Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Cộng hòa Pháp
Ngày cập nhật 25/12/2009

Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Cộng hòa Pháp

A. TÌNH HÌNH HỢP TÁC TRONG THỜI GIAN QUA:

I.                   Quan hệ hợp tác với Chính phủ Pháp:

1. Thăm viếng xã giao và các sự kiện Pháp ngữ:

Thời gian vừa qua, đã có nhiều chuyến viếng thăm xã giao và làm việc chính thức giữa lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với các phái đoàn cao cấp của Chính phủ Pháp, tiêu biểu như: đoàn của Chủ tịch Thượng viện Pháp Christian Poncelet đến thăm Huế và dự lễ khởi công dự án trùng tu các ngôi nhà di sản vào tháng 7/2008 (dự án 44.000 euros do Thượng viện Pháp tài trợ), nhiều đoàn Thượng nghị viện khác cũng đã đến Huế nhân các kì Festival Huế. Huế cũng là nơi đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 27 Hiệp hội Quốc tế các thị Trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) vào tháng 10/2007 và tổ chức Đại hội Pháp ngữ “Các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa” vào tháng 3/2009. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tham gia Hội nghị hợp tác Việt-Pháp tại thành phố Montreuil (Pháp) vào tháng 10/2007. Lãnh đạo các địa phương, các Vùng và thành phố hợp tác với Thừa Thiên Huế đã có các chuyến thăm Huế nhân Festival Huế 2008. Đặc biệt các mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các đối tác Pháp được tăng cường mạnh mẽ sau chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2007 và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6/2008. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Pháp François Fillon tại Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 12-14/11/2009.

2. Hỗ trợ dự án:

Chính phủ Pháp luôn ủng hộ và hỗ trợ nhiều mặt cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục đào tạo và bảo tồn di sản:

- Văn hoá: Festival Huế liên tục trong nhiều kì từ năm 2000, 2002, 2004, 2006, 2008 luôn nhận được sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần từ Chính phủ Pháp nói chung và Thượng nghị viện Pháp nói riêng. Nuớc Pháp luôn là đối tác chính của tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt các kì Festival Huế. Chính phủ Pháp thông qua Ngài Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam khẳng định Pháp tiếp tục là đối tác chính của Festival Huế 2010 với sự tham gia 8 chương trình nghệ thuật, phối kết hợp cùng với Lễ hội 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

- Bảo tồn di sản: chương trình trùng tu Nhà di sản Huế cũng được Nhóm Hữu nghị Pháp - Việt của Thượng viện đánh giá cao và tài trợ thực hiện giai đoạn 2007-2009, xem xét tiếp tục chương trình dự án vào đầu năm 2010.

- Giáo dục, đào tạo: thông qua chương trình học bổng sau đại học của Sứ quán Pháp, nhiều cán bộ và giáo viên của tỉnh đã được theo học bậc thạc sỹ và tiến sỹ tại Pháp. Đồng thời, thông qua dự án “Quỹ đoàn kết ưu tiên” (FSP) nhiều cán bộ thuộc Trung tâm Festival Huế cũng đã được tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về năng lực quản lí văn hoá, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức Festival Huế.

- Chính phủ Pháp, thông qua nguồn vốn của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh Miền Trung” trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh được hưởng lợi từ dự án.

- Chính phủ Pháp, nhân chuyến công tác của Ngài Thủ tướng Pháp tại Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 100.000 euros dành cho các nạn nhân của các cơn bão Ketsana và Mirinae của Thừa Thiên Huế.

II.                Quan hệ hợp tác phi tập trung với các vùng lãnh thổ của Pháp:

            Kể từ đầu những năm 1990, Thừa Thiên Huế đã trở thành một trong những tỉnh tiên phong của Việt Nam trong quan hệ hợp tác phi tập trung với các vùng lãnh thổ của Pháp, mà tiêu biểu là quan hệ với vùng Nord-Pas de Calais, Poitou-Charentes và Bretagne và các thành phố như Rennes, Cộng đồng đô thị Lille... Nhìn chung quan hệ hợp tác phi tập trung của tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương Pháp được trải đều trên nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2007-2010 tập trung hợp tác mạnh với Vùng Poitou-Charentes, thành phố Rennes-Vùng Bretagne, thành phố Blois.

                  1. Với vùng Nord Pas de Calais (NPDC):

Đây là Vùng hợp tác mạnh nhất với Thừa Thiên Huế giai đoạn 1993-2007 với nhiều dự án hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, phát triển đô thị, giáo dục và đào tạo, phát triển nông thôn, thuỷ sản…Tuy nhiên, cuối năm 2007 Lãnh đạo Hội đồng vùng NPDC cho rằng đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội và sau gần 15 năm hợp tác, hai bên đã thực hiện được nhiều chương trình dự án thành công trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, Hội đồng Vùng NPDC đã quyết định chấm dứt chương trình hợp tác phi tập trung với 3 tỉnh thành Miền Trung Việt Nam (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng) để chuyển sang hợp tác, giúp đỡ các địa phương Châu Phi hiện đang còn nhiều khó khăn hơn trong đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay các quan hệ vẫn tiếp tục hợp tác, quan hệ giữa các trường Đại học của Vùng về đào tạo và trao đổi kinh nghiệm hợp tác, quản lý. Giai đoạn 2007-2009, hoàn thành dự án trùng tu nhà di sản với vốn tài trợ 50.000 euros và dự án xây dựng nhà nuôi cấy mô lâm nghiệp với vốn tài trợ gần 100.000 euros.

 

            2. Với vùng Poitou-Charentes:

            Gần đây đã có hợp tác tăng cường với Biên bản ghi nhớ ký giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Hội đồng Vùng Poitou-Charentes tại thành phố Potiers (Pháp) vào tháng 11/2008 và Biên bản Ghi nhớ ký giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội đồng Vùng Poitou-Charentes vào tháng 3/3009 tại thành phố Huế về các nội dung.

            - Hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực cho tỉnh trong lĩnh vực du lịch;

            - Hợp tác, tham gia các đoàn nghệ thuật của Vùng vào Festival Huế 2010;

            - Kết nghĩa giữa các trường THPT Quốc Học và Hai Bà Trương của Tỉnh và các trường THPT của Vùng;

            - Dự án du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bạch Mã và huyện Nam Đông;

            - Dự án hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống cho các dân tộc thiểu số tại Nam Đông và A Lưới; hỗ trợ người dân nghèo dễ bị tổn thương.  

3. Với vùng Bretagne:

Hợp tác thông qua quan hệ kết nghĩa giữa 2 thành phố Huế - Rennes, đã thực hiện được một số chương trình dự án sau:

- Xây dựng khu định cư dân vạn đò tại phường Kim Long với đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội: 50 căn hộ cho dân tái định cư, trường Mẫu giáo, trường Tiểu học, trường Dạy nghề, trạm xá, khu chợ, trạm bơm…

- Giao lưu văn hoá: thành phố Rennes đã cử các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn tại các kỳ Festival Huế và tiếp tục tham gia vào Festival Huế 2010;

- Đào tạo: tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm về quản lý cho nhiều đoàn cán bộ và kĩ thuật viên của thành phố Huế.

4. Với thành phố Blois:

Đây là thành phố kết nghĩa với thành phố Huế, hai bên đã hỗ trợ các chương trình đạo tạo ngắn hạn cho các cán bộ thành phố về quản lý đô thị. Trao đổi các đoàn lãnh đạo của hai thành phố để học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức, quy hoạch đô thị…

 

III.             Quan hệ hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ Pháp:

Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế luôn giành được sự quan tâm của nhiều tổ chức phi Chính phủ Pháp. So với các tổ chức Phi Chính phủ đến từ các quốc gia khác, giá trị viện trợ của các tổ chức Phi Chính phủ Pháp đã góp phần hỗ trợ trực tiếp đến đời sống của người dân nghèo và cải thiện một phần đáng kể điều kiện sinh hoạt cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

1) Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (BVN): Đến với Huế từ đầu những năm 90, Hội Bretagne - Việt Nam đã cùng thành phố Rennes thực hiện nhiều dự án nhân đạo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể là: xây dựng một số trạm xá, trường học, cung cấp đồ dùng học tập và trang cấp cho các trường học miền núi, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ đồng bào miền núi Nam Đông và A Lưới chăn nuôi gia súc thông qua chương trình vốn vay không lãi suất, đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy cho các xã miền núi...

2) Hiệp hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (AEVN): Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tài trợ hoạt động phí và tài trợ thành lập lò bánh mì Pháp ban đầu do các thợ làm bánh từ Pháp đến hướng dẫn nay đã hoạt động độc lập dưới sự quản lý của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố Huế;

            3) Hợp tác với AIMF (Tổ chức thị trưởng có sử dụng tiếng pháp): Ngoài các dự án xây dựng Trung tâm giao lưu Việt - Pháp, hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho các trường PTCS trên địa bàn Thành phố Huế, nạo vét kênh Ngự Hà, trong 2 năm 2007, 2008, AIMF đã hỗ trợ Thành phố Huế:

- Dự án làm đường thoát nước Lê Văn Hưu với số vốn: 145.000 Euros

- Dự án xây chợ Thuận Lộc, số vốn: 100.000 Euros

- Sự kiện nổi bật nhất đánh dấu sự phát triển của mối quan hệ hợp tác với tổ chức này là Đại hội đồng AIMF được tổ chức tại Huế vào tháng 10/2007 với chủ đề: "Di sản và phát triển". Sự kiện này quy tụ 358 đại biểu bao gồm 268 đại biểu quốc tế và 90 đại biểu trong nước tham gia.

- Ngoài ra, vào tháng 3 vừa qua, AIMF, OIF (Tổ chức pháp ngữ quốc tế) và AUF (Cơ quan đại học pháp ngữ) đã cùng thống nhất đồng tài trợ hoạt động và trang thiết bị ban đầu cho dự án “Ngôi nhà tri thức”. Dự án này sẽ được chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6/2009.

            4) Quan hệ hợp tác với tổ chức SIAAP: chủ yếu tập trung trong lĩnh vực cải thiện môi truờng góp phần nâng cao giá trị của di tích, cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị, cụ thể là các dự án sau

- Dự án chỉnh trang 2 hồ Thành Hoàng, Hộ vệ: 130.000 Euros

- Đồng tài trợ dự án làm đường thoát nước Lê Văn Hưu (với AIMF, Vùng Normandie - Pháp)

- Đồng tài trợ dự án chợ Xép (Thuận Lộc)

- Đang nghiên cứu lập dự án cải tạo hồ sinh học tại bãi rác Thuỷ Phương. Hiện tổ chức này đang thuê công ty kỹ thuật lập hồ sơ kỹ thuật để cải tạo hồ sinh học xử lí nước rỉ rác, dự án này nhằm cải thiện chất lượng nước rỉ rác xả ở đầu ra, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ngoài các tổ chức hiệp hội có nhiều hoạt động thường xuyên nêu trên, nhiều tổ chức phi Chính phủ khác cũng tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo hoặc hỗ trợ kĩ thuật, cải thiện điều kiện sống trên địa bàn như:

- Các tổ chức hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: Hội SOS Trẻ em không biên giới, Trẻ em Huế của chúng tôi, Tuổi thơ và Hi vọng;

- Các tổ chức hỗ trợ giáo dục, cấp phát học bổng: Quỹ học bổng Odon Vallet, tổ chức Partage;

- Các tổ chức hỗ trợ y tế, tặng dụng vụ, thuốc men và thăm khám chữa bệnh miễn phí: Hội Hỗ trợ Y tế cho Việt Nam (ADM), Hội SOS Trẻ em không biên giới;

- Các tổ chức hỗ trợ kĩ thuật, cải thiện điều kiện sống: Hiệp hội CODEV Việt-Pháp (CVP), Tổ chức Thợ điện không biên giới (ESF), Tổ chức Development Worldshop.

Ngoài ra, hàng năm vào dịp hè, thành phố Huế đón tiếp khoảng 100 sinh viên đến từ nhiều vùng khác nhau của Pháp tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hoá, dạy tiếng Pháp, hỗ trợ các công trình công ích. Hoạt động đón tiếp sinh viên Pháp chính là một điểm sáng của thành phố Huế trong quan hệ đối ngoại nhân dân.

5) Hợp tác với Hiệp hội Quốc tế các Vùng Pháp ngữ (AIRF)

Vào tháng 11/2009, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức đăng ký thành viên của Hiệp hội Quốc tế các Vùng Pháp ngữ (AIRF), Hiệp hội hiện có 124 thành viên là các Vùng và lãnh thổ của 24 nước có sử dụng tiếng Pháp. Các dự án nằm trong khuôn khổ của hiệp hội sẽ được triển khai đến với các thành viên hiệp hội.

IV. Một số các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan có sử dụng tiếng Pháp tại Thừa Thiên Huế:

            1. Câu lạc bộ tiếng Pháp thành phố Huế: trực thuộc sự quản lí của UBMTTQ thành phố Huế, thành lập từ năm 1994, hiện có khoảng 180 thành viên;

            2. Hội Hữu nghị Việt - Pháp tỉnh: trực thuộc sự quản lí của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế, thành lập từ năm 1999, hiện có 6 chi hội trực thuộc với khoảng 120 thành viên;

            3. Trung tâm Văn hoá Pháp tại Huế: trực thuộc Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội, được chính thức thành lập năm 2004 từ tiền thân là Trung tâm tiếng Pháp Huế, Đại sứ quán Pháp mở văn phòng thông tin du học tại Pháp CampusFrance tại Huế;

            4. Các tổ chức giáo dục: phòng giáo dục, sở giáo dục và một số trường Đại học tổ chức giảng dạy tiếng Pháp theo chương trình tiếng Pháp tăng cường của tổ chức AUF hoặc chương trình giảng dạy sinh ngữ của Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam;

            5. Các tổ chức du lịch: nhiều Cty du lịch, Cty lữ hành, khách sạn có sử dụng đông đảo nhân viên nói tiếng Pháp và mở rộng thị trường giao dịch với các nước nói tiếng Pháp;

            6. Bệnh viện Trung ương Huế: là một trong 3 trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước mà hầu hết cán bộ y tế đều được đào tạo dài hạn, chuyên tu tại Pháp và trở thành một lực lượng tri thức có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Pháp.

            7. Các công ty Pháp đầu tư vào Thừa Thiên Huế: Công ty SCAVI Huế được thành lập năm 2007 với vốn đầu tư 100% nước ngoài thuộc Tập đoàn Pháp Corele International và Siêu thị Big C Huế khai trương tháng 7/2009 thuộc chuỗi siêu thị Big C Việt Nam do Tập đoàn Casino Pháp đầu tư, ngoài ra còn có các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn như Tập đoàn Accords với Khách sạn La Résidence, khách sạn Mercure…

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày