Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.215.374
Truy cập hiện tại 4.031
Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Những bước phát triển vượt bậc
Ngày cập nhật 22/06/2016

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Từ ngày 26-28/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) mở rộng tại Mie, Nhật Bản, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được đánh giá là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Phát triển không ngừng

Từ năm 2002 đến nay, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Năm 2002, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi (4/2002), hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.

Năm 2004 hai bên xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”; năm 2006 là “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”.

Năm 2007, hai bên đã ký Tuyên bố chung về việc “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”.

Năm 2009, hai bên đã ký Tuyên bố chung về "Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á", nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước đầu tiên trong các nước G-7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (nước tiếp theo là Anh năm 2010, Đức năm 2011).

Năm 2010, hai bên xác định "phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á".

Năm 2011, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản".

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.

Tháng 9/2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra “Tuyên bố Về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản”.

Đối tác kinh tế hàng đầu

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. 

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt trên 28 tỷ USD năm 2015 và khoảng 6,4 tỷ USD trong quý I/2016; là nhà đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký trên 39 tỷ USD tính đến ngày 20/4/2016.

Nhật Bản còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Từ năm 1992 đến hết tài khóa 2014, Nhật Bản đã cam kết hơn 27 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2015, Nhật Bản cam kết vốn vay ODA cho Việt Nam khoảng 2,5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều dự án của Nhật Bản đã hoàn thành đưa vào khai thác rất hiệu quả, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Điển hình gần đây có 3 dự án hạ tầng lớn ở Thủ đô Hà Nội gồm cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Quốc tế Nội Bài, nhà ga T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đều được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

Bên cạnh đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nhân lực bậc cao; hiện có khoảng hơn 45.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam.

Trường Đại học Việt-Nhật được thành lập ngày 21/7/2014 là trường đại học thành viên thứ 7 thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được xây dựng theo mô hình các trường đại học tiên tiến của Nhật Bản, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học chất lượng quốc tế.

Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Đến nay, 23 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký văn bản hợp tác.

(Nguồn chinhphu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày