Liên kết website
Chính phủ
Các bộ, ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
 
Cộng đồng người Việt ở Volgograd: Tình người là bí quyết thành công
Ngày cập nhật 25/07/2014

      Cả cộng đồng giống như một gia đình lớn mà đa phần các thành viên đều có ý thức chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau...

      Bình an cuộc sống bên bờ Volga

     Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần bà con cộng đồng Việt ở Volgograd đang có một cuộc sống bình yên, ấm áp tình người – điều mà không phải cộng đồng ở nơi xa xứ nào cũng có được. Trong câu chuyện với chúng tôi, hầu như ai cũng hài lòng với những gì mình đang có: Một công việc mưu sinh, một gia đình với những đứa con trong một cộng đồng đầy tình nhân ái, không bon chen, lừa lọc, không hoa mỹ mà bình dị như chính cuộc sống của họ ở bên bờ Volga này.

     Người Việt có mặt tại Volgograd đã hơn 30 năm và tạo được chỗ đứng vững chắc, hợp pháp tại vùng đất nên thơ bên bờ sông Volga của nước Nga. Họ chủ yếu kinh doanh vải, quần áo, giày dép, kính, mũ… Trong cộng đồng với khoảng 500 người tại đây, có tới hơn 90% làm nghề kinh doanh buôn bán. Và khác với những nơi sầm uất như Moscow, công việc kinh doanh của người Việt ở Volgograd có vẻ “nhẹ nhàng” hơn bởi mọi chi phí như tiền thuê nhà, thuế chợ đều rẻ hơn nhiều và như bà con chia sẻ, cả chục năm nay không hề thấy có bóng dáng cảnh sát đi kiểm tra hay “chất vấn” như ở những thành phố lớn khác của Nga.

     Và có lẽ trên tất cả, chính là tình người ở nơi đây. Cả cộng đồng giống như một gia đình lớn mà đa phần các thành viên đều có ý thức chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Hội người Việt, Hội người Việt định cư, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh ở Volgograd không thành lập nên chỉ “cho có hội”. Những tổ chức này thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng. Hội phụ nữ tuy mới thành lập nhưng đã có kế hoạch cụ thể giúp những người khó khăn vay vốn với số tiền 50.000 rúp trong vòng ba tháng. Các hội đều coi trọng việc tạo môi trường đầm ấm, lành mạnh để ngoài việc mưu sinh, mọi thành viên của các hội còn được sinh hoạt văn hóa, thể thao, có điều kiện nuôi dạy con cái tốt.

     Trong môi trường như vậy, mỗi thành viên trong cộng đồng chẳng hề cảm thấy mình đơn độc và thiết nghĩ, đó chính là điều làm nên sức mạnh của họ ở xứ người.

Đa phần bà con cộng đồng Việt ở Volgograd đang có một cuộc sống bình yên, ấm áp tình người

 

      Vị “thuyền trưởng” nhân hậu

      Chúng tôi đã gặp anh Dương Hải An tại nông trại thuộc Tổng công ty Volga Việt do anh sáng lập. Nhiều năm nay, người đàn ông gốc Đô Lương, Nghệ An này đầu tư nhiều công sức và tiền của để cánh đồng bên bờ Volga trở nên xanh ngút ngát, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân đến từ Việt Nam và Uzbekistan.

      Nếu coi anh An là người chèo lái con thuyền cộng đồng Việt ở Volgograd, thì phải nói tới việc anh chính là người đầu tiên tạo dựng nên trung tâm thương mại Traktor thuộc công ty Volga Việt vào năm 1998, nơi đại đa số bà con đang kinh doanh thành đạt. Với đầu óc nhìn xa trông rộng và có thể xuất phát từ “chất nông dân”, anh nhận ra bên dưới những cánh đồng bị bỏ hoang của Volgograd là tiềm năng dồi dào đang bị bỏ quên bởi những khó khăn nảy sinh từ thời hậu Xô Viết. Kết quả là một nông trại chuyên trồng các loại rau chủ yếu phục vụ thị trường Nga đã ra đời.

      Ngoài cương vị Tổng Giám đốc Tổng công ty Volga Việt, anh còn là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Volgograd. Anh biết tường tận hoàn cảnh của từng người trong cộng đồng. Anh từng hòa giải những mâu thuẫn gia đình hay cấp học bổng cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn… tạo cuộc sống ổn định cho bà con người Việt nơi đây.

     Tiếp xúc với anh Dương Hải An, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự điềm đạm, từ tốn, thái độ biết lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ ở anh. Có lẽ với một cựu chiến binh từng có 10 năm phục vụ trong quân ngũ, mục tiêu kiếm nhiều tiền không phải là trên hết. Nếu đặt mục tiêu như vậy thì chắc anh chẳng phải lao tâm khổ tứ với việc mua đất nông nghiệp và vận động bà con chuyển hướng sang thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi trong bối cảnh mô hình kinh doanh ở chợ đang dần kém hiệu quả, khiến nhiều người buộc phải đứng trước sự lựa chọn giữa về Việt Nam hay ở lại.

      Nhiều người xếp anh Dương Hải An vào “hàng soái” trong cộng đồng người Việt ở Nga bởi anh sở hữu hai trung tâm thương mại, các cơ sở chế biến rác thải, là chủ sở hữu hơn 200 ha đất trồng trọt cùng cả hệ thống bơm nước và những máy móc nông nghiệp hiện đại. Nhưng “tài sản” lớn nhất mà anh An đã tích cực góp phần xây dựng nên chính là một cộng đồng người Việt đầy tình người bên bờ Volga.

      Người ta nói: Bạn không thể làm cho ai đó yêu quý bạn, nhưng tất cả những gì bạn có thể làm là trở thành một người đáng yêu trong con mắt mọi người. Với tấm lòng nhân hậu, với những gì mà anh đã làm cho mọi người, anh Dương Hải An đã có được thiện cảm, sự quý mến, kính trọng của đông đảo bà con trong cộng đồng Việt tại đây. Anh chăm chút cho cộng đồng nhỏ của mình, đổi lại cộng đồng cũng sát cánh cùng anh vừa làm ăn, vừa giúp đỡ, tương trợ nhau. Và có thể nói tình người chính là bí quyết tạo nên thành công của cộng đồng người Việt bên bờ Volga.

Theo Bộ Ngoại giao

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày