Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với CHDCND Lào năm 2009
Ngày cập nhật 22/12/2009

         Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và CHDCND Lào trong năm 2009 đã đạt được những thành tựu lớn về nhiều mặt. Nhiều chương trình, dự án... đã được thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

 

1.  Quan hệ hợp tác hữu nghị:

Tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên chuyến thăm của các đoàn lãnh đạo cấp cao cũng như đoàn công tác các ngành của hai bên nhằm thông báo tình hình kinh tế xã hội mỗi tỉnh và cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan.

Theo thống kê, năm 2009 có:

+ 32 đoàn từ các tỉnh của Lào sang thăm và làm việc tại tỉnh. Các chuyến thăm này chủ yếu để giải quyết vấn đề liên quan đến biên giới, cửa khẩu, giáo dục; thăm khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện của tỉnh.

+ 08 đoàn công tác của tỉnh sang thăm và làm việc tại các địa phương của Lào. Các chuyến thăm và làm việc này chủ yếu tập trung để giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác biên giới, cửa khẩu và an ninh quốc phòng.

 

2. Quan hệ hợp tác kinh tế:

Tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào đã tiếp tục trao đổi và xúc tiến các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa hai bên, nhất là các mặt hàng về nông lâm sản, thuỷ hải sản, bia, hàng dệt may, xi măng, gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tiếp tục tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư của hai bên sang xúc tiến hoạt động đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi bên nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Các công ty Cavico Việt Nam, Phúc Thịnh đã được các tỉnh bạn đồng ý cấp đất về mặt nguyên tắc để đầu tư trồng rừng kinh tế, trồng cao su, các loại cây công nghiệp, cây xuất khẩu,…ở các tỉnh Savannakhet, Salavan, Sekông.

 

Hàng hoá xuất nhập khẩu qua hai cửa khẩu S3 và S10 chủ yếu là gỗ, muối ăn, cá khô, dầu thắp, các mặt hàng mỹ phẩm, thiết bị thủy điện loại nhỏ,... Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới tại đây chưa phát triển đúng mức; tuyến đường bộ từ các cửa khẩu đi hai tỉnh Sekông và Salavan chưa được nâng cấp hoàn thiện nên hoạt động xuất nhập khẩu của cả hai nước bị hạn chế.

 

 

Về hợp tác du lịch, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở Du lịch Savannakhet tiến hành quảng bá hình ảnh du lịch của hai tỉnh trên tuyến đường xuyên Á Thái Lan - Lào - Việt Nam. Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang đã phối hợp với các công ty Du lịch ở Lào để khai thác, vận chuyển khách trong khu vực tham quan du lịch trên tuyến đường xuyên Á bằng đường bộ khá hiệu quả.

Về hợp tác lao động, cho đến nay có gần 5000 lao động của tỉnh sang Lào làm việc, trong đó phần lớn thuộc huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thuỷ và thành phố Huế. Số lao động này chủ yếu tập trung ở các tỉnh Savannakhet, Chapasak, Salavan và Sêkong, hoạt động các ngành nghề về dịch vụ, xây dựng và buôn bán nhỏ.

 

3. Hợp tác về Giáo dục và Đào tạo:

 

Tiếp tục thực hiện các nội dung đã thoả thuận trong chương trình hợp tác giúp đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương của Lào, Từ năm 2002 đến 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành Trung cấp, Cao đẳng, Đại học cho 453 lưu học sinh Lào sang học tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Riêng năm học 2009-2010, tỉnh đã tiếp nhận 84 lưu học sinh. Các lưu học sinh này đến từ các tỉnh: Champasak, Khammuon, Salavan, Savannakhet, Sekong, Viengchan.

 

 

Ngoài việc tiếp nhận đào tạo cho các lưu học sinh Lào, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có các chương trình đào tạo tiếng Việt cho các giáo viên đến từ trường Cao đẳng Bách khoa Viengchan và trường Hữu nghị Viengchan. Để giúp các bạn Lào trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, tỉnh đã tiếp nhận đào tạo 01 cán bộ của Uỷ ban Chính quyền tỉnh Khammuon sang học tiếng Việt tại trường Cao đẳng Sư phạm Huế và thực tập tại Sở Ngoại vụ trong năm 2006-2008. Năm 2008-2009, tỉnh tiếp nhận đào tạo về công nghệ thông tin cho 02 cán bộ của Uỷ ban Chính quyền tỉnh Salavan. Riêng đối với các tỉnh có biên giới chung, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chính sách quan tâm, hỗ trợ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho con em ở các xã vùng biên giới của bạn được cắp sách đến trường, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên.

 

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Lào sang học tập tại tỉnh Thừa Thiên Huế có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt, trường Cao đẳng Sư phạm Huế đang triển khai xây dựng Dự án Khu nội trú Lưu học sinh Lào với tổng kinh phí dự tính cho giai đoạn 01 là 15,3 tỷ đồng (Bộ Kế hoạch Đầu tư đã cấp 02 tỷ đồng) và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

Nhằm tạo điều kiện cho con em Kiều bào Việt Nam tại tỉnh Salavan có môi trường học tập tốt,năm 2007, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho Hội Người Việt Nam tại tỉnh Salavan 30.000.000 đồng và năm 2009, tỉnh hỗ trợ thêm 200.000.000 đồng để giúp Hội thi công công trình Trường Tiểu học Hữu nghị tỉnh Salavan.

 

4. Hợp tác văn hoá và thể dục thể thao:

            Tỉnh đã phối hợp với các địa phương của Lào tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ. Nhân dịp Tết Cổ truyền Bun Pi Mày nước CHDCND Lào năm 2009, tỉnh đã cử lãnh đạo tỉnh vào thăm chúc Tết Tổng Lãnh sự quán Lào tại thành phố Đà Nẵng, gửi thư chúc mừng đến các tỉnh bạn Lào có quan hệ hợp tác với tỉnh nhà; các trường Đại học ở Huế cũng đã tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức cho lãnh đạo trường và các em sinh viên Lào đi tham quan thực tế nhân sự kiện này.

            Tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công Chương trình Giao lưu Hữu nghị thường niên giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào năm 2009 tại thành phố Huế vào tháng 7/2009.

            Các hoạt động này thực sự là cơ hội rất hữu ích để tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào có dịp tìm hiểu thêm về quê hương, đất nước, con người, văn hoá và thành tựu trong sự phát triển của nhau đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ truyền thống gắn bó thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

 

5. Hợp tác về y tế:

            Tỉnh đã luôn có chính sách quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cán bộ Lào trong việc khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện ở Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng năm 2008, đã có hơn 15 đoàn với gần 20 lượt người là các cán bộ cấp cao và thân nhân của các đồng chí, cán bộ các ban ngành sang khám và điều trị. Từ đầu năm 2009 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và có chính sách quan tâm, hỗ trợ cho 04 trường hợp.

            Song song với các hoạt động đó, tỉnh cũng đã xúc tiến các đoàn y tế sang giao lưu, khảo sát để thực hiện việc khám chữa bệnh cho các xã của Lào có chung biên giới với tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

6. Giao thông vận tải và biên giới, cửa khẩu:

 

- Đối với tuyến biên giới với tỉnh Sekong: tỉnh cũng đã cùng với Sekong chú trọng đến công tác xây dựng cửa khẩu Adot – Tavang trở thành một cửa khẩu, khu kinh tế kiểu mẫu. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực xây dựng Trạm Kiểm soát Liên hợp và doanh trại bộ đội cho tỉnh Sekong, phấn đấu năm 2009 sẽ tổ chức lễ công bố khai trương cửa khẩu phụ A đơt – Ta vang lên cửa khẩu chính.

 

Tích cực hỗ trợ nhân dân vùng biên giới:

+ Tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp với phía bạn tiến hành khảo sát, lập quy hoạch khu vực trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn nhân dân trồng các loại cây nông nghiệp ở khu vực bản KaLô. Tính đến tháng 9/2009, tỉnh đã hỗ trợ 03 đợt với tổng trị giá 510 triệu đồng để giúp đỡ nhân dân bản Ka Lô (5 tấn gạo, mua tôn lợp 42 ngôi nhà, đến nay đã dựng được 14 ngôi nhà). Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và Trung tâm y tế huyện A Lưới tổ chức khám và cấp hỗ trợ thuốc chữa bệnh, màn chống muỗi cho nhân dân bản Ka Lô và cán bộ Trạm Tà Vàng trị giá khoảng 26 triệu đồng.

 

 + Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho nhân dân bản KaLô 2 tấn gạo; cử cán bộ sang phối hợp với nhân dân bản Kalô để dựng nhà, hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân trồng trọt, chăn nuôi nhằm đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho nhân dân. Đặc biệt, để hỗ trợ khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 9 vừa qua,  ngày 12/10/2009 Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân bản Kalô 01 tấn gạo và 250 kg muối ăn (20kg gạo+5kg muối ăn/hộ).

 

7. Hợp tác về an ninh quốc phòng:

               Tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào thường xuyên duy trì, trao đổi các đoàn công tác của Công an, Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng của hai bên, đặc biệt là ở các tỉnh có chung biên giới Salavan và Sekong nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình để cùng nhau phối hợp và có hướng giải quyết kịp thời. Nhìn chung, an ninh chính trị phía bạn trong thời gian qua cơ bản ổn định, chưa phát hiện có hoạt động phá hoại của phản động lưu vong, phỉ Lào cũng như các thế lực thù địch ở khu vực đối diện với tỉnh Thừa Thiên Huế.

            Song song đó, lực lượng công an, bộ đội biên phòng hai bên đã thường xuyên phối hợp nhau trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.

 

            Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tiếp tục phối hợp với các địa phương Lào, đặc biệt là hai tỉnh Salavan và Sekong trong công tác qui tập mộ các chuyên gia, bộ đội, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày