Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp
Ngày cập nhật 18/03/2016

     Chúng tôi xin giới thiệu Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp diễn ra tại Viêng Chăn ngày 27 tháng 02 năm 2016.

1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hẹp (AMM Retreat) ngày 27/02/2016 tại Viêng Chăn là cuộc gặp đầu tiên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN trong năm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2016.

2. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch, Ngài Thongloun Sisoulith, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cuộc họp tập trung vào việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, tăng cường quan hệ đối ngoại ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Các Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế thuộc lợi ích và quan tâm chung. Trong cuộc gặp quan trọng lần này, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã đưa ra 08 ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2016 với chủ đề “Biến Tầm nhìn thành Hành động vì một Cộng đồng ASEAN năng động”.

Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025

3. Sự thành lập Cộng đồng ASEAN ngày 31/12/2015 cũng như việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng với 03 bản Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN đã tạo đà cho những nỗ lực hiện nay nhằm củng cố và tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng cộng đồng. Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh cam kết đảm bảo thực thi có hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025, được xây dựng dựa trên những thành quả và bài học có được từ Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015). Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc thực hiện giữa các bên sẽ được tiến hành thông qua tăng cường năng lực thể chế ASEAN, cải thiện quy trình làm việc của ASEAN, bao gồm tinh giảm hóa các cuộc họp của ASEAN và cử các cán bộ từ Trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội - ASCC sang các phái đoàn thường trực riêng của các nước Thành viên của ASEAN tại Jakarta và hợp tác giữa các vùng/trụ cột ở mức độ khu vực cũng như quốc gia. Bên cạnh đó việc thực hiện còn được dựa trên hệ thống điều hành và báo cáo hoạt động hiệu quả.

4. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030 và vai trò bổ trợ của Chương trình Nghị sự này đối với tiến trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN và nỗ lực hội nhập khu vực như đã nêu trong Tuyên bố Bộ trưởng ASEAN nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Về vấn đề này, chúng tôi đồng ý với đề xuất của phía Thái Lan đảm nhiệm việc điều phối vấn đề này và sớm có báo cáo cụ thể.

Các ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016

5. Các Bộ trưởng đã thảo luận về 08 ưu tiên do nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đưa ra cho năm Chủ tịch ASEAN 2016, gồm có triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, thuận lợi hóa thương mại, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thúc đẩy du lịch, liên kết, thúc đẩy việc làm thỏa đáng: chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức trong khối ASEAN, tăng cường hợp tác khu vực để duy trì, bảo vệ và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN.

6. Phù hợp với các ưu tiên về thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy liên kết khu vực, 02 kết quả chính trong nhiệm kì Chủ tịch của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ là Kế hoạch hành động lần III của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và Chương trình nghị sự cho Liên kết ASEAN sau 2015. Hai văn kiện này, với sự nhất trí của các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 9 năm 2016, sẽ là một bộ phận không thể tách rời trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Đối ngoại ASEAN

7. Các Bộ trưởng đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong một khu vực năng động và cởi mở. Các Bộ trưởng đã thảo luận các phương thức và biện pháp nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước Đối tác đối thoại cũng như tăng cường quan hệ với các nước ngoài khu vực vì lợi ích chung. ASEAN sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước Đối tác đối thoại để đảm bảo triển khai hiệu quả các phương hướng và biện pháp hành động theo các Kế hoạch hành động 2016-2020 với mục tiêu thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

8. Các Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu và tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy vai trò trung tâm và liên quan của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, được xây dựng trên các cơ chế do ASEAN đứng đầu. Về việc này, các Bộ trưởng kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động đã được sửa đổi về Duy trì và Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc ASEAN cần phải thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc định hình cấu khúc khu vực.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế

9. Các Bộ trưởng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế có cùng lợi ích và quan tâm chung, bao gồm các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi như khủng bố, an ninh mạng, thiên tai, biến đổi khí hậu, vấn đề nhập cư bất thường, buôn bán người, an ninh và hợp tác hàng hải, và các diễn biến ở các khu vực khác nhau, bao gồm Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông v.v…

10. Nhắc lại Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tấn công khủng bố ở Jakarta, chúng tôi tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc chống khủng bố dưới mọi biểu hiện và hình thức, bất kể động cơ, địa điểm, thời gian là gì và người thực hiện là ai.

11. Nhắc lại lần nữa Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về việc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) thử nghiệm hạt nhân của và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về việc DPRK phóng tên lửa, ASEAN tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình và kêu gọi DPRK tuân thủ tất cả các Nghị quyết có liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi các bên có liên quan cùng nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực nói trên và tạo môi trường có lợi cho việc nối lại các cuộc Đàm phán 06 bên, nhằm mở đường cho việc duy trì và củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên.

12. Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng tiếp tục bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với các diễn biến hiện tại và gần đây, ghi nhận những lo ngại của các Bộ trưởng về các hành động tôn tạo đảo và sự gia tăng các hoạt động trên thực địa gây xói mòn lòng tin, làm căng thẳng leo thang và gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

13. Các Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông.

14. Các Bộ trưởng tái khẳng định lần nữa nhu cầu thúc đẩy lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế thực hiện các hoạt động và tránh các việc làm có thể gây phức tạp tình hình và tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

15. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm tuân thủ đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế khi thực hiện các hoạt động.

16. Các Bộ trưởng đề cao vai trò quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả mọi nội dung Tuyên bố về Ứng xử các bên trong vấn đề Biển Đông (DOC), và bên cạnh ghi nhận về đà thúc đẩy và giai đoạn đàm phán mới, kêu gọi khẩn trương xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC). Các Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường nỗ lực nhằm đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc thực thi DOC và việc đạt tiến triển thực chất trong xây dựng COC.

Theo Uỷ ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao

Các tin khác
Xem tin theo ngày