Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Lãnh đạo không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa
Ngày cập nhật 09/07/2018
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ (trái) nhận Giấy chứng nhận xếp hạng Nhất về xây dựng CP điện tử cấp tỉnh

Tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 được tổ chức vào ngày 5/07 tại Hà Nội; chia sẻ về kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, diễn giả chính tại Hội thảo khẳng định: “Lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa”.

Đổi mới từ tư duy, nhận thức đến phương thức chỉ đạo, điều hành

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, ngay từ giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ trọng tâm ngành CNTT từng năm đã được cụ thể hóa theo phương châm hành động cụ thể: Năm 2011 - năm Thể chế, Năm 2012 - năm Cơ sở dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến, Năm 2013 - Cơ sở hạ tầng CNTT, Năm 2014 - Cơ quan điện tử, công chức điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử và năm 2015 - Chính quyền điện tử. Để đạt được mục tiêu này, Lãnh đạo UBND tỉnh đã phải trải qua một quá trình dài đổi mới từ tư duy, nhận thức đến phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc, quản trị cơ quan, cụ thể:  “Hình thành và nâng cao nhận thức tin học hoá gắn liền với cải cách hành chính và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc theo chuẩn ISO” - hình thành Cơ quan điện tử; xây dựng nhận thức “Tin học hoá không có nghĩa là cán bộ tin học sẽ làm thay cho cán bộ hành chính; Lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng thực hiện tin học hóa” và“ ứng dụng CNTT phải được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới phong cách hành chính”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành công trong thực hiện phương châm triển khai  “từ điểm đến diện”, “từ vận động khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc”, dần dần từng bước Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc tại các cơ quan nhà nước đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của công chức - Công chức điện tử.

Đặc biệt, nhằm tạo đột phá trong triển khai thực hiện, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 05 bộ quy chế, quy trình điều chỉnh thống nhất các công việc trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Bộ quy chế, quy trình này được kèm theo hệ thống biểu mẫu cụ thể theo chuẩn ISO để giải quyết quy trình, công việc và chế tài thực hiện. Từ đó, việc ứng dụng phần mềm được đồng bộ và nhất quán, kết quả là ứng dụng thành công cho 05 hệ thống phần mềm dùng chung gồm: Quản lý Văn bản và Điều hành, Quản lý Hồ sơ một cửa, Theo dõi ý kiến chỉ đạo và Văn bản ban hành, Tiếp dân - Giải quyết đơn thư khiếu nại và tố cáo, Đăng ký - xếp lịch và gửi giấy mời qua mạng.

Bên cạnh đó, 02 bộ công cụ là Phần mềm Trang thông tin điều hành tác nghiệp đa cấp, liên thông  và phần mềm Quản lý, theo dõi việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, là những công cụ khá nổi bật, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đại điều hành của lãnh đạo và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (những phần mềm này đã chuyển giao cho rất nhiều địa phương đến học tập).

Quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, từ năm 2015, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có các văn bản hướng dẫn về ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế và ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với quyết tâm xây dựng thành công Chính quyền điện tử. Theo đó, ngoài các vấn đề đã được đúc rút trong giai đoạn 2011-2015 và được tiếp tục triển khai, thì việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 thể hiện qua 03 định hướng sau:

Thứ nhất, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT và quy hoạch tích hợp các hệ thống thông tin trên nền tảng kết nối, chia sẻ

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung;  100% cơ quan hành chính nhà nước có mạng LAN; Mạng diện rộng (WAN) kết nối toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước với trên 350 điểm kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cơ quan hành chính nhà nước được kết nối với mạng CP Net; Triển khai hệ thống truy nhập internet tập trung thông qua 1 điểm duy nhất, đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn hệ thống thông tin. Thực hiện quy hoạch lại hệ thống thông tin và các phần mềm dùng chung theo nguyên tắc hệ thống hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu tập trung và tăng kết nối, chia sẽ với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cụ thể, quy hoạch lại hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo liên thông 04 cấp; thực hiện kết nối với hệ thống thông tin doanh nghiệp của quốc gia do Bộ KHĐT quản lý; kết nối, chia sẻ CSDL về bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để triển khai liên thông cấp chứng sinh – bảo hiểm y tế - quản lý lưu trú cho trẻ em dưới 06 tuổi; triển khai Đề án Xây dựng và tạo lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 10/10 Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động (01 trung tâm cấp tỉnh, 09 trung tâm cấp huyện) với phương châm “Thân thiện – Đúng hẹn – Đơn giản”. Hiện nay, các Trung tâm hành chính công và một cửa cấp xã trên địa bàn tỉnh đã cung cấp khoảng 30% dịch vụ công mức độ 4, khoảng 45 % mức độ 3 và còn 25% mức độ 2.

Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến được xây dựng từ năm 2016; Cổng dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp dịch vụ công ích, sự nghiệp như dịch vụ điện, nước, bưu chính viễn thông và đã hình thành chuẩn, sẵn sàng tích hợp các dịch vụ công ích, sự nghiệp khác; đang hoàn thiện liên thông với các hệ thống dịch vụ công với các cơ quan Trung ương, Bộ ngành.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai Đề án Xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với mục tiêu đến năm 2020, Bộ phận TN&TKQ hiện đại tại 152/152 đơn vị cấp xã đi vào hoạt động.

Thứ ba, nâng cao nhận thức người dân, tạo điều kiện cho người dân tương tác với hệ thống chính quyền, đưa chính quyền về sát với người dân

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng bước tiến hành nhiều giải pháp như triển khai hệ thống chứng thực điện tử, mẫu hóa văn bản hành chính nhà nước, hệ thống xác thực tập trung và điểm đột phá là thẻ điện tử công chức (trong năm 2018, thẻ điện tử công chức được triển khai trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh và đồng loạt áp dụng cho toàn tỉnh trong các năm tiếp theo). Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thí điểm thẻ điện tử cá nhân và thẻ điện tử doanh nghiệp. Tương tự thẻ điện tử công chức, hai loại thẻ này nhằm hướng đến việc cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ công ích một cách chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ diễn thuyết tại Hội thảo.

Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, quan điểm và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế là lấy người dân làm trung tâm, xây dựng chính quyền phục vụ; phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử. Theo đó, phát triển dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế được chia làm 2 giai đoạn (từ năm 2018-2020) và (từ năm 2021 - 2025) theo một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Giai đoạn 2018-2020, phát triển dịch vụ thông minh sẽ được tập trung cho địa bàn thành phố Huế và thực hiện thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, hoàn chỉnh kiến trúc ICT và hoàn thành đầu tư hạ tầng cơ bản. Trong đó, xây dựng và vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm dữ liệu tập trung, hệ thống cảm biến như camera, quan trắc môi trường; tập trung phát triển một số lĩnh vực thế mạnh như y tế, giáo dục, du lịch; chuyển đổi số hệ thống bản đồ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng trên nền GIS 3D.

Giai đoạn 2021-2025, thực hiện trên cơ sở đánh giá và kế thừa tối ưu các kết quả đã triển khai của giai đoạn 2018-2020, triển khai diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện Kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo được nền tảng cốt lõi của đô thị thông minh đáp ứng điều kiện triển khai Internet vạn vật (IoT) và xử lý dữ liệu lớn (BigData); áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực không ngừng để phát triển thành một địa phương mạnh về CNTT; ngày 05/7/2018 tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế vừa đón nhận tin vui là địa phương đứng đầu toàn quốc về phát triển Chính phủ điện tử cấp tỉnh. Hy vọng với những thành quả đạt được, những kinh nghiệm đã được đúc rút trong thời gian qua cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thành công trong xây dựng Chính quyền điện tử và mục tiêu phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử sẽ sớm trở thành hiện thực góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch – hiện đại – hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

 

Theo www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày