Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Phong cách Hồ Chí Minh - Di sản ngoại giao văn hóa
Ngày cập nhật 18/05/2020

Ngày 8-1-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng ta hội đàm với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp. Nguồn: TTXVN

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc và tới thăm 56 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

 

1. Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và suốt đời vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Việt Nam với bè bạn năm châu. Gần 100 năm trước đây, trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, số 39, năm 1924, nhà văn, nhà báo Liên Xô Ô-xít Man-đen-xtam, trong bài Thăm một chiến sĩ Cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(1).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm công bố chính sách đối ngoại nhất quán của Nhà nước Việt Nam: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai...”(2).

2. Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, Pháp (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987), đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990.

Tại Nghị quyết quan trọng này, Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.”, và đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”(3).

Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn”, tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, TS Modagat Ahmet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi Trái đất này”(4).

Đặc biệt ở Ấn Độ, với tinh thần coi việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế mà là trách nhiệm quốc gia của toàn thể nhân dân Ấn Độ, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Shekhar làm Chủ tịch. Nhiều hình thức kỷ niệm trọng thể được tổ chức kéo dài tròn một năm, từ ngày 19-5-1990 đến 19-5-1991. Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn cờ cổ vũ đối với các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và tự do trên toàn thế giới”!...(5).

Và không chỉ ở Ấn Độ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống kê được, những năm 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận, trên thế giới vẫn có rất nhiều hoạt động hưởng ứng khuyến nghị của UNESCO về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến và trở nên gần gũi, thân thiết đối với hàng triệu triệu người trên thế giới. Cảm phục cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh cho dân tộc, nhân loại, và tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, nhân dân ta và bạn bè trên thế giới đã dùng những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi Người.

Ông D’Orville, từng là Phó Tổng giám đốc UNESCO nói: “Câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” có giá trị toàn cầu”(6).

Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru cảm nhận: “Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”(7).

Ngài M.Haxeegaoa, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Nhật Bản đã đánh giá: “Những lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên quả đất”(8).

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Australia, vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch năm 1974, đã ghi vào sổ cảm tưởng những dòng rất sâu sắc: “Như tất cả những nhà cách mạng vĩ đại chân chính, Người là xương, thịt của nhân dân. Người sống giản dị, khiêm tốn trong sự vĩ đại, một lòng một dạ cống hiến cho hai sự nghiệp cao cả mà Người coi là một: độc lập tự do cho Việt Nam, cách mạng xã hội chủ nghĩa cho công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới. Rất ít người đã hoặc sẽ làm được như Người, nhưng ai cũng có thể học được ở Người cuộc đời Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”(9).

Danh xưng Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa, các bộ từ điển danh nhân của thế giới, nhiều nước trên thế giới đặt tên Người cho các quảng trường, đường phố, trường học, bệnh viện; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển lãm… và xây dựng tượng đài kỷ niệm về Người như tại Pháp, Trung Quốc, Nga, Thái-lan, Lào, Hàn Quốc, Ấn Độ, Cu-ba, Madagastca...(10). Theo thống kê chưa đầy đủ, không kể ở Việt Nam, ở 20 nước trên thế giới hiện có 35 tượng/tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáu bia tưởng niệm, 14 khu tưởng niệm Hồ Chí Minh, năm trường học, sáu đại lộ, bảy con đường mang tên Hồ Chí Minh(11).

Đó là sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người đã bắc nhịp cầu “Hữu nghị và hòa bình giữa nhân dân toàn thế giới”. Là việc làm thiết thực quảng bá hình ảnh Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển, nhằm nghiên cứu ngày càng đầy đủ hơn và bảo tồn, phát huy tác dụng hiệu quả hơn những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngoại giao văn hóa Việt.

TS CHU ĐỨC TÍNH

--------------------------------------------

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga. Ban Tuyên giáo T.Ư… Nxb CTQG, H, 2013, tr. 49.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 256.

3. Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, tháng 7-2009.

4. UNESCO và UBKHXHVN: Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.20, 22.

5. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Bác Hồ với Ấn Độ, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2003, tr. 271.

6. HVCTQGHCM. Báo cáo Tổng quan đề tài “Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, giá trị và sức sống lan tỏa” H. 2016, tr.243. Bản vi tính. Phạm Ngọc Anh chủ biên.

7. Phạm Ngọc Anh chủ biên, sđd, tr.255.

8. Phạm Ngọc Anh chủ biên, sđd, tr.264.

9. TS Trần Viết Hoàn: Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu Phủ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.66.

10. Thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

11. Bài phát biểu của ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Văn hóa ngoại giao và UNESCO, in trong kỷ yếu hội thảo: “Di sản Hồ Chí Minh với Ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Nghệ An 29-9-2019, tr. 113.

 

Nguồn: Báo Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.340.304
Truy cập hiện tại 13.165