Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 17/08/2016

ĐẨY MẠNH NGOẠI GIAO KINH TẾ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

 
Bài viết của đồng chí Phạm  Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
-------------------------


Thực hiện đường lối Đổi mới đất nước, trong hơn 20 năm qua đất nước ta đã giành được những thành tựu vô cùng to lớn và vẻ vang. An ninh-quốc phòng và ổn định chính trị-xã hội của đất nước được giữ vững. Quan hệ đối ngoại không ngừng được củng cố và mở rộng theo phương châm "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Trong lĩnh vực kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 7-8%/năm từ năm 1986 đến nay Việt Nam đã vươn lên gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Những thành tựu trên là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành và toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có những đóng góp thiết thực của công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) về tạo môi trường quốc tế thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Từ vài năm gần đây, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng đe dọa sự phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia; nhiều trung tâm kinh tế lớn rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ; thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm sút trong khi bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng; các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng ngày càng gay gắt. Những diễn biến không thuận của kinh tế thế giới đã và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động kinh tế đối ngoại như thương mại, đầu tư, thu hút ODA, xuất khẩu lao động, du lịch… Trong bối cảnh này, ngành Ngoại giao đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai công tác NGKT nhằm chung sức với các cấp, các ngành tháo gỡ những khó khăn, thách thức đối với kinh tế đất nước với một số kết quả thiết thực và cụ thể. 

NGKT đã góp phần tạo lợi ích đan xen, làm sâu sắc quan hệ giữa nước ta với các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược và có tầm chiến lược; từng bước đưa quan hệ kinh tế nói riêng và quan hệ song phương nói chung với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Trên bình diện đa phương, Việt Nam tham gia tích cực, chủ động với nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào các nội dung hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê Công, APEC, ASEM, Diễn đàn Kinh tế Thế giới… tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Với thế mạnh đặc thù về mạng lưới các Cơ quan đại diện, ngành Ngoại giao đã chú trọng công tác nghiên cứu, thông tin, tham  mưu về tình hình, diễn biến,  triển vọng KTTG, quan hệ kinh tế quốc tế trong và sau khủng hoảng và tác động đến Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về xử lý khủng hoảng; các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm đối phó với thách thức kinh tế vĩ mô và tranh thủ cơ hội từ xu hướng tái cấu trúc kinh tế sau khủng hoảng… để phục vụ công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ và các cấp, các ngành.

NGKT đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Công thương, Kế hoạch đầu tư và các ngành, cơ quan liên quan mở ra nhiều thị trường xuất khẩu cho đất nước, thu hút nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài khác phục vụ phát triển đất nước. Công tác vận động chính trị, ngoại giao hỗ trợ tích cực các hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt là vận động các nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam đem lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã làm tốt chức năng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, công tác NGKT trong quá trình hội nhập sâu, toàn diện của đất nước cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục. Về mặt chính sách, chúng ta cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các định hướng lớn, bao gồm việc xây dựng một Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó tăng cường hiệu quả và tính chủ động trong phối hợp liên ngành  để triển khai các cam kết quốc tế. Về phía ngành Ngoại giao, việc cung cấp thông tin tham mưu chiến lược về tình hình kinh tế thế giới, về đối tác, thị trường trong thời gian qua đã được tăng cường nhưng chưa đủ; công tác quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại chưa ngang tầm với tiềm năng quan hệ giữa ta và đối tác. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục được nâng cao năng lực và trang bị những kỹ năng cần thiết, nhất là trình độ ngoại ngữ, kiến thức luật kinh tế quốc tế, kỹ năng thương lượng, đàm phán, vận động…

Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua những tư tưởng và định hướng chỉ đạo lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó có phương châm "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Đại hội XI, Chiến lược Phát triển Kinh tế-xã hội 2011-2020 và Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nhằm ứng phó với những tác động không thuận, tranh thủ những cơ hội mới trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới, ngành Ngoại giao sẽ tập trung triển khai công tác NGKT theo các định hướng sau:

Một là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin về kinh tế cho Chính phủ và các cấp, các ngành, tập trung vào nghiên cứu tình hình, triển vọng kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam; kiến nghị các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng; đề xuất chính sách chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; khắc phục hạn chế và đóng góp nâng cao hiệu quả tham gia thực hiện cam kết WTO và các FTA đã ký kết, tiến hành đàm phán TPP và FTA với các đối tác mới, tham gia tích cực các diễn đàn hợp tác quốc tế như ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê Công, APEC…

Hai là, làm sâu sắc nội hàm kinh tế, thương mại trong hợp tác với các đối tác chiến lược; tăng cường tạo dựng lợi ích kinh tế đan xen, góp phần tạo nền tảng làm sâu sắc quan hệ quan hệ của với các đối tác, đặc biệt là với các đối tác chiến lược và có tầm chiến lược; đột phá các lĩnh vực mới, mở đường, thúc đẩy quan với các đối tác tiềm năng cho thương mại, đầu tư…

Ba là, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại, tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; Phòng ngừa và xử lý các tranh chấp thương mại; Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò, vị thế của nước ta thông qua tích cực đóng góp cho hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, khu vực, tiểu khu vực và tiểu vùng; phát huy vai trò vận động chính trị, ngoại giao hỗ trợ tích cực các hoạt động kinh tế đối ngoại; vận động mạnh các đối tác sớm công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Năm là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ chế phối hợp triển khai công tác NGKT, bao gồm xây dựng Đề án tổng thể về công tác NGKT trong giai đoạn mới; triển khai hiệu quả Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác NGKT nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.

Giai đoạn 10 năm tới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, ngành Ngoại giao sẽ nỗ lực phối hợp với các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả công tác NGKT nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI và các đường lối, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 21.204.794
Truy cập hiện tại 17.475