Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.208.780
Truy cập hiện tại 1.332
Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Lời khuyên nào cho DN?
Ngày cập nhật 16/06/2015

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - Cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam”.

Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (ngày 29/5). Dự kiến trong tháng 6 này, Việt Nam sẽ tiếp tục ký FTA với Liên minh châu Âu.

Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Đây là một bước ngoặt, đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế-chính trị, an ninh, văn hóa-xã hội.

Tại hội thảo, ông Jeffrey Pirie, Giám đốc điều hành Deloitte Singapore cho biết: Theo kết quả khảo sát ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong khu vực do Deloitte tiến hành, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam được cho là sẽ có lợi nhất khi AEC thành lập.

Trong đó, những ngành hàng mà DN Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều là hàng tiêu dùng, y tế, sản xuất, bất động sản, công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Theo Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú, hội nhập tạo ra cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết kinh doanh, giao lưu, học hỏi, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý giữa các nước tham gia.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Đó là, nền kinh tế, cộng đồng DN Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trong khi quy mô nền kinh tế, DN còn nhỏ bé và năng lực cạnh tranh còn thấp.

Hơn nữa, các dòng vốn đầu tư, hàng hóa thâm nhập mạnh vào Việt Nam ở quy mô lớn, nếu không có sự điều tiết hợp lý, sẽ có thể làm tăng mất cân đối vĩ mô. Việc tham gia các hiệp định chung (nhất là cộng đồng kinh tế chung) sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quyền tự quyết của mỗi nước trong việc ban hành một số chính sách phát triển kinh tế. Những thách thức về nguồn nhân lực (rủi ro chảy máu chất xám), tranh chấp thương mại-đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ…. cũng là những rủi ro cần tính đến.

Tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng sở dĩ Việt Nam quyết định hội nhập kinh tế quốc tế là để mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ từ bên ngoài. Cùng với quá trình đổi mới về mọi mặt, Việt Nam đã có sự đổi mới tư duy về thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn gặp một số hạn chế như: Nhiều cán bộ quản lý các cấp lẫn lãnh đạo DN chưa nắm sâu, còn nhiều lúng túng trong hành động; Hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều sự chồng chéo, không thật rõ ràng, nhất quán; Cơ sở hạ tầng còn yếu kém; Chất lượng, hiệu quả xuất khẩu của các DN trong nước vẫn hạn chế; Dòng vốn FDI tăng cao nhưng tỷ trọng công nghệ cao chưa nhiều; Kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường vốn còn hạn chế.

Đưa ra lưu ý với các DN, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Để nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh, các DN cần hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro, biến động; Cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, “chen chân” sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; Cần chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá".

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho biết: Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Đơn cử là cam kết các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%.

"Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu nhiều hơn, cần có chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Vì vậy, để thích ứng với bối cảnh mới, ngành Ngân hàng cần cam kết giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư, tư vấn", ông Lực nói.

Các ngân hàng cần nghiên cứu sâu tác động của các FTA, nhằm tư vấn cho DN về hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại, hỗ trợ nâng cao trình độ quản trị DN và quản lý rủi ro theo thông lệ, từ đó nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa.

http://baodientu.chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày