Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.453.080
Truy cập hiện tại 8.083
Nâng tầm ngoại giao kinh tế
Ngày cập nhật 27/02/2008


Vai trò ngoại giao kinh tế

Ngoại giao kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của đất nước, bên cạnh hai nhiệm vụ ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hoá. Điều này đã được thể chế hoá bằng Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, đại sứ mỗi nước được coi là mắt xích quan trọng nhất, cùng với những tham tán kinh tế, tham tán thương mại đóng vai trò đột phá thu hút đầu tư, mở đường cho hàng hoá trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài.

Ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ hợp tác đầu tư trực tiếp với 81 nước và vùng lãnh thổ. Riêng về thương mại, hiện có hơn 60 cơ quan thương vụ ở nước ngoài, với gần 200 cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, còn có những cơ quan đại diện đặt bên cạnh những tổ chức quốc tế; và đội ngũ tham tán kinh tế nằm trong biên chế các đại sứ quán. Đây chính là đội ngũ “tham mưu tiền phương” về kinh tế đối ngoại của đất nước mà Chính phủ cũng như các doanh nhân đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự hoàn thành nhiệm vụ của họ.

 

Công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2007

Năm 2007 hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta đã thu được những thành tựu nổi bật, như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 20,3 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2006;  vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, lượng kiều hối, khách du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động…đều tăng mạnh.

Trong  năm 2007, các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước ta liên tiếp có những chuyến thăm  chính thức tới các quốc gia Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Xingapo… Những chuyến thăm như vậy không chỉ dừng lại ở những nghi lễ ngoại giao, trao đổi chung về thể chế, chính sách, mà còn tạo cơ hội để có được những thoả thuận kinh tế lâu dài, trị giá hàng chục tỷ USD. Các tập đoàn, doanh nghiệp trong thành phần đoàn tháp tùng lãnh đạo cao cấp đã tận dụng cơ hội để tìm hiểu đối tác, học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước và ký kết hợp đồng kinh doanh. Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ hồi tháng 7/2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, doanh nghiệp hai nước đã ký kết hơn 20 hợp đồng, bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác kinh tế trị giá 11,5 tỷ USD. Trong chuyến thăm chính thức Xingapo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết, thoả thuận thương mại trị giá 11 tỷ USD và nhiều doanh nghiệp các nước cũng đã ký kết đầu tư với nước ta hàng chục tỷ USD.

Qua những chuyến thăm đó, hình ảnh Việt Nam được nâng cao rõ rệt. Các công ty đa quốc gia đã coi Việt là một thị trường lớn ở châu Á với nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh . Tháng 9/2007, các doanh nghiệp từ xứ sở dầu lửa là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), với thế mạnh về năng lượng, hoá dầu, cảng biển đã đến Việt Nam tìm cơ hội và ký kết đầu tư. Cũng trong năm 2007, đã có 23 công ty tham gia đoàn do Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ dẫn đầu đến Việt Nam (trong đó có hơn một nửa nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới) tìm cơ hội, đối tác đầu tư làm ăn lâu dài.

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của công tác kinh tế đối ngoại trong tình hình mới, các nhà ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan thương vụ, các cơ quan đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài đều nhận thấy kết quả hoạt động của mình còn không ít hạn chế. Việc cập nhật thông tin và dự báo cho trúng tình hình kinh tế ở địa bàn sở tại để cung cấp kịp thời cho trong nước vẫn chưa làm được tốt. Năng lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết những tranh chấp thương mại, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tiếp thị và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn yếu. Thực trạng đó đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục để nâng tầm ngoại giao kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập ngày càng tăng của nền kinh tế.

 

Phương hướng đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong thời gian tới

Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế là yêu cầu tất yếu hiện nay của sự phát triển đất nước. Đây không phải chỉ là việc riêng của ngành Ngoại giao mà là công việc của cả nước nhưng các nhà ngoại giao cùng với các tham tán kinh tế, tham tán thương mại phải là những người đi tiên phong.

Đối với ngành ngoại giao, công tác trọng tâm “Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế” năm 2007 đã đạt được những thành tích đáng kể, đặc biệt trong việc mở rộng các mối quan hệ của đất nước với các đối tác quan trọng. Để góp phần tận dụng những cơ hội của việc tham gia WTO, trong những năm tới, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục tạo dựng và khai thác tối đa, hiệu quả các mối quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước để tạo những “cú hích” trong hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục…đặc biệt những dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng, dịch vụ có tác động lan toả, tích cực, lâu dài đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ngành Ngoại giao sẽ phát huy hơn nữa tính chủ động và sáng tạo trong việc phối hợp các hoạt động ngọai giao nhà nước với hoạt động doanh nghiệp, duy trì và phát triển quan hệ tốt với các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài, tìm hiểu nhu cầu, vận động và hỗ trợ làm ăn với Việt Nam. Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động khác như: nâng cao hình ảnh quốc gia, phối hợp quảng bá, xúc tiến đầu tư-thương mại, đẩy mạnh công tác tìm kiếm các thị trường mới cho xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tháng 12/2007, Bộ Ngoại giao và UNDP đã phối hợp tổ chức thành công cuộc toạ đàm về ngoại giao kinh tế, bước đầu triển khai dự án “Tăng cường năng lực trong công tác ngoại giao kinh tế và Đối thoại chính sách giữa Chính phủ với doanh nghiệp” được ký kết trước đó giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và UNDP. Mục tiêu hàng đầu của dự án là nâng cao năng lực của Chính  phủ trong việc thực hiện công tác ngoại giao kinh tế, bao gồm đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngoại giao.

Dự án giúp Bộ Ngoại giao tiếp cận cộng đồng doanh nhân thế giới một cách hiệu quả hơn, nhằm hỗ trợ mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn của đất nước ta. Dự án sẽ soạn thảo một kế hoạch tổng thể về Ngoại giao kinh tế, tập hợp các chương trình và kế hoạch hiện tại vào một khung chiến lược chung, trình Chính phủ chính thức phê chuẩn. Bộ Ngoại giao bảo trợ cho các sáng kiến kết nối Chính phủ và doanh nghiệp dành riêng cho Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin giữa các nhà lãnh đạo đất nước và doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thương vụ, tại Hội nghị tham tán thương mại 2008 tổ chức ngày 20/2/2008 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các tham tán thương mại cần phải nhận thức rõ trách nhiệm đối với đất nước; ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những lợi thế về thị trường, ưu đãi thuế quan trong công tác mở rộng thị trường, các tham tán cần tích cực hơn nữa trong việc đấu tranh với các rào cản thương mại của các nước sở tại, đồng thời cảnh báo sớm các nguy cơ dẫn tới các vụ kiện chống bán phá giá cho các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng trong nước.

Để có thể giảm nhập siêu, một giải pháp quan trọng được Chính phủ và các cơ quan hữu quan đề ra là tăng xuất khẩu. Vì vậy, đại diện thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tham tán thương mại có thể đề xuất chính sách tăng hoặc giảm xuất khẩu những mặt hàng có khả năng hoặc không có khả năng. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với một số mặt hàng có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu mạnh như rau quả, cơ khí, sản phẩm chất dẻo, thủ công mỹ nghệ, các tham tán thương mại cần hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin về cơ chế chính sách nhập khẩu của các nước sở tại. Đối với những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU…các tham tán có thể kiến nghị xem còn có thể mở rộng thêm được những mặt hàng gì để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác thương vụ cần khắc phục trong năm 2008 như chủ động đổi mới phương thức hoạt động theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới; công tác thông tin, tư vấn tham mưu nhất là đối với những vấn đề mang tính chính sách và chiến lược. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết trong thời gian ngắn nhất, Bộ Công Thương sẽ ban hành qui định công việc của cơ quan thương vụ để thống nhất vai trò và vị trí của từng thương vụ tại từng thị trường, khu vực. Về công tác thông tin, Bộ Công thương sẽ hoạch định lại hệ thống liên lạc với thương vụ, công nghệ thông tin, nâng cấp cổng điện tử của Bộ Công thương để đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả thông tin thương vụ.

Với những nỗ lực đó, trong những năm tới, ngoại giao kinh tế Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước./.

Báo Thế giới & Việt Nam số 52 từ ngày 10/11 đến 16/11/2007; Chuyên trang Kinh tế Đối ngoại B
Các tin khác
Xem tin theo ngày