Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.362.035
Truy cập hiện tại 1.696
Những yêu cầu mới đối với hội nhập kinh tế trong khuôn khổ đa phương
Ngày cập nhật 07/11/2014

Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra đường lối “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế nước ta nói chung và trong khuôn khổ đa phương nói riêng, nhằm phục vụ thời kỳ chiến lược mới của đất nước.

Thực tiễn triển khai trong hơn ba năm qua khẳng định tầm quan trọng hơn bao giờ hết của hội nhập kinh tế trong các khuôn khổ đa phương trong phát triển, nâng cao vị thế đất nước nói chung và trong việc triển khai đường lối đối ngoại nói riêng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm rõ hơn nhận thức và xác định những việc cần triển khai để đưa hội nhập kinh tế nước ta trong các khuôn khổ đa phương đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Hội nhập, liên kết kinh tế trong các khuôn khổ đa phương là xu thế lớn trong cục diện quốc tế đa tầng nấc

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, xu thế chung là liên kết kinh tế tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác tiểu vùng, khu vực, liên khu vực cũng như toàn cầu ngày càng được đề cao và gia tăng mạnh mẽ. Thông qua đẩy mạnh tham gia, đề xuất hoặc dẫn dắt các cơ chế, diễn đàn và liên kết đa phương, các nước lớn và cả các nước vừa và nhỏ đều muốn tạo dựng thế đối ngoại hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, tranh thủ nguồn lực nhằm phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mang tầm toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế của mình trong cục diện mới.

Với sự thay đổi tương quan sức mạnh kinh tế giữa các trung tâm, đặc biệt là Trung Quốc vươn mạnh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2010, cục diện liên kết kinh tế trong các khuôn khổ đa phương có những đặc điểm nổi bật là:

Thứ nhất, mặc dù cạnh tranh, cọ xát giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các nước lớn, diễn ra gay gắt, hợp tác, liên kết gia tăng mạnh, các tập hợp lực lượng diễn ra linh hoạt và phức tạp hơn, theo hướng đa tầng nấc, lợi ích kinh tế đan xen với tính toán chiến lược, an ninh. Các định chế, cơ chế đa phương hiện có tiếp tục củng cố và mở rộng, đồng thời hình thành nhiều liên kết mới, đan xen. Các khuôn khổ BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng châu Âu (EU), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Cấp cao Đông Á, ASEAN và hợp tác với các đối tác, các liên kết ở Đông Bắc Á, Nam Á, Vùng Vịnh, Nam Mỹ… đều nỗ lực mở rộng thành viên và đưa hợp tác đi vào chiều sâu.

Thứ hai, xu hướng cải cách quản trị toàn cầu, nhất là các cơ chế Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…, theo hướng dân chủ hơn, với vai trò gia tăng của các nước đang phát triển.

Thứ ba, trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới chuyển dịch từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, trong đó châu Á – Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng toàn cầu và đi đầu xu hướng liên kết đa tầng nấc.

Thứ tư, các đàm phán tự do thương mại phát triển mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt trong liên kết kinh tế ở hầu khắp các khu vực, trong đó châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu với Cộng đồng ASEAN, Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản...

Thứ năm, nội hàm của hội nhập, liên kết kinh tế trong các khuôn khổ đa phương được mở rộng mạnh mẽ, sâu rộng hơn, gắn với hầu hết các lĩnh vực, nhất là phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Nhiều cơ chế tầm toàn cầu được hình thành và củng cố nhằm tăng cường phối hợp chính sách và nguồn lực ứng phó các thách thức chung, trong đó có các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm nghèo, đối tác phát triển, mô hình tăng trưởng bền vững, kết nối, bình đẳng giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, dịch bệnh, thiên tai...

Những yêu cầu mới đối với hội nhập kinh tế nước ta trong khuôn khổ đa phương

Bước sang thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện và tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập kinh tế nước ta trong khuôn khổ đa phương đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ hoàn toàn khác trước.

Một là, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và đặc biệt trong khuôn khổ đa phương cần gắn bó chặt chẽ và phục vụ mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Hai là, hội nhập kinh tế nước ta nói chung và trong khuôn khổ đa phương ngày càng mang tính đa ngành, liên ngành, đa tầng nấc. Đây là xu thế khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, các nội hàm liên kết kinh tế trở nên rộng hơn, sâu hơn rất nhiều, đan xen kinh tế với chính trị, chiến lược, với nhiều đối tác hơn và trên các tầng nấc. Đồng thời, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, giáo dục... mở ra cho hội nhập kinh tế trong khuôn khổ đa phương nước ta những khả năng mới, tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau của hội nhập trong từng lĩnh vực.

Ba là, phát triển bền vững trở thành nội hàm quan trọng của hội nhập kinh tế nước ta trong khuôn khổ đa phương.

Bốn là, tình hình trên đòi hỏi các Bộ, Ban, ngành làm công tác kinh tế đa phương phải đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận trong đánh giá tình hình, đề xuất chính sách và triển khai các hoạt động đa phương theo hướng “chủ động đóng góp, khởi xướng sáng kiến” để góp phần xử lý các vấn đề, quan tâm chung. Tư duy mới là phù hợp với xu thế đổi mới cách tiếp cận, cách làm, cách thức quản trị, điều hành trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu hiện nay.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong các khuôn khổ đa phương đi vào chiều sâu

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, nước ta sẽ phải hoàn tất nhiều cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015–2020, trong đó có xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia xây dựng và triển khai Tầm nhìn ASEAN sau 2015, các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) năm 2015 và tham gia xây dựng Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015, các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, các mục tiêu Bogor vào năm 2020… Đồng thời, ta sẽ phải hoàn tất các cam kết FTA, gồm 8 FTA đã ký trong khuôn khổ ASEAN và song phương, và hoàn tất đàm phán và thực thi 6 FTA mới, với các đối tác hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên minh hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan, Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hàn Quốc. Theo đó, để nâng tầm hội nhập kinh tế nước ta trong các khuôn khổ đa phương, nước ta sẽ cần tập trung triển khai một số biện pháp sau đây:

Trước hết, ta cần chủ động triển khai các biện pháp theo lộ trình thực hiện các cam kết, nghĩa vụ trong các tổ chức kinh tế, thương mại quốc tế và các FTA, đồng thời tận dụng các cơ hội đa dạng hóa thị trường, khai thác có hiệu quả các thị trường có FTA. Đây là một nội hàm hoàn toàn mới của mặt trận đa phương nước ta, vừa tạo sức bật mới cho phát triển và vị thế đất nước vừa đặt ra những thách thức không nhỏ.

Nước ta cũng cần chủ động tham gia, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp cho hợp tác, liên kết kinh tế trong các khuôn khổ đa phương, trong đó coi trọng xây dựng Cộng đồng ASEAN, các cơ chế tiểu vùng sông Mekong, nâng cao hiệu quả tham gia diễn đàn APEC và các khuôn khổ hợp tác khác ở châu Á – Thái Bình Dương… Đồng thời, tăng cường đóng góp tại các cơ chế đa phương WTO, các cơ quan phát triển và kinh tế của Liên hợp quốc, diễn đàn ASEM, Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ La tinh (FEALAC), Nhóm CIVETS...

Ta cũng cần tích cực hợp tác và đóng góp hiệu quả trong việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng…, cũng như thúc đẩy hợp tác về kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa đói giảm nghèo… là những lĩnh vực ta có nhu cầu tranh thủ hợp tác quốc tế và có thể phát huy thế mạnh.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế trong khuôn khổ đa phương cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần chú trọng thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp vào các diễn đàn đa phương như APEC, ASEM, WEF và tăng cường khả năng của các địa phương tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế.

Cuối cùng, vấn đề then chốt là cần cải tiến, đổi mới cơ chế thông tin, phối hợp giữa các Bộ, ngành để chủ động và linh hoạt xử lý các vấn đề đa phương, kịp với những chuyển biến của liên kết kinh tế quốc tế và khu vực. Cần coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ mới.

Nguyễn Nguyệt Nga
Đại sứ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao.

Các tin khác
Xem tin theo ngày