Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.364.400
Truy cập hiện tại 2.655
TPP - càng dài càng dai dẳng
Ngày cập nhật 17/09/2014

(TBKTSG) - Từ sau phiên đàm phán chính thức thứ 19 diễn ra tại Brunei tháng 8-2013, các nước TPP không tổ chức thêm một vòng đàm phán chính thức nào nữa. Thay vào đó là rất nhiều cuộc họp các cấp.

Gần đây nhất có thể kể đến là cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán tại Việt Nam từ ngày 12 đến 15-5 làm tiền đề cho cuộc họp cấp bộ trưởng TPP tại Singapore từ ngày 19 đến 20-5, và sau đó là phiên đàm phán không chính thức tại Ottawa - Canada từ ngày 3 đến 12-7. Tới đây là các kế hoạch cuộc họp cấp kỹ thuật vào tháng 8, cuộc họp cấp trưởng đoàn vào tháng 9 (tại Hà Nội), và sau đó là cuộc gặp cấp bộ trưởng vào tháng 10.

Mặc dù lịch trình đàm phán dày đặc và ở đủ các cấp cao thấp, tiến trình đàm phán TPP vẫn dền dứ ở những vấn đề cũ, một vài giải pháp mới được đưa ra nhưng dường như vẫn chưa đủ sức tạo đột phá, trong khi những vấn đề mới lại nảy sinh...

Kỳ vọng xóa bỏ toàn bộ thuế quan đã không còn?

Khi bắt đầu đàm phán, các nước TPP cam kết hướng tới xóa bỏ 100% các dòng thuế nhập khẩu (đàm phán chỉ là về lộ trình xóa bỏ thế nào mà thôi). Tuy nhiên, thực tế đàm phán cho thấy mục tiêu này hầu như không đạt được. Mỗi nước dường như vẫn muốn giữ lại một số dòng thuế cho riêng mình. Điều này càng thể hiện rõ hơn sau khi TPP có sự tham gia của Nhật Bản - nước kiên quyết không xóa bỏ thuế quan đối với năm mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm nhất.

Nhiều người đã cảm nhận được tương lai “không xóa bỏ toàn bộ thuế quan” của TPP. Tuy nhiên khẳng định từ các cấp cao về điều này thì có lẽ chỉ rõ ràng trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand ngày 19-5 phát đi tín hiệu rằng chính phủ nước này để mở khả năng một TPP cuối cùng không xóa bỏ toàn bộ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp mà vẫn giữ lại một số dòng thuế.

Còn trên trang web Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mới đây cũng đăng bản tóm tắt về các mục tiêu của Hoa Kỳ trong TPP, trong đó không còn thấy kêu gọi xóa bỏ toàn bộ thuế quan như trước kia mà chỉ mong muốn đạt được “xóa bỏ thuế quan và mở cửa thị trường đáng kể cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ”.

Nhật Bản có thể chỉ dành nhượng bộ cho riêng Hoa Kỳ

Là nước tham gia TPP khá muộn (7-2013), nhưng từ đó tới nay Nhật Bản chủ yếu tập trung đàm phán tiếp cận thị trường hàng hóa với Hoa Kỳ là chủ yếu. Tiếc rằng việc này tới nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển.

Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh việc Nhật Bản không muốn mở cửa thị trường năm loại nông sản là thịt, sữa, đường, gạo và lúa mì cho Hoa Kỳ, và vì thế, Hoa Kỳ cũng từ chối xóa bỏ thuế quan cho ô tô của nước này.

Bế tắc trong đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng làm chậm lại tiến trình đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa nói chung. Dường như các nước còn lại đều đang chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán song phương giữa hai nước này để đưa ra bản chào cuối cùng của mình. Bởi một mặt, nếu Nhật Bản chỉ dành quyền ưu tiên cho Hoa Kỳ mà không cho các nước khác, thì các nước này cũng chẳng phải rộng rãi gì với Nhật Bản. Mặt khác, nếu Nhật Bản có quyền giữ lại một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm, thì các nước khác cũng sẽ đòi hỏi điều tương tự.

Thậm chí, theo một nhà đàm phán về nông nghiệp trong TPP thì vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa của Nhật Bản sẽ là một điểm “mấu chốt” cho toàn bộ đàm phán TPP.

Đàm phán về dệt may đạt tiến triển

Liên quan tới quy tắc xuất xứ trong dệt may, đàm phán thời gian qua được cho là có tiến triển liên quan tới hai danh mục nguồn cung thiếu hụt - một kiểu hình thức ngoại lệ của nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Phát biểu bên lề cuộc gặp cấp bộ trưởng TPP tại Singapore ngày 20-5-2014, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã nói rằng Mexico, Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về dệt may trong TPP. Mặc dù không giải thích rõ ràng, nhưng những bình luận của ông Guajardo cho thấy Mexico đang tiến gần hơn với Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc lựa chọn sản phẩm nào sẽ được đưa vào danh sách “nguồn cung thiếu hụt” thường xuyên hay tạm thời.

Liên quan tới phạm vi mở cửa thị trường đối với dệt may, các nguồn thạo tin cho biết thay vì quan điểm loại bỏ thuế cho 100% hàng dệt may và chỉ thắt lại ở quy tắc xuất xứ, tháng 3 vừa rồi Hoa Kỳ đã đưa ra bản chào thuế quan mới đối với hàng dệt may của Việt Nam với các lộ trình mở cửa khác nhau (gọi là ba giỏ sản phẩm), trong đó bảo hộ hầu hết các sản phẩm nhạy cảm (giỏ 1) - cũng là các sản phẩm mà Việt Nam quan tâm nhất vì xuất khẩu nhiều nhất.

Đàm phán về quy tắc xuất xứ ngày càng phức tạp

Theo một nguồn tin, cho đến tháng 4-2014, các nước TPP đã thống nhất được về quy tắc xuất xứ chi tiết cho khoảng 62% hàng hóa ở cấp độ 6 số theo phân loại HS. Những sản phẩm còn lại là những sản phẩm có mức độ nhạy cảm cao và phức tạp như dệt may và thép.

Các nước cũng đã thống nhất được về việc áp dụng quy tắc cộng gộp nội khối cho tất cả các hàng hóa, kể cả các hàng hóa nhạy cảm nhất.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang đàm phán tiếp cận thị trường hàng hóa trên cơ sở song phương và đưa ra bản chào hàng hóa khác nhau đối với các đối tác khác nhau. Điều đó có nghĩa là nếu TPP được ký kết và có hiệu lực thì nước này sẽ áp dụng các mức thuế khác nhau cho cùng một loại hàng hóa tùy thuộc vào nước xuất xứ của hàng hóa đó trong TPP. Mà nếu thế thì không rõ quy tắc cộng gộp này sẽ được áp dụng thế nào.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, theo một nguồn tin từ trang web của Bộ Ngoại giao Chile thì các nước TPP hiện đã thống nhất là sẽ áp dụng cả hai, tức là phương pháp doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ là phương pháp chính áp dụng phổ biến, nhưng việc xin giấy chứng nhận xuất xứ từ cơ quan có thẩm quyền sẽ vẫn được sử dụng trong một số trường hợp ngoại lệ và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi TPP có hiệu lực.

Đàm phán về doanh nghiệp nhà nước sẽ loại trừ lĩnh vực dịch vụ

Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Singapore diễn ra từ ngày 22 đến 25-2-2014, các nước đã thống nhất thu hẹp phạm vi áp dụng các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ.

Nói cách khác, chính phủ các nước TPP sẽ không bị hạn chế trong việc hỗ trợ cho các DNNN khi DNNN đó cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Và các nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng mà các nước đang đàm phán để đưa vào chương DNNN trong TPP, nếu có, sẽ chỉ áp dụng cho các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa và các DNNN cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Ý tưởng mới về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm

Thông tin cho biết các nước TPP đã bắt đầu xem xét một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm, theo đó vẫn sẽ thiết lập một gói các nghĩa vụ/tiêu chuẩn chung, duy nhất cho tất cả các nước tham gia - cả phát triển và đang phát triển - nhưng cho phép lộ trình thực thi dài hơn đối với các nước đang phát triển, thu nhập thấp.

Và mục tiêu kết thúc TPP vào tháng 11

Ngày 20-6-2014, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nêu mục tiêu kết thúc đàm phán TPP - hoặc ít nhất là kết thúc về cơ bản - vào tháng 11 năm nay, khi các nước TPP gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh. Như vậy, một lần nữa Hoa Kỳ lại là nước đặt ra mục tiêu kết thúc TPP vào cuối năm, sau những “cuộc hẹn không thành” cuối những năm 2011, 2012, 2013.

Một lịch trình đàm phán TPP dày đặc đã được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu nói trên. Thậm chí, để tiếp thêm động lực cho kết thúc đàm phán, cũng tại Ottawa, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chính thức tuyên bố sẽ công khai nội dung đàm phán song phương giữa hai nước về tiếp cận thị trường vào tháng 10 tới, làm cơ sở cho các nước khác đàm phán về các vấn đề liên quan.

Dù vậy, giới quan sát có nhiều lý do để nghi ngờ về mục tiêu tháng 11 này. Thứ nhất, bản thân Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa chắc đã đạt được thỏa thuận về tiếp cận thị trường vào tháng 10. Thứ hai, ngay cả khi đạt được thỏa thuận, chưa chắc ông Obama muốn công bố kết quả gì vào thời điểm nhạy cảm trước cuộc bầu cử quốc hội ở Hoa Kỳ vào tháng 11. Thứ nữa, dù nội dung đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản được công bố vào tháng 10 thì đến tháng 11 cũng chỉ còn có một tháng, không thể đủ thời gian cho các nước còn lại giải quyết hết các vấn đề còn tồn đọng để kết thúc TPP.

Vậy là một lần nữa các nước TPP đứng trước một sức ép rất lớn để có thể kết thúc một hiệp định mang nhiều kỳ vọng của những ai tin vào tự do hóa thương mại công bằng.

 

Quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi - yarn forward: Các sản phẩm dệt may trong TPP sẽ chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi của TPP khi nhập khẩu vào các nước TPP nếu sản phẩm đó được sản xuất tại các nước TPP bắt đầu từ khâu dệt sợi.

Danh mục thường xuyên - permanent: Là danh mục ngoại lệ vĩnh viễn, bao gồm các nguyên liệu dệt may hiện không được sản xuất trong TPP và cũng không hy vọng được sản xuất trong tương lai. Các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ được áp dụng vĩnh viễn quy tắc “cắt và may” (chỉ cần được cắt và may tại các nước TPP là được hưởng ưu đãi thuế quan).

Danh mục tạm thời - temporary: Là danh mục ngoại lệ tạm thời, bao gồm các nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP nhưng có thể sẽ được sản xuất trong tương lai, và vì thế các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ chỉ được áp dụng quy tắc “cắt và may” trong một khoảng thời gian nhất định (khoảng ba năm).

Theo các nguồn tin, Việt Nam mong muốn đưa nhiều nguyên liệu vào Danh mục nguồn cung thường xuyên nhưng Mexico chỉ muốn đưa các nguyên liệu này vào danh mục nguồn cung tạm thời với hy vọng rằng ngành dệt may của nước này sẽ sản xuất được các nguyên liệu đó trong tương lai.

Nguồn: Saigon Times

ST
Các tin khác
Xem tin theo ngày