Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.643.003
Truy cập hiện tại 1.153
Những đối tác hiện tại và tương lai trong TPP – Lưu ý đối với Việt Nam
Ngày cập nhật 04/07/2014

Đàm phán TPP là đàm phán mở, với số lượng các đối tác tham gia đàm phán lớn (và còn có thể tiếp tục gia tăng trong tương lai với ít nhất là 5 nước đang bày tỏ sự quan tâm).

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam tham gia một đàm phán FTA khu vực lớn với nhiều đối tác như vậy (trong AFTA hay ASEAN+, số lượng các đối tác thậm chí còn lớn hơn). Tuy nhiên, TPP có những điểm riêng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trong cách thức lớn hơn nhiều, và do đó cũng đòi hỏi Cơ quan đàm phán phải có lưu ý đặc biệt:

-    Thứ nhất, các đối tác tham gia TPP có trình độ phát triển khác nhau và thế mạnh kinh tế khác nhau (điều này hoàn toàn khác với AFTA nơi các nước có thế mạnh gần giống nhau và khả năng bổ sung cũng như lợi ích tiếp cận thị trường không quá lớn). Vì vậy việc cân nhắc lựa chọn phương án đàm phán nào thích hợp (phương án một biểu cam kết chung đối với tất cả các đối tác còn lại trong TPP? Hay phương án mỗi quan hệ song phương thiết lập một biểu cam kết riêng?) cần được thực hiện cẩn trọng.

Một biểu cam kết làm hài lòng tất cả các đối tác (phương án một biểu cam kết chung của Việt Nam cho tất cả các nước TPP) có thể đồng nghĩa với việc mở cửa hầu như tất cả các lĩnh vực (bởi mỗi đối tác sẽ có mối quan tâm riêng, và mong muốn Việt Nam mở cửa ở lĩnh vực mà họ có thế mạnh). Điều này sẽ khiến kết quả đàm phán về tổng thể có thể gây thiệt thòi cho phía Việt Nam (trong hoàn cảnh các đối tác có thể mạnh hơn và Việt Nam đang bảo hộ nhiều hơn).

Phương án từng biểu cam kết riêng cho từng đối tác có bất lợi là khiến việc đàm phán phức tạp, tốn nhiều nguồn lực và việc thực thi không hẳn đã dễ dàng. Tuy nhiên, nếu theo phương án này mà đạt được những cam kết ở mức gần tiệm cận với các cam kết đã có với những nước mà Việt Nam đã có FTA, thì vấn đề sẽ đơn giản hơn, chúng ta chỉ mất công đàm phán thêm với những đối tác chưa có FTA đặc biệt là Hoa Kỳ.

-    Thứ hai, trong TPP có những nước có điều kiện và trình độ phát triển tương tự Việt Nam và có những nước thuộc “nhóm trên”. Vì vậy Việt Nam cần tích cực tranh thủ tiếng nói chung và sự ủng hộ của các nước này (có thể tạo thành một nhóm cụ thể) trong đàm phán với các nước lớn hơn, đặc biệt là với đối tác Hoa Kỳ và trong những vấn đề liên quan đến cách thức đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước có trình độ phát triển kém hơn. Cũng với cách thức đàm phán theo nhóm nước như vậy, Việt Nam nên tiếp cận các vấn đề hóc búa trong đàm phán (ví dụ về nghiệp đoàn) cùng với những quốc gia có chung mối quan ngại. Đây là điểm thuận lợi đáng kể khi đàm phán đa phương trong khuôn khổ TPP thay vì đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ mà Việt Nam cần lưu ý khai thác.

Theo quan điểm của một số chuyên gia từng đại diện cho Hoa Kỳ trong đàm phán các FTA, Hoa Kỳ có thể rất “cứng rắn” trong một số vấn đề và không chấp nhận một Hiệp định 2 tầng (với các đối xử đặc biệt và khác biệt) trong những đàm phán song phương với nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn Hoa Kỳ rất nhiều. Điều này, tuy vậy, không phải nguyên tắc đương nhiên sẽ áp dụng trong một đàm phán đa phương như TPP và khối nước đang phát triển cũng là những thị trường mục tiêu quan trọng của Hoa Kỳ như trong TPP nếu các nước “nhóm dưới” có sự đoàn kết trong những mục tiêu cụ thể khi đàm phán.

-    Thứ ba, số lượng các bên đàm phán TPP có thể thay đổi trong tương lai với sự tham gia của nhiều nước khác có lợi ích liên quan. Sự tham gia của mỗi đối tác sẽ khiến cho cán cân lợi ích giữa các nước, nhóm nước trong TPP thay đổi. Tác động tiềm tàng của TPP đối với mỗi nước nói chung và Việt Nam cũng sẽ thay đổi. Vì vậy chúng ta cần phải tiến hành lại những tính toán mỗi khi TPP có thêm thành viên mới, cả về vị thế đàm phán lẫn các phương án đàm phán liên quan. Nếu Việt Nam lựa chọn ủng hộ phương thức đàm phán một biểu cam kết chung cho tất cả các đối tác TPP thì điều này lại càng quan trọng hơn nữa (do tác động của việc mở cửa sẽ thay đổi khi năng lực của đối tác thay đổi, và càng gia tăng số lượng các đối tác thì nền kinh tế sẽ càng bị tác động mạnh hơn, đa diện hơn).

Tính mở của đàm phán TPP có điểm tốt là chỉ bằng đàm phán TPP, chúng ta có thể cùng có lúc FTA với nhiều đối tác nhất có thể. Tuy nhiên điều này cũng đồng thời gây khó khăn cho việc kết thúc đàm phán (bởi càng nhiều ý kiến càng khó tìm điểm thống nhất). Và nếu đàm phán TPP càng kéo dài thì tương lai càng khó kiểm soát hơn (như đã trình bày ở mục II.3, đặc biệt liên quan đến tình hình chính trị tại Hoa Kỳ).

Lưu ý đối với Việt Nam

-    Cân nhắc đầy đủ các yếu tố khi quyết định lựa chọn ủng hộ phương pháp đàm phán biểu cam kết song phương hay đa phương trong TPP

-    Tạo thành nhóm đàm phán thích hợp trong những vấn đề cần sự hậu thuẫn từ nhiều nước (đặc biệt liên quan đến việc yêu cầu cơ chế đối xử đặc biệt và khác biệt đối với Việt Nam);

-    Tính toán lại các phương án đàm phán khi có sự tham gia của đối tác mới trong TPP

Ủy ban tư vấn về CSTMQT

Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Các tin khác
Xem tin theo ngày