Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.340.304
Truy cập hiện tại 396
Giảm nghèo bền vững - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 14/10/2011

Thực hiện Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 852/2007/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình Giảm nghèo (CTGN) của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 - 2010; sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Giảm nghèo của tỉnh đã có nhiều bước tiến rõ rệt.

Thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo

Với mười mục tiêu đặt ra trong Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 như: giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại 16 xã đặc biệt khó khăn vùng núi, 39 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đầm phá; hỗ trợ 150.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo 100% số người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; phổ cập và cải thiện chất lượng giáo dục, 100% học sinh thuộc con em hộ nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và đóng góp xây dựng trường; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho ít nhất 5.273 hộ nghèo không có nhà hoặc nhà xiêu vẹo, dột nát không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung và cung cấp kiến thức và trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo và nông thôn: 2.000 người/năm; giảm khả năng dễ bị tổn thương và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế và người nghèo; xây dựng ít nhất 03 mô hình giảm nghèo bền vững gắn với đặc thù của các vùng sinh thái: miền núi, nông thôn đồng bằng, thành thị.
Cụ thể, thời gian qua, Chương trình đã cho 118.951 hộ vay 1.090,8 tỷ đồng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng; giải quyết khai hoang đất sản xuất 154,2/371,2 ha cấp cho 835 hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với số vốn đầu tư 771 triệu đồng; khuyến khích nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với tổng mức đầu tư: 5,028 tỷ đồng đối với 35 xã của 6 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Thủy với sự tham gia của 1.370 hộ. Với các mô hình sản xuất, chăn nuôi gồm trồng hoa cúc, trồng lúa chất lượng cao HT1, trồng lạc L14, chăn nuôi lợn nái Móng cái, chăn nuôi lợn nái ngoại, chăn nuôi lợn nái F1, chăn nuôi Bò cái Laisind; Chương trình đã thực sự mang lại hiệu quả, nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập của nông dân, góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống; đồng thời trang bị kiến thức cơ bản về khoa học - kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Ngoài ra, với việc tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Chương trình còn hướng tới hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; dạy nghề cho người nghèo (được thực hiện từ năm 2007); chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu thực hiện từ 2006-2009 (trợ giá giống cây nông nghiệp, trợ cước vận chuyển dầu hoả, phân bón, muối iốt và tiêu thụ sản phẩm) đã thực hiện đến tay người dân, chủ yếu tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hai huyện Nam Đông, A Lưới và các huyện có xã miền núi, với kinh phí 11,45 tỷ đồng...
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Chương trình cũng đặc biệt quan tâm tới việc tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý hay như an sinh xã hội và trợ giúp các đối tượng yếu thế... Qua 5 năm triển khai Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, Chương trình đã cấp thẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân đảm bảo 100% đối tượng theo quy định được thụ hưởng chính sách y tế của Nhà nước; đồng thời, quyền lợi của người nghèo trong khám chữa bệnh được đảm bảo và thống nhất như các đối tượng có thẻ BHYT khác theo Luật BHYT. Quan điểm và nhận thức của người nghèo về công tác khám chữa bệnh được tăng lên. Chính sách hỗ trợ về giáo dục đã thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp, bậc học là con em thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có khoảng 3.000 học sinh được miễn giảm; ngoài ra, nhiều chương trình học bổng dành cho học sinh nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với kinh phí 2,83 tỷ đồng. Đối với chính sách an sinh xã hội và trợ giúp các đối tượng yếu thế, Chương trình đã trợ giúp thường xuyên các đối tượng Bảo trợ xã hội tại cộng đồng, các địa phương đã triển khai thực hiện đảm bảo đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách. Đối tượng trợ cấp được mở rộng và tăng qua các năm, mức trợ cấp tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 65.000 đồng lên 180.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện qua 5 năm 127,45 tỷ đồng. Tổ chức cứu trợ đột xuất cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có nguy cơ thiếu lương thực do thiên tai, giáp hạt với 14.430 tấn gạo và hơn 100 tỷ đồng. Trợ cấp, nuôi dưỡng tập trung 1.313 đối tượng tại 19 Cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh với kinh phí hàng năm trên 10 tỷ đồng...
Nhìn chung, trong năm năm qua, thông qua việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội và thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 21,17% (năm 2006) xuống còn 7% (năm 2010), bình quân giảm gần 3% năm, hoàn thành kế hoạch trước thời gian quy định. Đặc biệt các đơn vị như thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Nam Đông... là những đơn vị đạt kết quả giảm nghèo khá nhanh và ổn định.
Thống nhất vào cuộc của các tổ chức đoàn thể
Một phần quan trọng thực hiện thành công của Chương trình, đó là sự tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thông qua các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, ''Ngày vì người nghèo"... đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong nhân dân, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Thông qua các cuộc vận động, UBMTTQVN tỉnh đã huy động được 66,2 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo để hỗ trợ xây dựng 6.831 nhà, sửa chữa 857 nhà, khám chữa bệnh cho 3.115 lượt người, hỗ trợ 7.656 lượt học sinh, hỗ trợ sản xuất, thăm hỏi, tặng quà hơn 2.700 lượt. Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo với hơn 70.500 phụ nữ tham gia, kinh phí huy động 2,9 tỷ đồng. Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo... Đoàn thanh niên với phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với nhiều hoạt động hướng về vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới mà cao trào là chiến dịch hè hàng năm, đã vận động các cấp giúp đỡ hộ nghèo và nhiều hoạt động khác như khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ tấm lợp, cây trồng vật nuôi..., tặng quà cho gia đình gặp khó khăn, xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các hội khác như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam... đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Giữ vững mục tiêu, đẩy mạnh giải pháp, nâng cao điều kiện sống cho người nghèo
Xác định một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể nhưng tính bền vững chưa cao, một bộ phận dân cư có nguy cơ tái nghèo nếu bị thiên tai, mất mùa, việc làm không ổn định; đặc biệt, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn, thu nhập và mức sống sát chuẩn nghèo sẽ là những khó khăn cho các năm tiếp theo; chênh lệch hộ nghèo giữa các vùng thành thị, nông thôn và dân tộc thiểu số tương đối cao. Một số công trình đầu tư chưa phát huy hiệu quả do thiết kế không hợp lý, chọn vị trí xây dựng và khai thác chưa tốt; một số công trình thi công bằng đất cấp phối nên nhanh xuống cấp; công tác duy tu bảo dưỡng thiếu quan tâm. Mô hình sản xuất của các Chương trình, dự án bằng hỗ trợ cây - con - giống đã triển khai có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Ngoài ra, đối với một số địa phương, vẫn chưa thật sự tập trung chỉ đạo, thiếu đôn đốc kiểm tra trong quá trình thực hiện. Các chính sách giảm nghèo và nguồn lực đầu tư cho chương trình đều được thực hiện ở cấp xã nhưng một số nơi chưa bố trí cán bộ chuyên trách, nên đã ít nhiều hạn chế đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn phân tán, dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, địa bàn trọng điểm nhất. Còn nhiều rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường là những yếu tố tác động đến khả năng tái nghèo cao.
Trong giai đoạn 2011-2015, với việc xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đặc biệt cho một số giải pháp nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển đầm phá; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư trên địa bàn để góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo, thay đổi nhận thức của người nghèo thông qua tập huấn nâng cao nhận thức, các buổi tư vấn cộng đồng về ý thức tự tạo việc làm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đồng thời sẽ tăng cường hơn nữa công tác thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hoá, thông tin) cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù (như các chính sách ưu tiên hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo, người nghèo sinh sống ở xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách ưu đãi đối với xã có tỷ lệ nghèo cao; tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và các chương trình khác cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao...); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở các cấp, đặc biệt quy trình dân chủ ở cơ sở./.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày