Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.490.336
Truy cập hiện tại 408
Việt Nam - EU nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán FTA
Ngày cập nhật 22/10/2014

Đàm phán EVFTA đã tới chặng cuối cùng, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA Trần Quốc Khánh hai bên đều đang thể hiện quyết tâm cao nhằm mục tiêu cơ bản hoàn tất đàm phán trong thời gian ngắn nhất.

Xin ông đánh giá về triển vọng hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết? FTA này có tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có những bước phát triển hết sức tích cực trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 33,8 tỷ USD vào năm 2013; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng gần 8,7 lần và nhập khẩu từ EU về Việt Nam tăng hơn 7,3 lần. Về đầu tư, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam với gần 1400 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD.

            Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau, rất ít lĩnh vực mà 2 bên cạnh tranh đối đầu. Vì vậy, cả Việt Nam và EU đều tin tưởng hiệp định thương mại tự do song phương sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Riêng với Việt Nam, các lợi ích chính sẽ là:

            Thứ nhất, EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà ta có thế mạnh, góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

             Thứ hai, EVFTA sẽ giúp ta thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể.

            Thứ ba, EVFTA sẽ thiết lập cơ chế ưu đãi ổn định cho hàng xuất khẩu của Việt Nam mà không phụ thuộc vào Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Hiện nay, EU vẫn định kỳ xem xét và có thể rút lại ưu đãi GSP theo các tiêu chí riêng của EU mà ta không can thiệp được. EVFTA cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, giúp hàng xuất khẩu của ta không phải chịu sự phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU.

            Cuối cùng, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng của EU, nước ta có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành.

 

            Ông có thể cho độc giả biết rõ hơn những lợi ích các bên, quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và EU khi tham gia hiệp định thương mại song phương?

            Như tôi đã nói ở trên, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung lẫn nhau rất mạnh. Ví dụ, trong thương mại hàng hóa, EU có nhu cầu lớn về sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản nhiệt đới và đồ gỗ. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh, đã tạo được uy tín với người tiêu dùng EU và hiện chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu từ EU như máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, dược phẩm... đều hoặc là đầu vào cho sản xuất, hoặc là hàng tiêu dùng thiết yếu mà ta chưa sản xuất được.

            Theo một nghiên cứu do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) thực hiện, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của ta tăng thêm bình quân từ 4% đến 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Giả sử FTA với EU có hiệu lực vào năm 2016 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới 2025, sẽ tăng thêm tới 75-76 tỷ USD so với trường hợp không có FTA. Riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ vào năm 2020 và 5,82 tỷ USD vào năm 2025 so với trường hợp không có FTA. Đây là những con số rất có ý nghĩa bởi theo tính toán chung, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra được khoảng 250.000 việc làm trực tiếp.  

 

            Ông dự đoán thế nào về khả năng có thể đi đến ký kết FTA Việt Nam - EU theo đúng lộ trình đàm phán - trước cuối năm 2014? Các bên còn cần phải chuẩn bị hay có những động thái gì để thúc đẩy tiến trình này.

              Đàm phán hiện đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Nhiều nội dung đàm phán đã được thống nhất, chỉ còn lại một vài vấn đề quan trọng cần có quyết định ở cấp cao. Chuyến thăm EU tới đây của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, có ý nghĩa hết sức quan trọng, có thể nói là quyết định. Dự kiến Thủ tướng sẽ có buổi hội đàm với Chủ tịch EU về tiến trình đàm phán FTA và 2 nhà Lãnh đạo sẽ cho ý kiến chỉ đạo về hướng giải quyết các vấn đề quan trọng còn lại. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm từ cả hai phía, cuộc gặp cấp cao này sẽ giúp hai bên thống nhất được cách tiếp cận cho các vấn đề tồn tại, giúp hai Đoàn đàm phán đẩy nhanh tiến độ và kết thúc đàm phán EVFTA trong thời gian ngắn nhất.

 

        Được biết, phía doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp EU đã có những bước chuẩn bị để đón nhận sự kiện lớn này. Ông có đánh giá gì về sự chuẩn bị của phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ông có thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp?

        Theo tôi được biết, các doanh nghiệp Việt Nam không tụt hậu quá xa so với doanh nghiệp EU trong việc chuẩn bị đón nhận Hiệp định EVFTA. Trong quá trình đàm phán, các hiệp hội doanh nghiệp, nhất là hiệp hội dệt may, da giày và thủy sản, đều đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đều được Đoàn đàm phán cung cấp đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.  

            Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới và to lớn cho doanh nghiệp hai bên. Tôi mong các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ động nghiên cứu thông tin và có sự chuẩn bị tích cực ngay từ bây giờ để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này đem lại. Về phía mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phổ biến tích cực và rộng rãi hơn nữa các thông tin về Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp.

 Minh Anh (thực hiện)

 BOX

  • EVFTA chính thức được khởi động từ tháng 6/2012, tới nay, đàm phán đã diễn ra được 9 phiên trong tất cả các lĩnh vực và đã đạt được những tiến bộ tích cực trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai bên.

    Vòng đàm phán mới nhất được tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 22-26 tháng 9 năm 2014. Hai bên đã đạt được những tiến triển tốt đẹp nhằm tìm ra tiếng nói chung đối với những vấn đề còn tồn tại, hướng đến việc nhanh chóng kết thúc đàm phán. Đàm phán đã tập trung vào tất cả các lĩnh vực được đề cập đến trong bản dự thảo EVFTA. Bốn chương gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước đã có những tiến triển đặc biệt trong các cuộc thảo luận kỹ thuật. Công tác đàm phán đã hầu như hoàn tất trên các lĩnh vực thương mại, phát triển bền vững và chương về hợp tác đã được thống nhất.

  • Ngay trong tuần này, vòng đàm phán thứ 10 của EVFTA diễn ra tại Bỉ.

  • Nguồn: Diễn đàn ngoại giao Kinh tế trực tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày