Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.340.304
Truy cập hiện tại 956
Thị trường Hoa Kỳ - Những điều cần lưu ý
Ngày cập nhật 20/07/2015

Hoa Kỳ - Nồi lẩu thập cẩm

Nhiều người ví Hoa Kỳ như một cái nồi lẩu thập cẩm bởi đây là một quốc gia đa-chủng tộc, nơi sinh sống của nhiều người có nhiều nguồn gốc quốc gia và chủng tộc khác nhau. Các cộng đồng đang sinh sống ở Hoa Kỳ đều có những bản sắc riêng của họ, kể cả ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục.

Khác với một số nền văn hóa khác, nhìn chung, người Mỹ rất coi trọng tự do cá nhân và tính tự lập. Chủ nghĩa cá nhân dẫn đến một tính cách nổi bật của người Mỹ là cạnh tranh và luôn chấp nhận mạo hiểm. Người Mỹ thường quan niệm:“Nếu hành động trong mạo hiểm sẽ có một nửa cơ hội thành công và một nửa nguy cơ thất bại, nhưng nếu không hành động thì không có gì cả. Vậy, nên hành động để có thể thành công”.

Phong cách chung của doanh nhân Mỹ là ít chú ý đến nghi lễ, đi thẳng vào vấn đề và muốn có kết quả nhanh. Họ muốn dành chiến thắng về phần mình, song cũng sẵn sàng thỏa hiệp trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ở Hoa Kỳ, “có đi có lại” hay “hai bên cùng thắng” là nguyên tắc quan trọng trong đàm phán chính trị cũng như trong kinh doanh. Họ không ngại ngùng khi trả lời “tôi không biết”, hoặc “tôi không phụ trách việc này”. Tuy nhiên, người Mỹ thường sẵn sàng chỉ cho bạn biết bạn phải hỏi ai hoặc tìm ở đâu để có những thông tin mà bạn cần, hoặc ai là người phụ trách việc mà bạn quan tâm.

Người Mỹ muốn biết trước nội dung cuộc gặp, vai trò và quyền hạn, và thậm chí cả thân thế sự nghiệp của khách. Họ cũng thường rất đúng giờ. Sự chậm trễ được hiểu là thiếu quan tâm, coi thường đối tác hoặc kém cỏi trong sắp xếp thời gian.  

Thách thức thâm nhập ra sao?

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh cả về quy mô và giá trị. Tính đến thời điểm này, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 29 tỷ USD.

Mặc dù là thị trường tiềm năng song đây cũng là thị trường có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể:

Một là, năng lực xuất khẩu của Việt Nam còn yếu mà thể hiện rõ nhất ở điểm quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam thường nhỏ và khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu còn yếu nên sẽ khó đáp ứng các đơn hàng lớn.

Hai là, cạnh tranh xuất khẩu vào Hoa Kỳ rất gay gắt và khốc liệt. Trong khi doanh nghiệp của chúng ta chỉ mới bắt đầu thâm nhập thị trường này từ năm 2002, thì rất nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia khác đã dừng chân trên thị trường này từ rất lâu.

Ba là, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều chính sách, đạo luật như hạ mức hạn ngạch, áp mức thuế cao, thiết lập các hàng rào kỹ thuật và an toàn sản phẩm cao cho các mặt hàng như nông thủy sản, thực phẩm và dệt may, mà những mặt hàng này lại là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam nên rõ ràng bất lợi mà doanh nghiệp chúng ta gặp phải là không hề nhỏ.

Bốn là, cước phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa sang Hoa Kỳ thường rất cao và rất lâu so với các nước khác.

Năm là, Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường do đó đương nhiên sẽ phải chịu nhiều bất lợi và thua thiệt trong các vụ tranh chấp thương mại tại thị trường này, nhất là trong những vụ bị kiện về bán phá giá.

Sáu là, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vốn kiến thức về pháp luật Mỹ của nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam còn hạn chế

Cần nghiên cứu kỹ thị trường

Để có thể thành công trong việc xâm nhập thị trường Hoa Kỳ và tiến tới có chỗ đứng vững chắc tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, và cần chú ý đến các vấn đề sau đây:

Tìm hiểu nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ đối với từng sản phẩm của doanh nghiệp: Một doanh nghiệp Việt Nam chuyên sản xuất đồ gỗ giả cổ châu Á đã nếm trải bài học thất bại khi đem sản phẩm đi triển lãm tại một hội chợ về đồ gỗ tại Hoa Kỳ và không nhận được bất kỳ sự quan tâm nào tại đây.

Cần phải xem xét và đánh giá một cách cẩn thận và kỹ lưỡng xem sản phẩm của doanh nghiệp đã đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường hay chưa: Đó là đánh giá các tiêu chí về giá cả, quy cách sản phẩm, màu sắc, nhãn mác, bao gói sản phẩm hay hàm lượng hóa chất sử dụng trong sản xuất... Thâm nhập vào thị trường phức tạp, khó tính và đắt đỏ như Hoa Kỳ đòi hòi ở doanh nghiệp xuất khẩu một nguồn lực dồi dào về cả nhân lực và tài chính. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu và xác định kênh phân phối hoặc đối tácphù hợp mình hướng tới để từ đó lựa chọn những phương thức xúc tiến phù hợp và đạt hiệu quả nhất. Với quy mô nhỏ của các doanh nghiệp, việc chọn lựa cạnh tranh dựa trên giá cả sẽ là bất lợi lớn đối với doanh nghiệp vì phụ thuộc các yếu tố như giá nguyên liệu, giá vận chuyển, mức thuế áp...,

Nên chọn lọc, tham dự các hội chợ chuyên ngành thường niên được tổ chức tại nhiều bang với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau để không những giới thiệu được các sản phẩm mới mà còn là dịp gặp gỡ khách hàng quen để củng cố và tăng cường mối quan hệ kinh doanh.

Và cuối cùng là phải tìm hiểu kỹ đối tác kinh doanh. Các thông tin về đối tác trên mạng Internet, từ Chính quyền sở tại, từ Đại sứ quán Việt Nam, từ Thương vụ là những nguồn tin mà doanh nghiệp có thể dựa vào đó để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh.

http://ngktonline.mofa.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày