Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
Ngày cập nhật 08/09/2015

Ngày 21/6/2005, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Mike Johanns đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về Thỏa thuận hợp tác nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu, phát triển nông nghiệp, tăng cường cơ hội hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến nông nghiệp mà hai Bên cùng quan tâm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp và xây dựng các chương trình đào tại hai Bên cùng có lợi.

Trong những năm vừa qua, hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đạt nhiều thành tựu đáng kể trong hai lĩnh vực: hợp tác về khoa học kỹ thuật và hợp tác trao đổi thương mại nông lâm thủy sản.

Đa dạng hợp tác khoa học kỹ thuật

 Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những văn bản, thỏa thuận và dự án cụ thể để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ nghiên cứu sinh học về chọn giống, chuyển nạp gen, đào tạo nghiệp vụ…

 Cụ thể, Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Đối tác xây dựng và ứng dụng các nguyên tắc Hệ thống Chỉ huy khi có sự cố tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam đã được ký cuối tháng 1/2015; Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” do USAID tài trợ với kinh phí 26,5 triệu USD, thực hiện trong 5 năm từ 2013 – 2017; Dự án “Tăng cường năng lực cảnh báo sớm lũ lụt, giai đoạn 1” (FEW1) do USTDA tài trợ với số vốn 500.000 USD, được thực hiện từ 1/2010 - 10/2011 và giai đoạn 2 (FEW2) do USAID tài trợ với kinh phí 1.222.050 USD, thực hiện từ tháng 8/2012- 07/2015.

Hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học được triển khai với Hiệp Hội đậu tương Hoa Kỳ và Đại học Missouri để nghiên cứu về chuyển nạp gen trên đối tượng cây đậu tương; Hợp tác giữa Đại học California, Riverside với Viện Di truyền Nông nghiệp về hợp tác ứng dụng Công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng.

Trong khuôn khổ Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, từ năm 2005 đến nay, USAID đã cung cấp hơn 60 triệu USD viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện các chương trình tăng cường công tác kiểm soát bệnh dịch; Dự án "Nghiên cứu về cúm ở góc độ tương tác giữa người và động vật và những bệnh chung khác" do CDC tài trợ với kinh phí 2 triệu USD, thực hiện trong 5 năm từ 2013 - 2017. Tháng 3/2015, Chương trình Các Mối Đe dọa Đại dịch Mới nổi (“Chương trình EPT-2”) được khởi động...

 Hai bên đã hợp tác xây dựng một số văn bản pháp quy như Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Vệ sinh thú y và Kiểm dịch động vật. Phía Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành cho các cán bộ kỹ thuật một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Quan hệ thương mại

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trên toàn thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Năm 2014, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản chính sang Hoa Kỳ như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, thủy sản đạt 1,7 tỷ USD, hạt điều đạt 636 triệu USD, cà phê đạt 632 triệu USD...

 Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ các mặt hàng hoa quả ôn đới, các sản phẩm thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm như khoai tây, đậu tương, ngô và lúa mỳ.

Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu đạt trên 30.000 tấn mật ong vào Hoa Kỳ, đạt kim ngạch 75,66 triệu USD. Năm 2014, xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt trên 43.000 tấn, trị giá 111,9 triệu USD.

Hoa Kỳ đã cấp phép nhập khẩu cho thanh long (2008) và chôm chôm (2011). Khối lượng xuất khẩu hai loại trái cây này sang thị trường Hoa Kỳ duy trì ở mức ổn định, chưa gặp vướng mắc nào về mặt kiểm dịch thực vật trong thời gian qua. Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã đồng ý cho phép nhập khẩu đối với nhãn và vải của Việt Nam từ 6/10/2014.

Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đặc biệt là việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ còn gặp nhiều trở ngại và đối xử không công bằng, như quy trình cấp phép cho trái cây Việt vào thị trường Hoa Kỳ rất phức tạp, tốn kém và kéo dài; Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Liên bang áp đặt mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) = 0 đối với một số loại thuốc chưa đăng ký thiết lập mức MRL tại Mỹ (mặc dù được phép sử dụng ở nhiều nước khác) gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ những năm qua không được đối xử công bằng và liên tục trải qua các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ đầu những năm 2000 đến nay. Đặc biệt, Luật Nông nghiệp 2014 đã được ký ban hành trong đó vẫn duy trì Chương trình giám sát cá da trơn và chuyển trách nhiệm giám sát cá da trơn từ FDA sang USDA…

 ***

Để thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới, Hoa Kỳ nên xem xét có các chương trình hợp tác quy mô lớn hơn và đa dạng các hình thức hỗ trợ sẽ có hiệu quả hơn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam. Cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong công tác đào tạo tăng cường năng lực cả ngắn hạn và dài hạn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, nuôi trồng thủy sản. Định kỳ tổ chức các Hội thảo khoa học giữa các đơn vị nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT với các Trường, Viện nghiên cứuở Hoa Kỳ có liên quan đến các lĩnh vực công nghệ nông, lâm và thủy sản để cập nhật thông tin và tìm kiếm môi trường, đối tác hợp tác nghiên cứu và đầu tư.

 

Trần Kim Long

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT

http://ngktonline.mofa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày