Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.212.908
Truy cập hiện tại 3.023
Quy hoạch phát triển KTXH tỉnh đến năm 2020
Ngày cập nhật 17/07/2009

I. Mục tiêu: 

Phát huy nhanh các tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí địa lý, tạo bước phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong những vùng phát triển năng động, một đầu cầu lớn về giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện vai trò hạt nhân tăng trưởng, thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

1. Các mục tiêu phát triển chủ yếu:

 - Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 11,0 - 12,0% thời kỳ 2006-2010, bằng 1,47 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước; thời kỳ 2011-2020 đạt trên 10,0%.

 - Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 40 đô la Mỹ năm 2005 lên 170 đô la Mỹ vào năm 2010, 400 đô la Mỹ vào năm 2020. 

 - Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010.

 - Tỷ lệ đô thị hoá đạt 40 - 45% vào năm 2010 và 55% vào năm 2020.

 - Phấn đấu đến năm 2010, đạt tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân cả nước; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 18 - 20%; 95 - 98% trẻ 5 tuổi được đi học mẫu giáo trước khi vào lớp 1; 100% các trường lớp được kiên cố hoá; 70% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 95% số hộ dùng nước sạch.

 2. Yêu cầu của Chương trình:

 - Các ngành, địa phương cần quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng chương trình hành động của ngành, cấp mình gắn với việc xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm được phân công.

 II. Nhiệm vụ:

 1 - Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá tạo bứt phá nhanh về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010. Khu công nghiệp Phú Bài, khu công nghiệp Chân Mây, các cụm công nghiệp-TTCN và làng nghề được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo thành các trung tâm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ. Khôi phục và phát triển nghề và làng nghề.

 2 - Dịch vụ được ưu tiên phát triển để Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm dịch vụ lớn của cả nước. Khai thác tốt các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, các trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao để phát triển đa dạng các loại hình chất lượng cao như du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tư vấn, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng..., để dịch vụ sẽ trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.  Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải, nhất là vận tải hàng hải, hàng không; đưa sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế du lịch, cảng Chân Mây thành một cảng trung tâm phân phối quốc tế, một cửa ngõ thông ra biển thuận lợi của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.  Trong giai đoạn 2006 - 2010, xây dựng hoàn chỉnh khu du lịch Quốc gia Bạch Mã - cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân - Đảo Sơn Trà. 

 3 - Phát triển toàn diện ngành thủy sản, cả nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng diện tích nuôi thâm canh, đa dạng hoá sản phẩm, hình thành các vùng nuôi an toàn theo quy chuẩn (GAP). Đầu tư đồng bộ cho phát triển đánh bắt xa bờ, hình thành các đội tàu gắn khai thác xa bờ với bảo vệ an ninh trên biển.

 4 - Ưu tiên đầu tư hoàn thành các công trình lớn về kết cấu hạ tầng giao thông (sân bay, cảng, giao thông liên vùng), hạ tầng đô thị, hạ tầng cho sản xuất, điện, nước ở khu vực nông thôn. Đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá, mở rộng thành phố Huế, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề hình thành các thị xã Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An.  

 5 - Hình thành Trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế. Đầu tư hoàn chỉnh đại học Huế với các thiết chế cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Xây dựng trường đại học quốc tế tại Huế.

 6 - Thành phố Huế được tập trung xây dựng và phát triển thành một trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, và giao dịch quốc tế, là khu vực hạt nhân cung cấp các dịch vụ đô thị cần thiết cho phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh và khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Phát triển thương hiệu du lịch Huế. Các dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý... được khuyến khích phát triển; trung tâm tài chính, trung tâm đối ngoại được xây dựng. Thu hút các hội nghị, hội thảo lớn để xây dựng Huế thành một trung tâm hội nghị, hội thảo có tầm quốc gia và quốc tế.

 Xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam, một trung tâm giao lưu văn hóa, du lịch, là diễn đàn văn hóa cộng động của Việt Nam, gắn giao lưu, hội nhập và phát triển với khu vực và thế giới.

 7 - Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Đô thị Chân Mây - Lăng Cô được đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển gắn với đầu tư xây dựng hoàn thiện các trục giao thông liên vùng và nội vùng; các khu chức năng đã được quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng Khu Phi thuế quan, cảng Chân Mây, khu du lịch Lăng Cô. Trong giai đoạn 2006 - 2010 đưa vào Khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu du lịch; xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thông tin quốc tế, hệ thống dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng và một số ngành nghề khác có trình độ và văn minh thương mại cao; phát triển khu công nghiệp Chân Mây.

III. Định hướng phát triển 

 1.Về công nghiệp:

 - Xây dựng các đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực có trình độ công nghệ hiện đại, có năng lực canh tranh như: công nghiệp chế biến thủy sản, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt, may, cơ khí sửa chữa và chế tạo, thuỷ điện, công nghiệp phần mềm...

 Tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài, Chân Mây, các cụm công nghiệp và làng nghề.

 Hoàn thiện mạng lưới truyền tải điện cao áp; nâng câp, cải tạo lưới điện trung, hạ thế. Xây dựng một số nhà máy thuỷ điện ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ và ở huyện A Lưới để bổ sung nguồn cung cấp năng lượng

 2.Về dịch vụ:

 - Xây dựng chiến lược tăng tốc các hoạt động dịch vụ. Xây dựng các đề án, dự án khai thác và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; gắn trung tâm du lịch Huế với các tuyến du lịch hành lang Đông - Tây, tuyến du lịch “Con đường di sản”, “đường Hồ Chí Minh huyền thoại”... khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa. Gắn phát triển du lịch với khai thác các sự kiện văn hóa, thể thao tầm quốc gia và quốc tế. Xây dựng hoàn chỉnh khu du lịch Bạch Mã - Lăng Cô- Hải Vân. Hình thành khu du lịch tổng hợp giải trí thể thao biển Cảnh Dương - Hải Vân - Đảo Sơn Chà. Phát triển các cụm, điểm du lịch sinh thái ở các huyện, khai thác du lịch rừng ngập mặn Ô Lâu, Rú Chá, Cổ Dù, du lịch sinh thái và đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai.

 Phát triển các dịch vụ chất lương cao như hàng không, hàng hải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục...

 - Xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ lớn ở Huế, Chân Mây, Phú Bài; phát triển khu thương mại cửa khẩu đất liền A Đớt - Tà Vàng từng bước khai thác trục hành lang Đông - Tây gắn với phát triển đô thị Chân Mây - Huế - A Lưới. Phát triển hệ thống dịch vụ ở các thị trấn, thị tứ. Mở rộng mạng lưới chợ nông thôn với nhiều quy mô khác nhau.

 3.Về nông, lâm, thủy sản:

  - Xây dựng các đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn phát triển các vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi với cơ sở chế biến. Xây dựng và triển khai các đề án ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ để tạo ra giống cây, giống con có chất lượng cao đưa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Mở rộng và nâng cao năng lực tưới tiêu các công trình thủy lợi; xây dựng hồ Tả Trạch và một số công trình thuỷ lợi quan trọng để điều hoà nguồn nước các con sông lớn và các tiểu vùng khí hậu.

 - Phát triển kinh tế rừng thành ngành kinh tế quan trọng gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Xây dựng và triển khai các dự án bảo vệ và phát triển vốn rừng, dự án xây dựng vườn đồi, vườn rừng tạo cảnh quan cho môi trường du lịch.

 - Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản trên vùng cát ven biển. Xây dựng và phát triển các trung tâm giống, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và bảo vệ thực vật, trạm quan trắc đầm phá, hệ thống kiểm dịch và phòng chống dịch bệnh. Xây dựng đề án tổ chức lại nghề đánh bắt xa bờ. Đầu tư hoàn chỉnh cảng Tư Hiền, Thuận An; các khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống đê bao vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai...

 4.Đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị:

 a - Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, gắn với việc khai thác tuyến hành lang Đông-Tây nối các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) với biển Đông qua sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây.

 b - Về giao thông: Đầu tư hoàn chỉnh cảng Chân Mây thành một cảng trung tâm phân phối quốc tế nối Đông và Tây; xây dựng sân bay Phú Bài - sân bay du lịch quốc tế; xây mới ga đường sắt tại khu vực Chân Mây, Lăng Cô phục vụ vận chuyển hàng hoá, hành khách qua lại khu kinh tế thương mại và khu du lịch quốc gia. Nâng cấp Quốc lộ 49A, 49B, nối đường Hồ Chí Minh với QL1A, tỉnh lộ 14b nối huyện Nam Đông với QL1A, hoàn thành đường 74 nối cửa khẩu S3 - đường Hồ Chí Minh - tỉnh lộ 14 - Quốc lộ 1A; xây mới đường 71 nối cửa khẩu S10 - đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Huế -Đà Nẵng, đường Hồ Chí Minh phía Đông, các cầu vượt đầm phá (cầu Ca Cút, Vĩnh Tu, cầu Tư Hiền), phát triển mạng lưới giao thông tiểu vùng, giao thông nông thôn. Tiếp tục đầu tư các tuyến vành đai 2, 3 và 4 thành phố Huế bao gồm cả hệ thống cầu trên tuyến.

 c - Về phát triển đô thị: Phát triển nhanh mạng lưới đô thị, trong đó thành phố Huế là hạt nhân được xây dựng “xanh - sạch - đẹp” với cơ sở hạ tầng của thành phố loại I hoàn chỉnh; ưu tiên đầu tư chỉnh trang, tôn tạo Hộ Thành Hào, bờ sông Hương, sông Ngự Hà; từng bước di dời, tái định cư dân Thượng thành; định cư dân vạn đò và giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lại các dòng sông trong thành phố.

 Phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô thành thành phố công nghiệp - thương mại - du lịch; xây dựng thị xã Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá ở các thị trấn trung tâm huyện lỵ: Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Khe Tre, Bình Điền, A Lưới (gồm cả Bốt Đỏ); các thị trấn trung tâm tiểu vùng Hoà Mỹ, Ưu Điềm, Điền Hải, Thanh Hà, Vinh Hưng, La Sơn, Nam Đông. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn. Duy trì và phát triển liên kết với các thành phố lớn, các đô thị trong vùng.

 Xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn ở đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; xây mới, nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước, hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh.

 Phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, phổ cập dịch vụ bưu chính, viễn thông ở nông thôn; phát triển mạng điện thoại di động cả phần dịch vụ và vùng phủ sóng; phát triển internet trong trường học và cộng đồng.

 5. Phát triển văn hóa - xã hội:

 a - Về phát triển văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng đề án giáo dục nếp sống văn minh đô thị; phát huy truyền thống văn hoá Huế; xây dựng các trung tâm giáo dục cộng đồng ở 100% xã, phường nhằm thực hiện chức năng là tụ điểm văn hóa thông tin, sinh hoạt cộng đồng của làng, thôn bản, tổ dân phố; 100% huyện có các thiết chế văn hóa - thể thao, thư viện. Nâng cao chất lượng và thời lượng phát thanh, truyền hình của địa phương, tăng thời thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc ở huyện Nam Đông, A Lưới. Nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh, đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh tốt. Đưa hệ thống thông tin liên lạc phủ sóng đến các vùng lõm của tỉnh.

 Tăng cường đầu tư bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tôn tạo và phát huy giá trị di tích địa đạo khu uỷ Trị Thiên. Đầu tư tôn tạo các công trình tưởng niệm, tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ, các di tích lịch sử cách mạng; xây dựng mới khu văn hóa, lễ hội Bắc Ngự Bình; khôi phục các khu phố cổ Chi Lăng - Bao Vinh.

 Phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao quần chúng. Tăng cường giáo dục thể chất trong các trường học. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao của cộng đồng. Hình thành Trung tâm thể thao phía Tây Nam thành phố Huế, Trung tâm võ thuật Huế; xây dựng khu liên hợp thể thao Chân Mây.

 b - Về xoá đói giảm nghèo, tăng cường cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cho khu vực nông thôn tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó, vùng dân tộc ít người nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Tổ chức định cư dân vạn đò ở thành phố Huế, dân thuỷ diện vùng đầm phá; hoàn thành xoá nhà ở tạm trước năm 2008. Hỗ trợ các dự án sản xuất hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản, các dự án công nghiệp thủ công và công nghiệp nhỏ nhằm tạo thu nhập và đa dạng hoá thu nhập cho cộng đồng dân cư có thể nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội đối với vấn đề bình đẳng về giới; đảm bảo điều kiện để phụ nữ thực hiện nhiệm vụ và tham gia đầy đủ, ngang bằng trong mọi hoạt động phát triển kinh tế -xã hội nhằm đẩy nhanh tiến trình XĐGN.

 c - Về Giáo dục, xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục ở từng cấp học, bậc học, đề án xã hội hoá giáo dục, có chiến lược phát triển thương hiệu giáo dục Huế. Phát triển giáo dục mầm non, chú trọng ở các xã vùng gò đồi miền núi, vùng đầm phá ven biển; củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi, phần đấu đạt chuẩn phổ cập THPT toàn tỉnh vào năm 2015. Nâng cao chất lượng trường dân tộc nội trú. Hoàn thành kiên cố hoá trường học, lớp học trước năm 2007; xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia.

 Phát triển mạng lưới trường trung học chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề, dạy ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu niên,.... tiến đến mỗi huyện có một trung tâm đào tạo hướng nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để từng bước chuyển các trường trung học  thương mại, công nghiệp, y tế, VHNT thành trường cao đẳng khi có đủ điều kiện; thu hút thêm các trường trung học chuyên nghiệp thuộc các Bộ, ngành Trung ương, chú trọng các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH. 

 Đầu tư hoàn chỉnh đại học Huế với các thiết chế cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và cả nước, xây dựng trường đại học quốc tế tại Huế.

 d - Về Y tế, hoàn thành xây dựng các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu; nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện đủ sức thực hiện việc khám, chữa bệnh tại địa phương có chất lượng, từng bước giải quyết việc giảm tải lên tuyến trên. Xây dựng đề án và cơ chế đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở cả Đông và Tây y (bao gồm cả nội dung đẩy mạnh xã hội hoá).

 e - Về Bảo vệ môi trường, xây dựng Chương trình phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ môi trường; quy chế về kiểm tra bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Ngăn ngừa và có giải pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường ven biển, đầm phá và lưu vực các dòng sông; sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước một cách hợp lý và bền vững.

 Tổ chức nghiên cứu chỉnh trị sông và bờ biển, xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phi công trình để chủ động phòng chống thiên tai, ngăn ngừa các sự cố môi trường như xâm thực, xói lở.... Xúc tiến nhanh dự án Chống xói lở bờ biển Hải Dương - Thuận An - Hoà Duân, bồi lắng cửa Tư Hiền, xói lở cửa sông, cửa biển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ thống hồ đập vùng cao, hệ thống cảnh báo lũ.

 Xây dựng Chiến lược phát triển bền vững -Agenda 21 của địa phương; triển khai mô hình điểm thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở đô thị Huế và khu du lịch Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân.

 g - Về đảm bảo quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các văn kiện tác chiến phòng thủ; lập đề án xây dựng khu vực phòng thủ biên giới đất liền và trên biển. Nâng cao trình độ chiến đấu của các lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biên giới đất liền và ven biển, các điểm quốc phòng quan trọng; đẩy nhanh tiến độ dự án đường cơ động ven biển; đường tuần tra biên giới đất liền; nâng cấp mở rộng đường 49B; hệ thống đường ngang nối vùng ven biển với vùng gò đồi miền núi; khu kinh tế - quốc phòng A So; rà phá bom mìn ở A Lưới; củng cố hệ thống các đồn, trạm biên phòng. Quan tâm phát triển kinh tế -xã hội, ổn định đời sống dân cư các xã biên giới, vùng ven biển, đầm phá, tạo thế liên hoàn giữa các vùng, đảm bảo thế trận vững chắc nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 h - Về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đề án Phát triển hệ thống chính trị cơ sở. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ. Xây dựng đề án Chính sách đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Có cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp về công tác ở cấp huyện, xã./.

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày