Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.490.336
Truy cập hiện tại 16.141
Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN tới việc dịch chuyển lao động có tay nghề
Ngày cập nhật 22/10/2014

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015 sẽ khiến ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung có hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nguồn vốn và lao động có tay nghề được lưu chuyển tự do. Điều này có khả năng thúc đẩy GDP của khu vực thêm 7,1% vào năm 2025 và tạo thêm 14 triệu việc làm. Tuy nhiên, lợi ích trên sẽ không được phân phối đồng đều giữa các quốc gia, khu vực hoặc nhóm nghề khác nhau. Hiện tại, ASEAN đang tích cực tiến hành các cuộc thảo luận về tác động của AEC tới triển vọng việc làm của khu vực dưới sự tác động của hai yếu tố chính: (i) Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế trong nước; và (ii) Sự gia tăng chuyển dịch tự do của lao động có tay nghề thông qua Hiệp định công nhận lẫn nhau về Dịch vụ chuyên nghiệp (MRA)

Về sự thay đổi về cơ cấu kinh tế trong nước

AEC có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch, theo đó, một số lĩnh vực và ngành nghề có khả năng phát triển theo tiến trình hội nhập ASEAN. Hiện tại, dù có suy giảm, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực cung cấp tới 40% việc làm và là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất ở các nước như CPC, Lào, TL và VN. Trong khi đó, dịch vụ đóng vai trò quan trọng tại SGP, BRN, MLS, PLP, IDN và cung cấp 41% tổng việc làm trong khu vực. Tuy vậy, một số ngành dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, lại có năng suất và thu nhập không nhiều hơn đáng kể, thậm chí thấp hơn so với khu vực nông nghiệp, và thường cung cấp phần lớn công việc mang tính bấp bênh.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), ước tính đến năm 2025, với sự tồn tại của AEC, tổng cộng sẽ có 14 triệu việc làm mới được tạo ra tại 6 nước (CPC, IND, Lào, PLP, TL và VN) so với năm 2010, trong đó VN có thêm 6 triệu việc làm, IND thêm 1,9 triệu và CPC thêm 1,1 triệu. Về cơ cấu, 6 nước này sẽ có thêm việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng với đó là thương mại, giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất. Tuy nhiên, việc làm ở một số lĩnh vực này được cho là bấp bênh và tạm thời. Ví dụ, ở VN, hai phần ba số công việc tạo ra nhờ AEC trong năm 2025 là bấp bênh. Bên cạnh đó, mất việc có thể xảy ra với các ngành chế biến thực phẩn, dịch vụ tư và khai khoáng.

Tác động đối với thị trường lao động cũng được thể hiện trong sự thay đổi về nhu cầu nghề nghiệp. Theo đó, nhu cầu lao động có tay nghề cao như quản lý, chuyên gia, kĩ sư sẽ phát triển với tốc độ nhanh nhất trong khi nhu cầu lao động có kỹ năng và thu nhập thấp hoặc trung bình như dịch vụ, bán hàng, nông nghiệp, thủy sản, vận hành nhà máy, thiết bị, thủ công, buôn bán sẽ nhiều nhất. AEC có khả năng làm tăng năng suất, đặc biệt tại các nước kém phát triển hơn như CPC, Lào, MYN và VN, từ đó tạo ra một số lợi ích tương ứng về tiền lương.

Về Hiệp định công nhận lẫn nhau về Dịch vụ chuyên nghiệp (MRA)

Hiệp định cho phép các quốc gia thành viên công nhận việc giáo dục, dịch vụ, giấy phép và cấp giấy chứng nhận từ một nước khác trong 7 ngành nghề (kỹ thuật; kiến trúc; điều dưỡng; kế toán; dịch vụ khảo sát; y tế và nha khoa) và một số tiểu mục trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, dịch vụ kỹ thuật và kiến trúc sẽ được công nhận trong toàn bộ ASEAN, các lĩnh vực còn lại được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán MRAs song phương và đa phương. Đây được xem như là công cụ để các nền kinh tế ASEAN thúc đẩy việc di chuyển chuyên gia trong khu vực trên cơ sở tự nguyện chứ không phải theo các cam kết ràng buộc.

Tuy vậy, tác động của MRA sẽ rất hạn chế bởi hai lý do: (i) Các ngành nghề trên chỉ chiếm 1% lao động tại 6 nước (CPC, IND, Lào, PLP, TL, VN); và (ii) Các quy tắc và quy định của các nước thành viên vẫn được áp dụng song song với MRA và tạo ra rào cản đổi với việc dịch chuyển lao động.

Như vậy, có thể kết luận sự ra đời của AEC sẽ không dẫn đến sự thay đổi ngay lập tức thị trường lao động ASEAN. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần chuẩn bị cho những thay đổi ngay từ bây giờ. Theo đó, để có thể cạnh tranh và giải quyết khác biệt về cung cầu trong tương lai, chính sách quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, để giải quyết sự phân phối lợi ích không đồng đều giữa các quốc gia cũng như ngành nghề và giới tính, các nước cần có những chính sách hài hòa và chặt chẽ ở cấp khu vực và quốc gia liên quan đến việc thực hiện cơ chế bảo trợ xã hội; mở rộng các MRA sang các nghề có kỹ năng trung bình; phê duyệt các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO để tạo một sân chơi bình đẳng trong khu vực cho người lao động và doanh nghiệp; bảo vệ lao động di cư phù hợp với Tuyên bố Cebu của ASEAN; thúc đẩy bình đẳng giới; và đảm bảo chất lượng thông tin về thị trường lao động.

Việc tạo ra được những tác động đáng kể phần lớn phụ thuộc vào hành động và sự sẵn sàng thay đổi của các nền kinh tế thành viên. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần trao đổi rõ ràng về định hướng chính sách của mình để thuyết phục các cơ quan chuyên môn chia sẻ cùng một mục tiêu và tầm nhìn.

(Nguồn: Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN)

Các tin khác
Xem tin theo ngày