Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Nhà ngoại giao phải mang đậm chất văn hóa
Ngày cập nhật 28/11/2009

Sứ mệnh cao cả của Ngoại giao văn hóa là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc... Muốn thực hiện được sứ mệnh đó, CBNV ngoại giao phải không ngừng học tập để mở rộng kiến thức về văn hóa dân tộc Việt Nam và văn hóa nước ngoài.

 

Một ngày tháng 7/2003, trước khi tôi rời nhiệm sở ở Kuala Lumpur kết thúc nhiệm kỳ về nước, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã tặng tôi bức thư họa của một nhà thư pháp Bắc Kinh ghi lại bốn câu thơ nổi tiếng đời Đường – Tống: 

Nhược tri tứ hải giai huynh đệ
Hà xứ tương phùng phi cố nhân,
Thanh sơn nhất đạo đồng vân vũ
Minh nguyệt hà tằng thị lưỡng hương

Nghĩa là:

Nếu biết bốn biển đều là anh em
(Thì) đi đâu mà chẳng gặp được bạn cũ,
Núi xanh một dải đều chung bóng mây, cơn mưa
Cùng dưới ánh trăng sáng (này) thì đâu phải hai quê

Lúc được tặng, tôi chỉ thấy bốn câu thơ này thật hay, mang đầy tinh thần “thế giới đại đồng”, mà nói theo ngôn từ hiện đại là “hội nhập quốc tế”. Sau này nhớ lại, bỗng thấm thía một điều nữa: Đại sứ bạn tặng bức thư họa mà chuyển tải được cả một tư tưởng lớn – một thông điệp lớn về truyền thống hữu nghị quốc tế của nhân dân Trung Quốc từ xa xưa.

“Nền” có vững...

Tại Hội thảo quốc gia về Ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2008, đã có nhiều tham luận bàn về nội dung của Ngoại giao văn hóa. Cũng đã có những đề cập sơ bộ về văn hóa ngoại giao. Và xuất hiện một vài ý kiến về văn hóa của cán bộ ngoại giao.

Đúng vậy, sau khi đã xác định được nội dung của Ngoại giao văn hóa và nêu bật truyền thống văn hóa ngoại giao tốt đẹp của ông cha ta thì việc xây dựng “cái nền văn hóa” của đội ngũ cán bộ nhân viên (CBNV) ngoại giao là một trong những khâu then chốt nhất để triển khai thắng lợi công tác Ngoại giao văn hóa. Tại sao vậy? Một là, CBNV ngoại giao, trước hết là tại các cơ quan đại diện (CQĐD) ngoại giao ta ở nước ngoài, là những “vật chủ” mang văn hóa dân tộc. Người nước ngoài tiếp nhận và có ấn tượng đầu tiên về văn hóa Việt Nam như thế nào chính là qua tiếp xúc với những “vật chủ” này. Hai là, CBNV ngoại giao cũng chính là một lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa của Nhà nước ta ra nước ngoài. Ba là, CBNV ngoại giao là một trong những cầu nối quan trọng đưa tinh hoa văn hóa của thế giới đến với Việt Nam để làm phong phú hơn, hiện đại hơn, tiến bộ hơn văn hóa của dân tộc ta.

Để thực hiện tốt vai trò đó, CBNV ngoại giao phải có “cái nền văn hóa” vững chắc. Trước hết, phải thấm nhuần sâu sắc và kế thừa truyền thống văn hóa ngoại giao tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử - đó là truyền thống bang giao “hòa bình”, “hòa hiếu”, “thương người như thể thương thân”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”... CBNV ngoại giao cũng phải có kiến thức về văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có những hiểu biết về tư tưởng, hệ giá trị, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng... Trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt trong tiếp xúc đối ngoại trực tiếp hàng ngày, CBNV ngoại giao phải thể hiện được những nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, CBNV ngoại giao phải hiểu biết rõ những khác biệt văn hóa của các dân tộc khác - có thể là tinh hoa, có thể là những đặc điểm cần biết để tránh những hiểu lầm và sự cố trong hoạt động đối ngoại.

Bắc nhịp cầu nối sự khác biệt

Sứ mệnh cao cả của Ngoại giao văn hóa là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc... Muốn thực hiện được sứ mệnh đó, CBNV ngoại giao phải không ngừng học tập để mở rộng kiến thức về văn hóa dân tộc Việt Nam và văn hóa nước ngoài.

Chúng ta đã từng vui sướng và thán phục khi Đại sứ Ấn Độ R. Sivaramakrishnan trích thơ Kiều của Nguyễn Du trong bài phát biểu tại Hải Phòng, sau đó dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh và tổ chức cả một buổi thuyết trình về văn học Việt Nam tại Ba Lan, nơi ông sang công tác sau nhiệm kỳ ở Hà Nội. Chúng ta cũng từng ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi Tổng thống Chile Ricardo Lagos Escobar trích thơ Trần Thánh Tông trong bài diễn văn tại Phủ Chủ tịch để diễn tả cảm xúc khi trở lại thăm Việt Nam (2003) vào những ngày Thu thanh bình sau bao năm chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng:

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng cựu niên du...

Tôi tạm dịch:
Trăng thanh bình chiếu người nhàn hạ
Nước mùa thu lồng trời đượm thu
Bốn biển đã trong, bụi đã sạch
Chuyến đi này hơn chuyến đi xưa...

Và đặc biệt, chúng ta vô cùng tự hào và khâm phục khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại giao ở bất kỳ nước nào, Người cũng đều nắm vững văn hóa, lịch sử, thậm chí cả ngôn ngữ của nước đó. Chính vì vậy, Người đã gây được tình cảm sâu đậm và sự ủng hộ nhiệt thành của các nước đó đối với Việt Nam. Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về ngoại giao văn hóa, ngoại giao tâm công, “tứ hải giai huynh đệ”, “quan san muôn dặm một nhà”.

Chỉ riêng trong khâu tiếp xúc đối ngoại, người CBNV ngoại giao không chỉ cần biết văn hóa dân tộc mình mà còn phải biết cả văn hóa dân tộc khác thì mới tạo được cầu nối giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khá, tránh những “sự cố” do khác biệt văn hóa. Điều này đặc biệt quan trọng khi giao tiếp “liên văn hóa” đã trở thành một hoạt động không thể thiếu được trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Người Hồi giáo sẽ không hài lòng khi được tặng tranh ảnh hay tượng phụ nữ và sẽ bất bình khi được mời ăn thịt lợn. Người Ấn Độ giáo sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi được mời thức ăn có thịt bò. Người Sikh có thể nổi giận khi được mời hút thuốc lá và cũng kiêng thịt bò nhưng lại rất vui lòng nếu được mời uống rượu. Người Nhật rất kiêng con số 4 và 9 (trên máy bay của hãng Nippon Airlines không có các số ghế này) và sẽ không hài lòng khi được tặng hoa sen – thứ hoa người Nhật chỉ để dùng trong các lễ tang (cũng giống như người Việt Nam không tặng nhau hoa huệ). Một doanh nhân châu Âu đã bị hủy một hợp đồng lớn với một nước Trung Đông vì đã có động tác “ga-lăng” là giơ tay đỡ một quý bà Hồi giáo từ trên xe buýt xuống. Hãng Honda của Nhật đã không bán được ôtô ở một số nước Bắc Âu vì nó mang nhãn hiệu “Fitta” - theo tiếng các nước này nghĩa là từ chỉ... bộ phận sinh dục. Một hãng sản xuất nước chấm của Anh sáu tháng liền không tiêu thụ được sản phẩm của mình tại Bắc Ấn Độ vì tên gọi sản phẩm đó (Bundh) theo tiếng địa phương có nghĩa là... hậu môn. Còn biết bao nhiêu chuyện về những “xung đột” văn hóa như vậy mà CBNV ngoại giao phải biết khi hoạt động trong môi trường quốc tế.

Tác giả:  Trần Trọng Toàn 
            Phó Chủ nhiệm thường trực
            Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài

 

http://www.mofa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày