Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.643.003
Truy cập hiện tại 31.857
Kinh nghiệm hỗ trợ giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại
Ngày cập nhật 11/07/2014

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ, THƯƠNG MẠI

            Với tư cách là cơ quan đặt tại địa bàn và am hiểu luật lệ, văn hóa, quy trình ở địa bàn, CQĐD là chỗ dựa quan trọng của cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam khi có xung đột, tranh chấp về kinh tế, thương mại với các cơ quan và doanh nghiệp sở tại. Xung đột, tranh chấp đó có thể là những hành động đơn phương ( không trả tiền hoặc không trả đủ tiền vì nhiều lý do khác nhau, các vụ kiện lớn nhỏ ....)

            Việc hỗ trợ giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại gồm các bước sau:

1. Nắm được thông tin cơ bản về luật lệ sở tại:

            Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong làm ăn cũng như đấu tranh giải quyết các tranh chấp thương mại với sở tại, nhất là khi trong hợp đồng quy định rõ cơ sở xử lý tranh chấp là luật của sở tại. Cần phải nắm rõ cả luật của liên bang và của từng bang, đặc biệt là bang có xảy ra tranh chấp hoặc bang có bên nguyên hoặc bên bị trong tranh chấp.  Tuy nhiên một lĩnh vực có thể vừa chịu luật của liên bang và luật của từng bang, trong trường hợp đó cần nghiên cứu khi nào thì luật liên bang hoặc từng bang sẽ có vai trò quyết định hơn. Một lĩnh vực cũng có thể chịu sự điều tiết của nhiều luật khác nhau.

            Cán bộ cũng cần luôn cập nhật các luật mới của sở tại vì việc đưa ra các luật mới hoặc điều khoản bổ sung rất đa dạng, dưới nhiều hình thức và tuỳ thuộc nhiều vào sức ép, sự vận động của các nhóm lợi ích cục bộ. Ở Mỹ, Dự luật về nhập khẩu tôm (Shrimp Importation Financing Fairness Act - H.R. 155) do Hạ nghị sĩ Ron Paul (từ Texas) đưa ra; Tu chính án Byrd, Tiếp tục chống bán phá giá và trợ giá (Continued Dumping and Subsidy Offset Act of 2000), cho phép các công ty Mỹ nào "bị thiệt hại" do đối tác nước ngoài "bán phá giá" được bù đắp bằng số tiền do đánh thuế chống phá giá thu được. Phần lớn những rào cản đối với cá da trơn nhập khẩu của ta đều được thông qua bằng các thủ đoạn kỹ thuật sửa đổi bổ sung luật hoặc đạo luật liên quan đến chuẩn chi ngân sách hàng năm như Điều khoản 755, Đạo luật 107-76 về chuẩn chi nông nghiệp năm 2002 quy định không được sử dụng ngân sách để nhập các sản phẩm có tên cá da trơn; Điều khoản 10806 của Đạo luật trang trại 2002 cấm sử dụng tên gọi cá da trơn với cá nhập khẩu.

            - Theo dõi sát quá trình làm luật và kịp thời vận động chống lại sự xuất hiện các điều khoản bất lợi ở Quốc hội liên bang và cả các bang có tầm quan trọng to lớn, hết sức khó khăn. Phải tăng cường theo dõi và vận động, thậm chí cần phải thuê thêm luật sư tư vấn, có khi chỉ để có thêm thông tin và động thái để cảnh báo sớm.

            - Mặc dù hệ thống luật pháp và quy trình pháp lý rất phức tạp nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp sở tại, nhưng cũng có những quy định khá chặt chẽ về tính minh bạch và quyền của công dân/các bên liên quan được tiếp cận thông tin. Đây là thuận lợi cần khai thác tốt để có được đầy đủ hơn thông tin cần thiết cho việc theo kiện.

 

2. Biết rõ ta và nắm vững thông tin về những vụ tranh chấp, vụ kiện:

           - Tranh chấp kinh tế thương mại xẩy ra rất nhiều ở nước ngoài cũng như ở nước ta. Xử lý các tranh chấp này có nhiều hình thức từ thấp đến cao, trước hết là (i) công ty liên quan ngồi lại, tự xử lý, nếu không được (ii) yêu cầu CQĐD giúp xử lý ( có tính chất như người hòa giải giúp các bên thỏa thuận) và tiếp đó là (iii) đưa ra tòa án.

           - Tranh chấp, kiện được chia làm 2 loại (i) liên quan đến 2 hoặc một số công ty đối với một hợp đồng hoặc một hoạt động kinh tế  cụ thể ( kinh tế đơn thuần) và (ii) liên quan đến nhiều công ty trong một lĩnh vực nhất định ( bảo hộ, có yếu tố chính trị)

            - Tìm hiểu kỹ về vụ tranh chấp, vụ kiện, phân tích để nắm rõ cái đúng, cái sai của công ty ta, cái đúng, cái sai của công ty nước sở tại,  thế mạnh và thế yếu của ta trong vụ kiện và khả năng thắng kiện. Trong nhiều trường hợp, do cán bộ không phải là chuyên gia, ta cần tham khảo ý kiến của chuyên gia ở sở tại, phối hợp với chuyên gia ở nhà và kết nối các chuyên gia trong nước và sở tại với nhau để trao đổi kỹ hơn.

            - Nếu đưa ra tòa án, vụ kiện sẽ được xử ở đâu, chiếu theo điều luật nào, thành phần có ảnh hưởng đến quyết định của vụ kiện.

 

3. Tìm hiểu về đối tác:

            - Tìm hiểu rõ đối tác phía bên kia của vụ kiện (có thể là bên nguyên hoặc bên bị đơn), đâu là điểm lợi và bất lợi của họ trong tranh chấp hoặc  vụ kiện.

            - Tìm hiểu sâu về các nhóm lợi ích liên quan đến các bên tranh chấp là điều không thể thiếu được để tiến hành công tác vận động và tập hợp lực lượng trong xử lý các tranh chấp thương mại, có khả năng ngăn chặn hoặc giảm bớt khả năng xảy ra tranh chấp từ đầu. Thực chất, các cuộc tranh chấp thương mại song phương không chỉ đơn thuần là giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước mà còn là sự cạnh tranh quyền lợi giữa nhiều nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ sở tại.

            Ví dụ: Trong đàm phán Hiệp định Dệt may, cũng như quá trình xử lý vụ cá da trơn, phía ta đã có cố gắng vận động các nghị sĩ, các nhóm cùng lợi ích hỗ trợ ta. Các nghị sĩ Mỹ là những người làm luật, có lợi ích chính trị và kinh tế gắn với sự ủng hộ của cử tri, với các công ty và tập đoàn liên quan. Trong vụ kiện cá da trơn, một nhóm lợi ích là các nhà sản xuất cá da trơn bốn bang miền Nam đã gây áp lực chính trị đủ lớn để buộc Quốc hội và Chính quyền Mỹ phải có các biện pháp bảo vệ các quyền lợi cục bộ của họ.

 

4. Cách giải quyết.

        Khi được yêu cầu, CQĐD cần tìm hiểu kỹ sự việc, liên hệ và gặp các bên liên quan và vận động các công ty, tổ chức liên quan khi cần thiết,  tiến hành hòa giải để 2 bên đạt được thảo thuận mà không phải đưa vấn đề ra tòa án (đưa ra tòa, rất tốn kém và mất nhiều thời gian, các công ty vừa và nhỏ của ta không thể chịu nổi). Những tranh chấp ngành hàng ( có tính chính trị), khả năng ta thắng ở tòa án nước sở tại không cao. Tuy nhiên, khi buộc phải ra tòa, ta nên:  

              - Thuê và sử dụng tư vấn/luật sư nước ngoài:

            Việc thuê và sử dụng tư vấn/luật sư nước ngoài tại tòa án sở tại là một công thức hiệu quả để xử lý tranh chấp do tư vấn/luật sư sở tại sẽ hiểu rõ luật lệ, quy trình và tập quán xử án ở nước đó hơn, nhất là những nước theo hệ thống luật lục địa (không có luật thành văn mà các vụ án được xử theo án lệ). Tuy nhiên cần lựa chọn công ty tư vấn hoặc luật sư có uy tín xử lý tốt vụ tương tự, không có định kiến đối với Việt Nam và không có dấu hiệu bắt tay với bên đối tác. Điều quan trọng là ta cần tiếp tục học cách vừa sử dụng hết năng lực và kinh nghiệm của luật sư, vừa bảo đảm quyền chủ động và bảo mật trong bối cảnh luật sư ta thuê cũng là người nước ngoài.

            Ví dụ: Trong vụ cá da trơn, lần đầu tiên ta tiến hành đàm phán quốc tế (SA) có luật sư Mỹ đại diện cho quyền lợi của ta cùng dự trong đoàn đàm phán và có lúc được uỷ quyền của Trưởng đoàn ta phát biểu thay mặt đoàn. Đây cũng là vụ mà phía Việt Nam thuê tới hai công ty luật hàng đầu của Mỹ (VASEP - đại diện doanh nghiệp thuê White & Case, Bộ Thương mại - đại diện Chính phủ thuê Willkie Farr & Gallagher).

            Ta cũng có thể sử dụng song song hai công ty tư vấn/luật sư của ta và sở tại (mặc dù chỉ một luật sư đại diện ở tòa) để hai bên làm việc rõ với nhau về các chi tiết, vấn đề kỹ thuật tại hai nước trong vụ kiện.

         - Sử dụng quan hệ và vận động hành lang:

              + Đối với các xung đột nhỏ giữa hai doanh nghiệp, CQĐD có thể hỗ trợ bằng cách tham vấn các chính khách ở sở tại, làm trung gian hòa giải hoặc giới thiệu cho doanh nghiệp ta địa chỉ tư vấn có uy tín và tác động để chính quyền bạn lên tiếng, lấy lại công bằng cho doanh nghiệp ta.

              + Đối với các vụ kiện lớn tại tòa án, cần xác định đối tượng cần vận động hành lang cho vụ kiện của ta. Đó là các đồng minh hoặc nhóm lợi ích tương đồng với ta, những thành phần có ảnh hưởng đến kết quả vụ kiện...           

            Trong vụ cá da trơn với Mỹ, nhóm các nhà nhập khẩu yếu cả về số lượng lẫn tổ chức, không tạo thành một sức mạnh đáng kể, vì cá da trơn nhập khẩu chỉ chiếm dưới 20% thị trường tiêu thụ nội địa Mỹ. Tuy nhiên, ta chưa tranh thủ được sự phối hợp các nhóm lợi ích trong giới nhập khẩu và phân phối cũng như từ phía người tiêu dùng Mỹ. Chỉ trước khi dự điều trần lần đầu tại ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC, tháng 7-2002) ta mới liên lạc được với một số nhà nhập khẩu để vận động tham dự điều trần ủng hộ ta.

            - Đối với các vụ kiện liên quan đến quyền lợi của người Việt (như quyền lợi của lao động Việt Nam, vụ kiện ngư dân Việt Nam đánh cá bất hợp pháp...), CQĐD có thể sử dụng vấn đề nhân đạo, quan hệ chính trị giữa hai nước và nguyên tắc có qua có lại (đối với những lần ta cứu hoặc thả người bạn), để chính quyền bạn xử lý thuận cho ta.

 

5. Đóng hồ sơ và rút kinh nghiệm:

            Sau mỗi vụ, ta cần rút kinh nghiệm để xử lý hiệu quả cho những lần tương tự sau. Lưu lại các đầu mối làm việc, đưa các đầu mối vào danh sách cần xây dựng quan hệ và tạo quan hệ tốt đẹp, lâu dài, đặc biệt với các đầu mối trong những vụ việc hay xảy ra giữa hai bên.

Nguồn: Diễn đàn Ngoại giao kinh tế trưc tuyến

Các tin khác
Xem tin theo ngày