Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Đô thị thông minh - Xu thế phát triển tất yếu
Ngày cập nhật 26/09/2018

Để người dân, doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện, hiểu rõ hơn và nắm bắt được cơ chế, chính sách, định hướng phát triển “Đô thị thông minh” “Dịch vụ đô thị thông minh” của tỉnh; Chiều ngày 21/9, UBND tỉnh đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Dịch vụ đô thị thông minh”. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo các sở, ngành liên quan chủ trì buổi đối thoại.

Đô thị thông minh - Xu thế phát triển tất yếu

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: Phát triển “Đô thị thông minh” đã và đang trở thành xu thế tất yếu, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhận thức tầm quan trọng của xu thế này, trong những năm gần đây, bên cạnh đưa ra định hướng phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai những bước đi ban đầu để phát triển đô thị thông minh; xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng để phát triển đô thị thông minh.

Tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu là: “Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: giao thông, y tế, giáo dục…; đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh là hướng đến việc quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Du lịch. Để làm được việc này, đòi hỏi có sự tham gia từ nhiều thành phần, trong đó sự tham gia của xã hội là vô cùng quan trọng và đặc biệt là sự tham gia tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.

Ưu tiên phát triển 5 dịch vụ thông minh

Rất nhiều câu hỏi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề phát triển “Đô thị thông minh” và “Dịch vụ đô thị thông minh” trên địa bàn tỉnh gửi đến buổi đối thoại. 

Độc giả có địa chỉ lesang_78@gmail.com và độc giả Trần Văn Thạnh, thành phố Huế chia sẻ: Thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”, vậy những dịch vụ thông minh nào sẽ được cung cấp cho người dân, khi nào thì bắt đầu triển khai áp dụng?; Ngân sách của địa phương còn hạn chế, vậy tỉnh đã có giải pháp nào để thực hiện công tác xã hội hóa dịch vụ đô thị thông minh, nhất là thu hút các nhà nhà đầu tư vào cuộc?.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Theo Đề án được UBND phê duyệt, “Dịch vụ đô thị thông minh” tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn đến năm 2020 sẽ cung cấp các dịch vụ cơ bản trên 5 lĩnh vực: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường. Theo đó, năm 2018 sẽ tập trung xây dựng kiến trúc tổng thể nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng thông minh, các doanh nghiệp thông qua ứng dụng cung cấp dịch vụ phục vụ cho người dân. Kiến trúc là thành phần quan trọng nhằm đảm bảo tính quy chuẩn, công khai, minh bạch và tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp khi cung cấp ứng dụng và dịch vụ thông minh phục vụ người dân, xã hội.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2019 sẽ hoàn thiện công tác thử nghiệm và có thể cung cấp cho người dân trên địa bàn một số dịch vụ cơ bản thông qua môi trường mạng: Về Y tế (bao gồm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, dịch vụ khám chửa bệnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe); Du lịch (Du lịch ảo; tìm kiếm tra cứu thông tin phục vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống và dịch vụ phương tiện di chuyển); Giáo dục: Dịch vụ cung cấp thông tin du lịch; dịch vụ tương tác giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh (theo dõi, kiểm tra việc học tập), đặc biệt là xây dựng các mô hình phòng học thông minh nhằm thúc đẩy phát triển mô hình dạy và học hiện đại; Về Giao thông bước đầu cung cấp thông tin giao thông và Môi trường thì sẽ cung cấp thông tin môi trường cho người dân, xã hội. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ hoàn thiện các dịch vụ sau khi đưa vào vận hành và thu thập ý kiến người sử dụng, đồng thời sẽ phát triển các dịch vụ mới theo thực tiễn phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: Quan điểm phát triển “Dịch vụ đô thị thông minh” là lấy người dân làm Trung tâm; Doanh nghiệp làm Động lực; Nhà nước Kiến tạo. Vì vậy, thành công của phát triển “Dịch vụ đô thị thông minh” thì không chỉ Nhà nước mà cần có sự chung tay mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp. Nhà nước chỉ đóng vai trò “Kiến tạo”, cụ thể: Tỉnh sẽ xây dựng Khung kiến trúc ITC đô thị thông minh, đây được xem là một tiêu chuẩn để chuẩn hóa và tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia cung cấp, tháo bỏ các rào cản thiếu sự minh bạch, thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn và bị tác động chi phối bởi một số cơ quan, đơn vị khi doanh nghiệp tiếp cận cung cấp; đồng thời xây dựng cơ chế đặc biệt ưu đãi để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển “Dịch vụ đô thị thông minh” theo hình thức xã hội hóa vào năm 2019.

Về nguồn lực vận hành hệ thống các dịch vụ đô thị thông minh (bao gồm nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực), Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, với nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, để giải quyết vấn đề này, Tỉnh đã có giải pháp thuê ngoài dịch vụ CNTT, một mặt tiết kiệm nguồn lực đầu tư, mặt khác giải quyết bài toán nhân sự vận hành.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra Trung tâm Điều hành giám sát đô thị thông minh tỉnh

 

Đưa chính quyền và người dân đến gần nhau hơn

Độc giả Thái Sơn, phường Trường An, TP. Huế cho hay: “Dịch vụ đô thị thông minh hướng đến việc đưa chính quyền và người dân đến gần nhau hơn thông qua sự tương tác trên môi trường mạng với mục tiêu “làm cho cuộc sống người dân tốt hơn”. Việc này đang được tỉnh triển khai thế nào, liệu những tương tác của người dân đến cơ quan công quyền có được giải quyết và chức năng giám sát, phản biện trong trường hợp này được thể hiện ra sao?

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho hay: Dịch vụ đô thị thông minh được cung cấp cho người dân chủ yếu qua Cổng dịch vụ đô thị thông minh và ứng dụng di động theo hướng dùng chung và duy nhất một địa chỉ cho toàn bộ các dịch vụ. Khi sử dụng dịch vụ, người dân có thể tương tác thông qua ứng dụng toàn diện các vấn đề như: Phản ánh các vấn đề bất cập của xã hội, chuyển tải các câu hỏi cần giải quyết cho cơ quan nhà nước và đặc biệt là việc đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ.

Các thông tin tương tác của người dân đều được công khai trên môi trường mạng, sẽ đem lại một số lợi ích chính: Thứ nhất, về khía cạnh người dân sẽ tăng niềm tin và sự chủ động của người dân khi tương tác với cơ quan nhà nước; Thứ hai, Nhà nước có công cụ theo dõi giám sát một cách tập trung từ đó giám sát và cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận xử lý thông tin tương tác của người dân; Thứ ba, thông qua việc đánh giá chất lượng dịch vụ, thông tin chất lượng dịch vụ sẽ được xếp hạng công khai để người dân có cơ sở lựa chọn dịch vụ tốt cho mình, từ đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ nhìn thấy được chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp và có phương án đổi mới nâng cao chất lượng.

Hiện nay, tỉnh đang tổ chức triển triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tại địa chỉ website: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn . Hệ thống sẽ tiếp nhận và xử lý toàn bộ thông tin về các vấn đề bất cập trong xã hội, chất lượng các dịch vụ trong quá trình ứng dụng của người dân... Toàn bộ công tác xử lý phản ánh theo định hướng sẽ được công khai và thông qua đó, người dân có thể tương tác, trao đổi, đưa ra ý kiến với cách giải quyết của cơ quan nhà nước. Thời gian tới, khi Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh ra đời thì toàn bộ các nội dung từ cung cấp thông tin, dịch vụ đô thị thông minh, kết quả thực hiện triển khai, kết quả đánh giá chất lượng sử dụng của người dân đều được thu thập, tổng hợp và công khai giúp cho việc giám sát và phản biện được phát huy một cách rõ rệt, cụ thể.

Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng “đô thị thông minh” tại Thừa Thiên Huế.  Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển thành phố thông minh của tỉnh. Mô hình đô thị thông minh mà tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh. Người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ đô thị thông minh như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... một cách tiện lợi, an toàn và thân thiện. Bên cạnh đó, “Đô thị thông minh” sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế Thừa Thiên Huế trong thời kỳ  hội nhập và phát triển.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chính thức phát động cuộc thi: Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Đô thị thông minh theo tinh thần đổi mới, sáng tạo (Thời gian phát động cuộc thi: từ 01/10/2018 đến 30/12/2018). Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kêu gọi học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp, những người quan tâm đến CNTT, những người quan tâm đến phát triển Huế tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi này.

Theo thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày