chi phí thực tế UTTP của nước ngoài.

Thứ tư, về tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, Thông tư liên tịch số 15 có quy định cụ thể về hướng dẫn trình tự, thủ tục UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Do việc thực hiện UTTP về dân sự đòi hòi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan nên Thông tư lần này đã dành 1 Chương quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các yêu cầu UTTP về dân sự (Chương IV). Theo đó, Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp (Điều 22), Bộ Ngoại giao (Điều 23), Tòa án nhân dân tối cao (Điều 24) và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc cập nhật, kiểm tra, đôn đốc và thông báo mức phí thực hiện UTTP về dân sự, phù hợp với thẩm quyền và chức năng của từng cơ quan.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch mới được ban hành, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao; sự chủ động, tích cực và công tác phối hợp giữa các Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Chính vì vậy, phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã đề nghị Lãnh đạo các cơ quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục quan tâm, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao; định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tương trợ tư pháp về dân sự trong thời gian tới.

PPĐT
Các tin khác
Xem tin theo ngày