Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Hội thảo quốc tế “ Bảo tồn Di sản kiến trúc gỗ Châu Á nhìn từ trường hợp Việt Nam và Nhật Bản - Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể Di sản Huế”
Ngày cập nhật 28/10/2014

       Được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, vào ngày 25 tháng 10 năm 2014 tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư, kỹ sư toàn Nhật Bản và Đại học Waseda, Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bảo tồn Di sản kiến trúc gỗ Châu Á nhìn từ trường hợp Việt Nam và Nhật Bản-Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể Di sản Huế”.

      Tham dự hội thảo gồm 42 đại biểu trong và ngoài nước. Cụ thể, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; phía UNESCO, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện tại Việt Nam; ngoài ra, còn có PGS, Tiến sĩ Đặng Văn Bài-Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam; Tiến sĩ Trần Minh Đức - Giám đốc Phân viện KHCNXD Miền Trung; ông Mitsuhiko Nakamura - Giám đốc Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư xây dựng toàn Nhật Bản; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các sở, ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Di sản Văn hóa và các chuyên gia của tổ chức di tích và di chỉ khảo cổ quốc tế (ICOMOS).

      Phát biểu tại hội thảo, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam gởi lời cảm ơn chân thành đến chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ghi nhận những đóng góp thầm lặng của tập thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm BTDT Cố đô Huế, bà Katherine cũng gởi lời cám ơn chân thành đến các Giáo sư từ Đại học Waseda, Nhật Bản các tổ chức trong và ngoài nước đã luôn đồng hành, sát cánh cùng với Trung tâm BTDT Cố đô Huế trong việc bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa di sản của nhân loại.

     Thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Dung gởi lời cám ơn và chào mừng nồng nhiệt đến các kỹ sư, kiến trúc sư đến từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, gởi lời cám ơn đến tổ chức UNESCO. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nhấn mạnh vai trò của việc “Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể Di sản Huế” ông tin tưởng rằng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia trong và ngoài nước đặc biệt là các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Trung tâm BTDT Cố đô Huế sẻ tiếp thu và hoàn chỉnh kế hoạch góp phần quan trọng trong công tác trùng tu và bảo quản các giá trị trong quần thể di tích Huế.

      Được biết qua gần 1,5 thế kỷ tồn tại, triều Nguyễn đã để lại trên đất Huế một khối lượng di sản kiến trúc khổng lồ bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm đền đài với nhiều loại hình di sản kiến trúc gỗ đặc sắc. Theo đó, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam và Nhật Bản nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực nảy sinh từ những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và những biến đổi của tự nhiên, môi trường.

     Hội thảo này là cơ hội để các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và kỹ sư đến từ Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc của hai nước, từ đó đưa ra những định hướng trong tương lai cho việc bảo tồn bền vững và phát huy những giá trị của Quần thể di tích Huế-Di sản văn hóa thế giới.

     Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã có chuyến khảo sát thực địa những địa danh của Hoàng thành Huế như điện Kiến Trung, Chiêu Kinh, cổng Ngọ Môn...

Phạm Phùng Đại Thạch
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.208.966
Truy cập hiện tại 1.430